Ngậm ngùi rời bục giảng, giáo viên hợp đồng đi làm thợ hàn, bán hàng online

24/09/2019 09:15 AM | Xã hội

“Hôm nay tôi được người ta thuê đi sửa điện nước, được trả công 200.000 đồng/ngày” - giọng thầy Phùng Đức Tăng ở bên kia đầu dây. Thầy từng là giáo viên Trường Trung học Cơ sở Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội), nhưng từ năm học mới này đã bị chấm dứt hợp đồng, để chờ đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục của thủ đô.

“Ai thuê chúng tôi?”

“Hôm nay tôi được người ta thuê đi sửa điện nước, được trả công 200.000 đồng/ngày” - giọng thầy Phùng Đức Tăng ở bên kia đầu dây. Thầy từng là giáo viên Trường Trung học Cơ sở Phú Sơn (huyện Ba Vì, Hà Nội), nhưng từ năm học mới này đã bị chấm dứt hợp đồng, để chờ đợt thi tuyển viên chức ngành giáo dục của thủ đô.

Đúng ngày học sinh nô nức tựu trường, đồng nghiệp phấn khởi chào đón năm học mới, thầy Tăng và nhiều giáo viên hợp đồng ở Hà Nội đã nhận thông báo phải nghỉ việc.

“Chua xót lắm! Cống hiến hơn 18 năm trong nghề, mặc dù chỉ nhận 1,3 triệu đồng/tháng nhưng vẫn cố bám trụ. Bây giờ bị mất việc. Một tháng qua, ai thuê gì tôi làm nấy, từ hàn xì, sửa điều hòa, sửa điện… để lấy tiền nuôi mình, nuôi con. Ngày nào có việc thì được trả công ngày đó. Hôm nào không ai thuê thì đành ở nhà”- thầy Tăng buồn bã.

Những ngày qua, nhiều học trò không thấy thầy đến trường, nhắn tin hỏi thăm. “Học trò hỏi sao mấy ngày nay không thấy thầy đâu. Mỗi lần đọc tin nhắn tôi lại ứa nước mắt vì nhớ trường, nhớ lớp” - thầy giáo ngậm ngùi.

Ngậm ngùi rời bục giảng, giáo viên hợp đồng đi làm thợ hàn, bán hàng online - Ảnh 1.

Bị chấm dứt hợp đồng sau 18 năm nay đi dạy, thầy Phùng Đức Tăng đi lắp đặt điều hòa thuê cho một cửa hàng kinh doanh.

Cũng như thầy Tăng, nhiều giáo viên hợp đồng của Hà Nội đã bị chấm dứt hợp đồng từ 1.9 vừa rồi, để chờ đợt tuyển dụng viên chức. Những bàn tay vốn quen với bảng đen, phấn trắng, nay chẳng nề hà việc gì. Thầy đi làm thuê, cô đi giúp việc, bán hàng online. Ai may mắn thì xin được vào thỉnh giảng ở các cơ sở giáo dục, với tiền lương là vài chục nghìn đồng trên một tiết dạy học.

“40, 50 tuổi, hơn nửa đời người gắn bó với nghề giáo. Giờ bị mất việc, ruộng không có mà canh tác, xin làm công nhân thì người ta chê nhiều tuổi. Một tháng nay tôi cũng nhờ anh em, bạn bè xin vào công ty nào đó làm việc, nhưng chưa nơi nào nhận. Giờ ai thuê chúng tôi ở độ tuổi này?”- cô N.T.T.T - giáo viên hợp đồng ở Sơn Tây chua xót.

Bộ Chính trị cho phép xét đặc cách, sao Hà Nội không làm?

Đây là câu hỏi mà thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên hợp đồng tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đặt ra trước thông tin Bộ Nội vụ cung cấp trong cuộc họp báo vào chiều 20.9, liên quan đến vấn đề tuyển dụng với giáo viên hợp đồng.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, để tháo gỡ tồn đọng lịch sử do số lượng giáo viên hợp đồng tồn đọng 20 năm qua, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và được đồng ý cho các tỉnh, thành phố xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm từ ngày 31.12.2015 trở về trước, mà không cần qua thi tuyển.

“Thông tin này khiến gần 3.000 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội có thêm hy vọng. Hiện nay đã có một số địa phương thực hiện, nhưng Hà Nội thì chưa.

Vậy tại sao Hà Nội không thực hiện theo công văn 9028 của Bộ Chính trị ngày 11.3.2019 mà vẫn bắt các giáo viên hợp đồng phải thi tuyển?”- băn khoăn của thầy Tiến cũng là tâm tư của những giáo viên hợp đồng khác, khi nhiều tháng qua đã "mất ăn mất ngủ" vì lo.

Số phận của gần 3.000 giáo viên hợp đồng, theo sau đó là hàng nghìn gia đình, vẫn đang chờ một quyết định thấu tình và nhân văn của Hà Nội.

Theo ĐẶNG CHUNG

Cùng chuyên mục
XEM