Ngân hàng nào hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland?

07/02/2020 11:18 AM | Kinh doanh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của Novaland, tính đến 31/12/2019 CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) có số nợ ngắn hạn phải trả lên tới 65,516 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong khi đó, các khoản vay ngắn hạn là 7.629 tỷ đồng, các khoản vay dài hạn là 26.960 tỷ đồng.

Chi tiết số dư cuối năm của các khoản vay ngân hàng được trình bày như sau:

 Ngân hàng nào hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland?  - Ảnh 1.

Các khoản vay ngắn hạn tính đến 31/12/2019.

Đối với các khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng, VPBank đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland với hai gói tín dụng có tổng trị giá hơn 959 tỷ đồng. Trong đó, số dư 816,804 tỷ đồng tính đến 31/12/2019 là khoản vay theo hợp đồng cho vay 2.600 tỷ đồng, thời hạn vay 36-48 tháng. Khoản vay này được VPBank tính lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm thông thường áp dụng cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ cao nhất của ngân hàng cộng biên độ từ 4,45% - 4,8%/năm.

Khoản vay này được đảm bảo bằng cổ phần và phần vốn góp của công ty con, công ty liên kết của tập đoàn và quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù giải tỏa đất tại quận 2, TP.HCM.

Như vậy, có thể thấy giữa Novaland và VPBank đã có thỏa thuận thế chấp bằng tài sản phát sinh từ việc đền bù giải tỏa đất đối với dự án tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM, là dự án đang bị "treo" khiến Novaland phải gửi đơn kêu cứu khẩn cấp.

Đối với số dư 142,50 tỷ đồng cũng trong một gói tín dụng khác của VPBank, đây là khoản vay theo hợp đồng tín dụng hạn mức 250 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng, dùng để bổ sung vốn lưu động. Lãi suất của khoản vay này được quy định theo từng khế ước nhận nợ, từ 6,7% - 7,3%/năm.

Khoản vay này được đảm bảo bởi số dư tài khoản tiền gửi tại ngân hàng cho vay với tỷ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ vay tại mọi thời điểm là 10% hạn mức tín dụng.

Với các hợp đồng tín dụng ngắn hạn, Sacombank đang là chủ nợ lớn thứ hai của Novaland với số dư còn lại lần lượt là 113,798 tỷ đồng và 60,44 tỷ đồng.

Khoản vay thứ nhất (v) tại Sacombank có tổng hạn mức 800 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng kể từ 28/09/2017. Lãi suất hằng năm bằng lãi suất cơ động cộng với biên độ 3,5%/năm. Tài sản đảm bảo là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai của một dự án tại quận 4, TP.HCM.

Khoản vay thứ hai của Novaland tại Sacombank (vii) là hợp đồng tín dụng trị giá 232 tỷ đồng, thời hạn 60 tháng kể từ ngày giải ngân, nợ gốc vay được trả định kỳ 3 tháng/lần. Khoản vay này có mức lãi suất 10,5%/năm cho 3 tháng đầu tiên, sau đó áp dụng lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng cá nhân kỳ hạn 13 tháng cộng với biên độ 3,5%/năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng diện tích bãi đậu xe của hai dự án Tropic 1, Lexington và một phần khu thương mại của 3 dự án Sunrise City (South, Central, North).

 Ngân hàng nào hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland?  - Ảnh 2.

Chi tiết các khoản vay dài hạn ngày 31/12/2019.

Trong khi đó, với các gói vay nợ dài hạn tại ngân hàng, Credit Suisse AG, Chi nhánh Singapore đang là chủ nợ lớn nhất khi cho Novaland với số dư nợ tính đến 31/12/2019 lần lượt là 3.458 tỷ đồng và 2.322 tỷ đồng.

Trong đó, gói tín dụng thứ nhất là khoản vay có tổng hạn mức 251 triệu USD gồm 2 khoản vay: Khoản vay bằng USD được thu xếp bởi Credit Suisse AG, Chi nhánh Singapore, lãi suất tính theo lãi suất libor cộng 4,25%/năm, đến ngày 31/12/2019 đã giải ngân 149 triệu USD. Khoản vay thứ hai bằng đồng Việt Nam trị giá 23,5 tỷ đồng (1 triệu USD) tại Vietcombank, thời hạn 48 tháng, lãi suất bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 3,5%/năm.

Gói tín dụng thứ hai Credit Suisse AG, Chi nhánh Singapore cho Novaland vay cũng có tổng trị giá 251 triệu USD kèm các điều kiện tương tự.

VPBank cũng cho Novaland vay các gói tín dụng dài hạn với số dư tính đến 31/12/2019 lần lượt là 1.783 tỷ đồng, 600 tỷ đồng và 427,5 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng còn lại có các khoản cho vay dài hạn đối với Novaland là Vietinbank, Sacombank, HDBank, OCB,…

Các khoản vay này được Novaland thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của tập đoàn trong công ty con; phần vốn góp của công ty con tại tập đoàn; các bất động sản, quyền tài sản thuộc các dự án như: dự án tại xã Long Hưng, Biên Hòa, Đồng Nai; toàn bộ diện tích bãi đậu xe của ba dự án Sunrise City (South, Central, North) và hai lô thương mại của dự án Sunrise; tài sản trên đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Ibis Vũng Tàu,…

Ngoài các khoản vay nợ ngắn hạn và dài hạn kể trên, Novaland còn có dư nợ hơn 10.000 tỷ đồng trái phiếu được phát hành cho các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước (ảnh dưới).

 Ngân hàng nào hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland?  - Ảnh 3.

 Ngân hàng nào hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Novaland?  - Ảnh 4.

Ngoài ra, Novaland cũng vay ngắn hạn và dài hạn đối với bên thứ ba, chi tiết như sau:

Mới đây, đúng vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán 2020, Novaland đã gửi 1 lá đơn gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng "kêu cứu" rằng, hơn 2 năm qua, doanh nghiệp này đã tự mình chèo chống, làm hết những gì có thể để vượt qua khó khăn. Nhưng đến bây giờ, Novaland đã "kiệt sức" vì đang bị mất tính thanh khoản.

Và Novaland đã "khẩn cầu" Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Công ty TNHHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 (Công ty thành viên của Novaland) được tiếp tục phát triển dự án khu dân cư tại khu đất 30,224ha phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM, vì đây là dự án đã đủ điều kiện bán hàng. Kèm theo đó là "thông điệp" Novaland đưa ra là để tránh những hệ lụy xấu không thể nào cứu vãn được nếu cổ phiếu của Novaland bị mất tính thanh khoản như: có thể nợ xấu 50.000 tỷ đồng, gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà, đòi lấy lại tiền, gây mất trật tự, an ninh thành phố, gây kiện tụng quốc tế dây chuyền phức tạp, mất công ăn việc làm cho hàng chục nghìn gia đình, giảm niềm tin của doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư…

Theo Ngân Giang

Cùng chuyên mục
XEM