Nếu chưa biết dậy 4h sáng có lợi ích gì, bạn cần đọc câu chuyện kỳ lạ này!
Mỗi ngày dậy từ 4 giờ sáng, đi bộ rồi chạy, chạy mệt lại đi bộ, cô gái quê ngày nào Thi Tú Anh đã chiến thắng ung thư ở tuổi 50, rồi trở thành nhà vô địch thế giới.
LTS: Chỉ cần dành ít phút để đọc câu chuyện cảm động này, bạn sẽ thấy cuộc sống luôn có phép màu. Phép màu không đến từ đấng siêu nhiên nào, mà hoàn toàn nhờ sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người xuất thân rất bình thường như bà Thi Tú Anh...
Vận động viên cao tuổi Thi Tú Anh là một cái tên đi vào huyền thoại của làng thể thao Trung Quốc. Người cùng thế hệ với bà không ai không ngưỡng mộ nghị lực phi thường mà bà đã thể hiện trong cuộc chiến với bệnh ung thư và nỗi bất hạnh tột cùng của đời người.
Thi Tú Anh sinh năm 1918 tại Tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Cuộc đời của bà được miêu tả là "kỳ lạ như một thiên tiểu thuyết", đầy bi tráng, chính bà cũng không thể hình dung nổi.
"Thần chết" đợi 3 năm
Cùng với sự thăng trầm của lịch sử xã hội Trung Quốc, như nhiều thanh niên cùng thời, 19 tuổi, cô gái quê Thi Tú Anh mở một cửa hàng nhỏ để buôn bán và sửa chữa giày dép. Sau đó Tú Anh kết hôn và sinh 8 người con. Gia đình đông đúc nên phải vật lộn mưu sinh đầy vất vả, quên ngày tháng.
Thời gian lặng lẽ trôi đi cho đến một ngày trời mưa xám xịt năm 1962, cả chồng và con trai cả bị thần chết gọi tên, nỗi đau chồng lên nỗi đau, bà cùng 7 người con còn lại như chiếc thuyền nhỏ lạc mất phương hướng, chơ vơ giữa biển động đầy sóng gió.
Do những vất vả cực nhọc khó đong đếm nổi, bà thường xuyên phải lao động quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi. Đến năm 1976, sau nhiều ngày mệt mỏi, sụt cân và ốm yếu, bà đi khám và nhận kết quả gây choáng váng, phổi xuất hiện khối u ác tính, tiến triển thành ung thư .
Dưới sự chăm sóc và ý chí cứu chữa quyết liệt của con gái, bà đã đến Thượng Hải tìm bác sĩ giỏi để điều trị bệnh, với hy vọng gặp thầy gặp thuốc, tiếp tục được sống.
Dù sốc thế nào, bà vẫn muốn đối mặt. Sau khi gặp bác sĩ và nhập viện tư vấn, bà quyết định trải qua một cuộc đại phẫu, cắt bỏ một phần lá phổi đã hỏng, để khối u không lan rộng, cắt bỏ thêm 2 chiếc xương sườn. Qua bao đau đớn, bà không khóc mà nhớ lời bác sĩ dặn: Nếu chịu khó luyện tập và chăm sóc, bà có thể sống thêm 3-5 năm nữa.
Sau nhiều ngày dài nằm viện điều trị, bà bắt đầu đi lại được và trở về với nhịp sống đời thường, tiếp tục chăm sóc và phục hồi sức khỏe .
Vào một buổi chiều gió mát, bà đi tản bộ bên bờ sông Hoàng Phố thơ mộng, nhìn ngắm người qua lại, thấy rất nhiều người tập thể dục. Bà tự nhủ, có lẽ đây chính là lý do mà bác sĩ đã dặn mình, phải thể dục.
Vừa đi, bà vừa trò chuyện với những người gặp được bên bờ sông, nghe thấy có nhiều người trong số họ cũng đang chạy để điều trị bệnh, kể cả những bệnh nhân ung thư, họ rất thân thiện và vui vẻ.
Sống là phải mạnh mẽ, phải chạy đua với cuộc đời
Sau khi xuất viện và trở về quê, bà ngay lập tức lên lịch tập luyện. Mỗi ngày dậy từ 4 giờ sáng, từ đi bộ đến chạy, chạy mệt rồi lại đi bộ, kiên trì tập đều đặn không bỏ ngày nào, dù trời mưa hay tuyết rơi.
Bác sĩ nói, khi đã cắt một phần phổi, chỉ có tập chạy mới có thể làm tăng dung tích phổi. Nghĩ đến điều này, bà tiếp tục quyết tâm, không để cho đôi chân dừng lại, chân phải chạy, phổi mới khỏe.
Sau một thời gian, sức khỏe của bà tốt lên trông thấy, bà tiếp tục chạy, rồi tập thêm chống đẩy, hít xà ngang, tập kéo cơ cho toàn cơ thể, cải thiện toàn bộ cơ bắp và thể trạng.
Để tăng dung tích phổi, bà không chỉ chạy bình thường, mà vừa chạy vừa hô to, 1,2,3,4. Cứ như thế cho đến khi thấy mệt thì nghỉ, uống một ngụm nước, đỡ mệt lại tiếp tục vừa chạy vừa hô. Tiếng hô của bà đều đặn đến nỗi đã trở thành "chuông báo thức" của những ngôi nhà nơi bà chạy qua.
Càng về sau, người phải đi làm sớm và tiểu thương trong làng nghe tiếng hô mà quen tai, họ đều thức dậy bắt đầu ngày mới sau mỗi lần nghe tiếng hô vang của bà.
Không chỉ chạy bền bỉ, bà đã tự đặt ra các mục tiêu để cố gắng hoàn thành tốt hơn sau mỗi lần tập. Nếu không chạy là sẽ chết, mà nếu chạy, có thể sống thêm, bà vừa chạy vừa nhớ lời dặn của bác sĩ. Cố chạy đủ 15km mới dừng.
Chạy xong "chỉ tiêu", trời vẫn chưa sáng, bà không về nhà ngay mà đến trung tâm thể thao, tập thêm 10 lần các động tác trồng cây chuối, 15 lần hít đất , 20 lần hít xà ngang và các bài tập từ nhẹ đến nặng khác. Tập khoảng 3-4 tiếng thì nghỉ, về nhà tắm nước lạnh.
Kể cả mùa đông trời lạnh, bà vẫn kiên trì thực hiện lịch trình này.
Sau khi hoàn thành lịch tập luyện, tắm gội và thay quần áo, bà lại ra cửa hàng tiếp tục bán và sửa chữa giày dép. Cuộc sống không thể dừng lại. Không ngày nào bà không làm việc.
Do tập luyện kiên trì và ngày sau phải có thành tích tốt hơn ngày trước, để thỏa ý chí, bà đã ghi danh vào câu lạc bộ chạy đường dài ở địa phương để rèn luyện và thi đấu phong trào.
Con người sinh ra không chỉ để tồn tại, mà phải lưu danh
Thi Tú Anh luôn tâm niệm, ai cũng chỉ sống một lần, vì thế bà không muốn chỉ tồn tại, mà nhất định phải phát triển, phải có dấu ấn, ghi danh trên đời, có một sự nghiệp vẻ vang mới xứng đáng vì đã được sinh ra. Dù có bệnh, nhưng bà sống tự tin vào bản thân, dành hết tình yêu cho cuộc sống.
Mặc dù bị người nhà ngăn cản, nhưng bà vẫn quyết tâm làm sao để được nổi tiếng, bà bắt đầu tham gia các cuộc thi chạy đường dài, chứng minh cho mọi người thấy rằng, dù tấm thân mang bệnh nan y nhưng bà không thể sống vô ích, vô nghĩa, vô danh.
Chờ đợi mãi rồi cơ hội cũng đến. Tháng 5/1998, cuộc thi "Điền kinh dành cho người cao tuổi lần thứ nhất" cấp quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại Bắc Kinh, dù bị con cháu ngăn cản, bà cũng đã ngay lập tức đăng ký tham gia thi đấu.
Khi đến Bắc Kinh, người của ban tổ chức hỏi, bao nhiêu tuổi, cơ thể không có bệnh chứ, ghi danh ở môn thể thao nào. Bà trả lời xong, đã bị trượt vì không đạt bất kỳ tiêu chuẩn nào.
Thay vì bỏ cuộc, bà đã lập tức trồng cây chuối và hít đất liên tục ngay tại bàn đăng ký. Đến khi Ban tổ chức nói rằng họ đồng ý rồi, bà mới dừng động tác chống đẩy.
Trong cuộc thi này, bà chạy 1500m với thời gian 10 phút 40 giây, về thứ nhì, giành huy chương bạc. Một giải thưởng đầy thuyết phục với vận động viên hơn 80 tuổi. Bà nói rằng, tiếc nhất là tôi đã về sau vận động viên đi trước chỉ có 3 giây, nếu cố thêm tí nữa, tôi đã có thể chạm tay vào huy chương vàng.
Mỗi lần ghi danh vào các cuộc thi chạy, bà đều giành được thành tích tốt. Trong nhà bà, những kỷ niệm chương, bằng khen, cúp, huy chương treo kín các bức tường. Cũng từ những danh hiệu này, bà được nhận thêm danh xưng "ngôi sao chống ung thư " nổi tiếng khắp Trung Quốc.
Trở thành "Anh hùng Hảo hán" trên mọi đường đua
Vào tháng 5/1999, Đại hội Điền kinh quốc tế lần thứ 2 tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham gia của hầu hết các địa phương của Trung Quốc và khách mời từ Mỹ, Nhật và một số nước khác gồm 77 đội với hơn 2000 vận động viên. Một cuộc cạnh tranh gay cấn chưa từng có.
Thi Tú Anh tham gia với danh nghĩa đại diện cho đội thể thao tỉnh Giang Tô. Bà được xem là vận động viên cao tuổi nhất, tham gia cùng lúc 4 nội dung chạy 800m, 1500m, 5000m, và chạy 400m 4 môn phối hợp.
Thật bất ngờ, ngay ngày thi đấu đầu tiên, bà dành giải vàng cự li 1500m, giải vàng 5000m, giải bạc 800m, và một giải đặc biệt.
Với những tấm huy chương sáng rực trên tay, Thi Tú Anh đã trở thành người hùng trên mọi đường chạy. Bà trở thành thần tượng và được người hâm mộ vây kín xin chữ ký sau trận đấu.
Từ một bệnh nhân ung thư với "lời hẹn" đi gặp thần chết, nhưng sau hơn 30 năm, đến gần trăm tuổi mà bà còn nói vui rằng, chờ mãi vẫn chưa đến ngày "hẹn ước".
Thi Tú Anh chia sẻ, đối với bà, bệnh ung thư không phải là điều khủng khiếp, mà điều đáng sợ nhất là sự mất tự tin vào chính bản thân mình, không có lòng dũng cảm để vượt qua bệnh tật.
Truyền thông Trung Quốc nhận xét, Thi Tú Anh là một ngôi sao tự sáng lấp lánh. Bà là một tấm gương hội tụ đủ sự mạnh mẽ, quyết tâm và tràn đầy tình yêu sống.