Nếu con du học ở quốc gia này, cha mẹ phải biết 8 dấu hiệu 'mất kiểm soát' để can thiệp kịp thời
Anh Bảo Nguyễn lưu ý, phụ huynh rất cần chủ động theo dõi và chăm sóc con cái chặt chẽ hằng ngày. Quan sát thật kỹ biểu hiện của chúng, đề phòng trường hợp mất kiểm soát xảy ra.
Anh Bảo Nguyễn - công chức của một trường đại học ở Canada với 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là người có nhiều bài viết được phụ huynh yêu thích về du học Canada. Qua quá trình quan sát, tư vấn cho nhiều phụ huynh, anh cho rằng, đối với học sinh du học thì tình trạng hụt hẫng ban đầu đương nhiên xảy ra khi các em tham gia cuộc sống thật ở Canada, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào. Thời gian chao đảo này ngắn hay dài phụ thuộc hoàn toàn ở khả năng tự chủ, tự thích nghi của mỗi cá nhân.
Nhưng những em không đủ ý chí, không thích nghi được với hoàn cảnh để đeo đuổi việc học thì sẽ bị rơi vào khủng hoảng. Nếu để tình trạng này kéo dài mãi thì học sinh sẽ bước sang trạng thái kế tiếp là mất kiểm soát, buông bỏ và đánh mất mục đích ban đầu.
Vì thế, anh Bảo Nguyễn lưu ý, phụ huynh rất cần chủ động theo dõi và chăm sóc con cái chặt chẽ hằng ngày. Quan sát thật kỹ biểu hiện của chúng, đề phòng trường hợp mất kiểm soát xảy ra. Nếu để tình trạng này kéo dài quá lâu thì rất khó uốn nắn con trở lại đường thẳng.
Nếu con đi du học ở Canada, đây là các dấu hiệu để nhận biết về tình trạng mất kiểm soát, cha mẹ cần chú ý:
1/ Học trường "vớ vẩn"
Du học Canada mà vào học trường dân Canada không học là sự mất định hướng ngay từ đầu. Cha mẹ Việt Nam nên sang tận nơi, vào trường công của dân Canada nhìn tận mắt và so sánh với một số trường tư, lúc đó các bạn sẽ tận mắt thấy sự khác biệt. Trường công đích thực là thế mạnh của giáo dục Canada. Một số những gia đình giàu có Canada có gửi con đi học tư, nhưng đó là những trường rất nhỏ ở bậc tiểu học. Có một ít trường tư tốt, dành cho dân giàu có thì học phí khoảng trên dưới 30.000 USD/năm.
Hãy hết sức cẩn thận với trường tư vì tại Canada có rất nhiều thứ mang nhãn made in Canada nhưng bên trong không phải vậy. Có thể, con bạn bị sa vào những trường làng tý hon, không có học sinh Canada học mà chỉ có Việt Nam, Trung Quốc...
2/ Biểu hiện thời gian
Khoảng cách thời gian giữa Canada và Việt Nam là khoảng từ 8 đến 12 giờ đồng hồ. Ngày Việt Nam là đêm Canada. Phụ huynh nên theo dõi múi giờ này cẩn thận. Nếu thấy con ở Canada những thường xuyên online theo múi giờ Việt Nam thì tức là con đang lấy đêm làm ngày. Giờ người ta đi học, đi làm thì con ngủ. Còn khi người ta ngủ hết thì con thức. Điều này nghĩa là con khó khăn khi hội nhập xã hội Canada.
Nếu như bạn nói chuyện với con qua Facebook, Facetime vào buổi sáng hay trưa mà con cứ gục gặc hoặc trả lời tiếng một tức là đang thiếu ngủ trầm trọng. Ở đây mùa đông lạnh -20 độ nên rất buồn ngủ. Phải đi ngủ sớm mới có sức thức dậy vào lúc 7 giờ rưỡi để đi học. Con nít học từ 8 giờ rưỡi sáng đến 3 giờ rưỡi chiều.
Nếu như có hoạt động ngoại khóa thì trễ lắm là 5 giờ về đến nhà. Ăn cơm, làm bài và coi tivi một chút rồi đi ngủ. Trẻ ở đây không có thói quen đi dạo ngoài đường, không đàn đúm bè bạn sau giờ học và hiếm khi nào đến nhà nhau chơi. Đi học xong là về thẳng nhà. Lâu lắm mới ra ngoài chơi chung vào cuối tuần. Nếu như trong tuần mà thấy con bạn vẫn đi chơi buổi tối thì hãy hỏi han đến nơi đến chốn.
3/ Biểu hiện học đường
Ở trường công, học sinh chỉ cần đi trễ 10 phút, trễ một tiết học là tới cuối ngày nhà trường sẽ gọi báo cho gia đình. Phụ huynh phải liên lạc lại để báo lý do. Nếu vắng mặt thì phụ huynh phải viết email thông báo cho trường biết từ trước. Nếu nghỉ bệnh thì cần giấy bác sĩ. Người bảo trợ học sinh tại Canada sẽ theo dõi, đôn đốc học sinh và báo cáo cho cha mẹ ở Việt Nam biết tình hình.
Nếu vắng mặt, vắng tiết thường xuyên thì Hiệu phó sẽ nói chuyện với gia đình. Kỷ luật trong trường là tự giác. Nhà trường không trách mắng nhưng ghi số ngày nghỉ vào học bạ. Vào cuối học kỳ, cha mẹ nên đọc cho kỹ học bạ, xem các lời phê để hiểu tình hình học hành của con. Nếu thấy tình trạng trễ nải, bỏ học thường xuyên xảy ra thì nên cẩn thận.
4/ Sử dụng tiền bạc
Những đứa bé ngoan Canada, Mỹ dưới 18 tuổi rất ít xài vặt. Mọi thứ ăn uống, quần áo, cha mẹ mua sắm sẵn rồi nên không có lệ cho tiền riêng bỏ túi tiêu vặt như trẻ Việt Nam. Gia đình nề nếp, dù là giàu có cũng không cho tiền con mình. Muốn có tiền, chúng phải tự đi làm bồi bàn, fast food, hãng xưởng để có lương.
Nếu phụ huynh Việt Nam đã trả hết tiền ăn, tiền nhà, tiền xe bus, sách vở hàng tháng cho con thì đừng cho con thêm các khoản tiêu vặt. Cách tốt nhất là cho con tấm thẻ credit card và hạn chế định mức tiêu xài. Như vậy, bạn có thể đọc báo cáo online về các khoản mà chúng trả tiền và biết được cách xài tiền của con như thế nào. Một đứa bé ngoan, hiếu thảo thì record rất tốt. Ngược lại, một đứa bé mỗi tháng đều tiêu xài một khoản tiền mặt vài trăm thì đó không phải là biểu hiện lành mạnh ở Canada.
5/ Chuyển trường
Nếu một học sinh du học chuyển từ trường tư sang công thì đó là điều đáng khích lệ. Đây là bằng chứng cho thấy em học sinh có ý chí cầu tiến. Còn khi xin chuyển từ trường công sang trường tư quốc tế thì lại là điềm báo con tàu du học bắt đầu bay trượt ra ngoài quỹ đạo. Học sinh đang rơi tự do, không thể và cũng không muốn đi học chung với dân Canada nữa nên dạt sang bên lề xã hội.
Ngoại trừ hoàn cảnh bắt buộc như nhà quá xa, trường không dạy môn mà đại học yêu cầu... thì học sinh du học không nên tự động chuyển trường. Việc này sẽ làm lỡ dở việc học hành và tốn thêm nhiều thời gian về sau.
6/ Thay đổi chỗ ở
Chuyện này đương nhiên sẽ xảy ra, nhưng nếu nhiều hơn 2 lần trong một năm thì đây không phải tín hiệu tốt. Phụ huynh nên hết sức đề phòng khi con em tự thuê nhà, hay theo bạn bè về sống chung nhà. Khi các trẻ em ở tuổi vị thành niên mà tụ tập như vậy thì sẽ xảy ra nhiều vấn đề xã hội đáng quan ngại. Cha mẹ ở xa nửa vòng trái đất, chỉ gửi tiền cho con cái tiêu xài mà không biết chúng làm gì thì đó là điều cực kỳ mất kiểm soát. Luật du học đã định rõ, các em học sinh phải sống trong gia đình host family để người lớn coi chừng.
7/ Mất cắp, giựt nợ, gạt gẫm, hùn hạp làm ăn
Những chuyện trên hiếm khi xảy ra với học sinh Canada vì chúng chỉ có ăn với học. Rất ít em có thói quen xài tiền, mượn tiền của bè bạn vì dù có hỏi cũng chẳng dễ gì cho mượn. Ở tuổi học sinh không làm ăn, buôn bán, hùn hạp vì xã hội không khuyến khích. Các học sinh du học cũng nên theo thói quen này.
Tất cả tiền bạc bỏ vào ngân hàng hết và không trữ tiền mặt ở nhà. Nếu như một học sinh nói "Con đánh mất số tiền học phí năm nay" hoặc "Tháng này con bị trộm mất toàn bộ tiền nhà".... thì điều này đối với người Canada rất khó tin. Hãy cẩn thận khi chuyện đó xảy ra với con bạn.
8/ Mất liên lạc
Khi con bạn không trả lời email, điện thoại của bố mẹ nữa thì vấn đề đã nghiêm trọng rồi đó. Các bạn cần phải sang Canada và sinh sống với con để tìm hiểu, giải quyết vấn đề.
"Khi trả những khoản tiền khổng lồ cho con du học nước ngoài, nhiều phụ huynh sẽ nghĩ rằng con mình học hành, vui chơi, giải trí, tham gia sinh hoạt xã hội chan hòa với dân bản xứ... Thực tế, những điều đó chỉ xảy ra với một số rất ít những em ngoan ngoãn, năng động và giỏi tiếng Anh mà thôi. Ngược lại, đại đa số học sinh, sinh viên Việt Nam đều rất thụ động và sống co cụm. Nếu không tự mình đi đăng ký làm thiện nguyện viên; tự tham gia các club thể thao, văn nghệ, sinh hoạt tôn giáo ở trong trường hay ngoài xã hội... thì đa phần các em cũng chỉ ở nhà, nhốt mình trong căn phòng nhỏ.
Ở Bắc Mỹ, đời sống người dân là ở trong nhà. Dân chúng không tụ tập nhậu nhẹt, ít ăn chơi giao tiếp. Quán xá im lìm, chỉ nhộn nhịp vào thứ 7, Chủ Nhật. Phố xá vắng tanh, dưới lòng đường xe chạy 100km/giờ. Nếu muốn hội nhập xã hội thì mình phải "take action", tự vận động. Phụ huynh rất nên sang sống 1 thời gian để hiểu nhiều hơn về cuộc sống thật bên này. Những đứa bé không có mục đích du học thì đừng đẩy chúng đi bởi vì như thế, sẽ có hại cho cả con cái lẫn cha mẹ", anh Bảo chia sẻ.