Ngạc nhiên chưa: Không phải Amazon, Nga mới là lá phổi xanh của thế giới

08/10/2019 08:00 AM | Xã hội

Nghe có vẻ buồn cười, nhưng Nga thậm chí có đến 10% diện tích rừng mọc "bất hợp pháp", nghĩa là chúng mọc trên vùng đất vốn được quy hoạch làm đất nông nghiệp.

Trong khi mọi người nhắc đến Mỹ về vai trò đầu tàu chống ô nhiễm thì ở bên kia Đại Tây Dương có một quốc gia đứng đầu về diện tích rừng, qua đó đóng vai trò chủ chốt cho môi trường lại ít được nhắc tới. Đó là nước Nga.

Tổng diện tích rừng trên toàn cầu tính đến ngày 14/4/2019 là 39 triệu km2 thì Nga đã chiếm tới 8.149.300 km2 rừng, đứng đầu thế giới. Xin được nhắc nhở rằng tổng diện tích đất liền của Trung Quốc chỉ có 9,597 triệu km2, còn của Mỹ là 9,834 triệu km2.

Diện tích phủ xanh tại quốc gia bạch dương này cũng chiếm tới 49,4%. Vùng phía bắc nước Nga chủ yếu bị bao phủ bởi rừng núi và với thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, có rất ít dân cư sinh sống tại đó. Bởi vậy, Nga giữ được diện tích vô cùng lớn những cánh rừng nguyên sinh không bị tàn phá, qua đó đóng góp lớn cho môi trường trái đất.

Không chỉ dừng lại ở rừng, vùng Siberia của Nga còn có một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh với động thực vật, các con sông và nhiều giống loài hoang sơ khác.

Thậm chí, khoảng 10% diện tích rừng tại Nga là mọc "bất hợp pháp", nghĩa là chúng mọc trên vùng đất vốn được quy hoạch làm đất nông nghiệp.

Ngạc nhiên chưa: Không phải Amazon, Nga mới là lá phổi xanh của thế giới - Ảnh 1.

Trên thực tế, một số cánh rừng kiểu này thuộc dạng rừng cũ, nghĩa là bị người nông dân bỏ hoang sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và để mặc cho cây cối mọc thành rừng.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là theo luật pháp, những chủ đất nông nghiệp không được để đất bỏ hoang, nghĩa là để rừng mọc tràn lan trên mảnh đất của họ nếu không sẽ phải chịu phạt tiền hoặc thậm chí bị tịch thu bất động sản. Tuy vậy chẳng mấy ai quan tâm đến những vùng đất hoang sau khi Liên Xô tan rã. Những biến động địa chính trị khiến nhiều chủ đất mất tích hoặc tị nạn nước ngoài.

Hệ quả là nhiều cánh rừng tại Nga nằm trên những vùng đất có chủ nhưng người chủ lại không có ý định hoặc không thể chặt bỏ các cánh rừng này, để chúng tồn tại qua nhiều năm. Chính quyền địa phương cũng chẳng mấy quan tâm bởi không có nhiều tài nguyên đáng giá trong khu vực. Cơ sở hạ tầng quá yếu kém khiến việc khai thác tài nguyên rừng ở những khu vực này không đem lại nhiều lợi nhuận, chưa kể đến thời tiết lạnh giá khắc nghiệt vào mùa đông.

Hàng năm, ngành khai thác gỗ tại Nga đóng góp 20 tỷ USD cho nền kinh tế và đây là một trong những ngành lâu đời nhất của Nga. Trên thực tế, Nga chiếm tới ¼ lượng tài nguyên gỗ trên thế giới và 1/5 tổng diện tích cây xanh toàn cầu, nhưng ngành gỗ của nước này lại chỉ chiếm chưa đến 4% thị phần toàn thế giới. Nguyên nhân chính là phần lớn rừng tại Nga bị bỏ hoang và cơ sở hạ tầng yếu khiến chi phí vận chuyển, khai thác quá cao.

Hiện tại, phần lớn rừng tại Nga vẫn thuộc quyền sở hữu của nhà nước nhưng ngân sách cho bảo vệ, nghiên cứu rừng lại chưa bao giờ đạt 50% so với nhu cầu đề ra. Hệ quả là rất nhiều vụ cháy từng tự nhiên diễn ra ở Nga nhưng chẳng mấy ai quan tâm.

Ngạc nhiên chưa: Không phải Amazon, Nga mới là lá phổi xanh của thế giới - Ảnh 2.

Các nghiên cứu và giáo dục về rừng cũng như hệ sinh thái tự nhiên cũng ngày một thấp ở Nga. Việc xuất khẩu gỗ cũng như các vật liệu từ gỗ ở Nga giảm là một tin vui với những nhà bảo vệ môi trường, nhưng cũng chính vì rừng chẳng có giá trị kinh tế gì nên chúng bị bỏ hoang một cách vô trách nhiệm.

Tại vùng viễn đông và phía Bắc, Nga hầu như không có các dự án cơ sở hạ tầng mới nào. Hệ quả là rừng mọc nhiều nhưng không được quy hoạch. Những trận cháy rừng hay các trận dịch bệnh, côn trùng… phá hoại rừng đều không được quan tâm.

Tuy vậy mọi chuyện đang dần có tiến triển tốt hơn khi thế giới để ý hơn đến môi trường. Việc biến đổi khí hậu tác động đến môi trường sống đã kích thích truyền thông và các nhà hoạt động xã hội lên tiếng tại Nga. Chính phủ Nga cũng đã bắt đầu có những dự án bảo tồn rừng, nghiên cứu và giải quyết các khu rừng hoang cũng như có quy hoạch thích đáng cho vùng rừng phía Bắc.

AB

Cùng chuyên mục
XEM