Ngân hàng tăng dự phòng, rao bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu

08/11/2020 20:16 PM | Kinh doanh

Trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân như thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, giãn nợ…

Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng thương mại công bố trong quý III-2020 cho thấy tỉ lệ nợ xấu tăng đáng kể so với trước đó. Đã có 14/16 ngân hàng thương mại niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý III với tỉ lệ nợ xấu tăng trung bình 30% so với quý trước.

Các ngân hàng cũng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nhiều hơn.

Tại Vietcombank, báo cáo tài chính hợp nhất quý III cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh lên 2.024 tỉ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay ngân hàng này đã trích tới 6.033 tỉ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu của Vietcombank trong 9 tháng cũng tăng thêm 2.000 tỉ đồng lên 7.883 tỉ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng khá cao. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đã tăng lên 1,01% so với mức 0,79% vào cuối năm ngoái.

 Ngân hàng tăng dự phòng, rao bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu  - Ảnh 1.

Các ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn gặp khó do dịch Covid-19. Ảnh: Lam Giang

Trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tại Techcombank đã tăng lên mức 2.200 tỉ đồng so với con số 605 tỉ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Techcombank cho biết điều này phản ánh sự thận trọng của ngân hàng trong việc chủ động trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu.

Kết thúc quý III, VPBank đã gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC). Đại diện VPBank giải thích tỉ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ đạt gần 30% phản ánh việc đã chuẩn bị "bộ đệm" dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh…

Cùng với việc tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nhiều ngân hàng cũng cấp tập đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Hàng loạt tài sản thế chấp của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp từ ôtô, máy móc thiết bị, nhà xưởng, đến các lô bất động sản trị giá từ vài tỉ đồng đến hàng ngàn tỉ đồng… đã và đang được rao bán.

Liên quan đến việc nợ xấu tăng ở nhiều ngân hàng, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, phân tích trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế. Khi doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ sẽ gặp nhiều khó khăn, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.

Một nguyên nhân nữa được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giải thích là do vấn đề kỹ thuật tính toán, trong bối cảnh tác động của Covid-19, tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tín dụng không cao như những năm trước. Do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên. Ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân như thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, giãn nợ…

Nếu tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa rõ thời điểm kết thúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, nhiều khả năng sẽ làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên. Để kiểm soát nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã giao các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo, phân tích và đề ra biện pháp ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Thái Phương

Cùng chuyên mục
XEM