Ngân hàng “siết” vay mua bất động sản, thị trường sẽ “đóng băng”, thanh khoản khó

01/04/2022 20:48 PM | Kinh doanh

Chuyên gia cho rằng, có thể giá bất động sản vẫn sẽ tăng do khan hiếm nguồn cung, cộng với việc nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn. Nhưng, giá tăng không đồng nghĩa với việc tính thanh khoản cũng sẽ tăng theo. Có thể, thị trường sẽ rơi vào trạng thái đóng băng tạm thời, thậm chí không thanh khoản.

Ngân hàng “siết” cấp tín dụng bất động sản

Mới đây, ngân hàng Sacombank đã có thông báo tới Giám đốc khu vực, Giám đốc chi nhánh, và Trưởng phòng giao dịch về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm yêu cầu tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực, bao gồm sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics.

Đặc biệt là, “Không cấp tín dụng đối lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân/mua/xây sửa bất động sản để ở,” văn bản nhấn mạnh.

Văn bản cũng nêu rõ những nội dung trên được triển khai cho đến ngày 30/06.

Theo bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, tỷ lệ tăng trưởng cho vay bất động sản đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng đã cao. Vậy nên, trong giai đoạn này, Sacombank không cho vay bất động sản nữa mà tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Tương tự, Tecombank cũng vừa thông báo đến Bộ phận Phát triển giải pháp cho vay thế chấp với các đơn vị kinh doanh về việc kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản.

“Tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản kể từ ngày 25/03/2022,” thông báo của Techcombank đề cập.

Về việc này, các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để rời lịch giải ngân các khoản vay này sang ngày 01/04/2022.

 Ngân hàng “siết” vay mua bất động sản, thị trường sẽ “đóng băng”, thanh khoản khó  - Ảnh 1.

Việc siết tín dụng vay vốn bất động sản thực chất đã được NHNN chỉ đạo từ vài năm trước. Mới nhất, vào ngày 18/03/2022, NHNN đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Kế hoạch bao gồm yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT, trái phiếu doanh nghiệp.

Như vậy, nhiều khả năng trong thời gian tới, các ngân hàng trong nước sẽ đẩy mạnh thắt chặt tín dụng vay vốn đối với lĩnh vực này.

Trước Sacombank và Techcombank, nhiều ngân hàng như Vietcombank, Ngân hàng An Bình ABB đã hạn chế cho vay vốn bất động sản từ năm 2021.

“Ngân hàng An Bình chỉ tập trung cho vay mua nhà ở ở, với nguồn thu từ lương hoặc các nguồn thu nhập khác đều đặn hàng tháng của họ. Còn lĩnh vực kinh doanh bất động sản sẽ khống chế dưới 8%,” ông Lê Hải, tổng giám đốc Ngân hàng An Bình ABBank cho biết.

Tại cuộc họp về tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, NHNN cho biết, trong 3 năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản giảm mạnh về tỷ trọng so với tín dụng của toàn hệ thống.

Cụ thể, tín dụng đổ vào bất động sản giảm từ trên 26% năm 2018 xuống còn 12% năm 2020. Đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản duy trì khoảng 12%.

Thị trường rơi vào trạng thái “đóng băng”, không thanh khoản

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch thường trực CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, đây là những động thái đầu tiên của các ngân hàng đối với thị trường địa ốc.

“Đây là chủ chương điều tiết kinh tế vĩ mô. Hiện nay, lượng đầu tư bất động sản đang quá nhiều, do đó nhà nước có động thái hạn chế đầu tư bất động sản mà đầu tư sang lĩnh vực khác. Nhìn từ góc độ này, tôi đánh giá đây là một động thái tích cực, phù hợp với từng giai đoạn. Một nền kinh tế mạnh không phải chỉ dựa vào đất đai có sẵn mà phải phát triển, tham gia sản xuất, tạo ra giá trị chung cho xã hội”, ông Điệp đưa quan điểm.

Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Điệp nhận định, dù ngân hàng thắt chặt việc cho vay mua bất động sản nhưng thị trường sẽ không lặp lại “bong bóng” như giai đoạn 2009 - 2010. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản đang rất bài bản, về mặt tín dụng cũng được điều tiết chặt chẽ, không có hiện tượng định giá quá cao so với giá mua, mức đầu tư.

 Ngân hàng “siết” vay mua bất động sản, thị trường sẽ “đóng băng”, thanh khoản khó  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, có thể giá bất động sản vẫn sẽ tăng do khan hiếm nguồn cung, cộng với việc nhu cầu đầu tư vẫn rất lớn. Nhưng, giá tăng không đồng nghĩa với việc tính thanh khoản cũng sẽ tăng theo. Có thể, thị trường sẽ rơi vào trạng thái đóng băng tạm thời, thậm chí không thanh khoản ở tùy khu vực.

“Sẽ có nhà đầu tư dùng tiền đi vay để đầu tư ‘ảo’, đến khi lãi suất bị đẩy lên cao phải cắt lỗ để trả nợ. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là những trường hợp cá biệt không phải đại diện cho toàn thị trường. Do đó, nhà đầu tư muốn xuống tiền trong thời điểm này nhà đầu tư cần phải tỉnh táo. Đặc biệt, cân nhắc dòng tiền nhàn rỗi, hạn chế dùng đòn bẩy tài chính, nếu thị trường rơi vào trạng thái đóng băng 1 - 2 năm thì cũng không bị ảnh hưởng quá lớn”, ông Điệp khuyên.

Còn ông Cao Minh Thành - Tổng giám đốc MLAND Pro, thị trường bất động sản đang giống như năm 2009 về giá. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, sẽ không có bong bóng vỡ và nguy cơ đóng băng như trước bởi sự can thiệp hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước.

Minh Tâm

Cùng chuyên mục
XEM