Nền văn minh Angkor có thật sự sụp đổ?

29/06/2019 21:00 PM | Sống

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến nền văn minh Angkor, chúng ta vẫn thường gắn với từ “sụp đổ”. Tuy nhiên gần đây các nghiên cứu khảo cổ đã đề xuất một giả thuyết hoàn toàn khác.

Được xây dựng vào đầu thế kỷ 12, Angkor Wat là một trong những di tích tôn giáo lớn nhất thế giới, thu hút hơn 2 triệu lượt khách du lịch tới thăm mỗi năm.

Trong nhiều năm, những câu hỏi "Tại sao người Campuchia lại rời bỏ Angkor Wat?", "Có phải nền văn minh rực rỡ này đã sụp đổ"? luôn là câu hỏi thường trực của các nhà khảo cổ và sử học, đồng thời là chủ đề của nhiều nghiên cứu.

Thời gian trước, các nhà sử học cho rằng nền văn minh Angkor sụp đổ vào năm 1431, khi đội quân của vương quốc Ayutthaya của Thái Lan cướp phá kinh đô, do đó, nó đã bị bỏ hoang. Trong thế kỷ 19, có thêm một cách giải thích khác: Angkor là một nền văn minh bị chính người Campuchia lãng quên và bỏ mặc cho đổ nát trong rừng rậm.

Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng khảo cổ học cho thấy quan điểm này của họ là không đúng.

Nền văn minh Angkor trước những biến đổi tôn giáo

Các nhà nghiên cứu tin rằng nền văn minh Angkor được xác lập từ năm 802 sau Công nguyên. Thủ đô Angkor, trung tâm của nền văn minh này, nằm bên bờ hồ Tonle Sap và phía tây bắc Campuchia.

Nhà nước Angkor được thành lập và phát triển trong thời kỳ khí hậu thuận lợi với lượng mưa dồi dào. Ở thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh, các nhà cai trị Angkor có thể đã kiểm soát phần lớn Đông Nam Á.

Vào đầu những năm 1100, khi nền văn minh Angkor phát triển rực rỡ thì cũng là lúc khu đền thờ Angkor Wat bắt đầu được xây dựng. Với mục tiêu tái hiện vũ trụ Hindu, khu đền thờ có năm tòa tháp bằng sa thạch tượng trưng cho đỉnh núi Meru, trung tâm của vũ trụ, nổi bật trên bốn khu đền xung quanh.

Tất cả được bao bọc bằng một con hào lớn tượng trưng cho Biển Sữa, nơi tạo ra "amrita", một loại thuốc trường sinh bất tử.

Nhưng vào cuối thế kỷ 13, một loạt thay đổi lớn lao đã diễn ra tại nơi này. Ngôi đền tháp lớn bằng đá cuối cùng được xây dựng vào năm 1295 và bản khắc chữ Phạn cuối cùng được tạo ra vào năm này.

Những chữ khắc cuối cùng bằng tiếng Khmer, ngôn ngữ của Campuchia, đã xuất hiện muộn hơn, khoảng năm 1327, tại thủ đô của Angkor trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy thay thế đạo Hindu trên toàn khu vực.

 Nền văn minh Angkor có thật sự sụp đổ? - Ảnh 1.

Angkor Wat thu hút hai triệu khách du lịch mỗi năm.


Sự chuyển đổi về tôn giáo này đã phá vỡ các cấu trúc quyền lực dựa trên nền tảng đạo Hindu trước đây. Thay vì các ngôi đền đá do nhà nước và hoàng gia xây dựng, bấy giờ xuất hiện các ngôi chùa Phật giáo bằng gỗ do cộng đồng xây dựng.

Song song với đó, sự gia tăng giao thương hàng hải giữa Campuchia với Trung Quốc thúc đẩy việc di dời thủ đô về phía Nam, gần thủ đô Phnom Penh hiện đại, cho phép các nhà cai trị tận dụng được những cơ hội kinh tế này.

Tuy nhiên không chỉ có nguyên nhân này bởi vì theo kết quả nghiên cứu cổ khí hậu học thì vào thời điểm đó cũng có những thay đổi môi trường toàn khu vực: hạn hán kéo dài hàng thập kỷ, xen kẽ với các đợt mưa lớn gây thiệt hại nặng nề cơ sở hạ tầng, qua đó phá vỡ mạng lưới quản lý nước của Angkor.

Một nghiên cứu khác về các con hào xung quanh Angkor Thom, thủ đô cuối cùng của văn minh Angkor, cho thấy giới thượng lưu của thành phố đã dời đi vào thế kỷ 14, gần 100 năm trước khi đội quân Ayutthaya xâm chiếm.

Đồng vị carbon khám phá bí ẩn

Năm 2010, các nhà khảo cổ học phối hợp với APSARA, cơ quan giám sát Công viên khảo cổ Angkor do Chính phủ Campuchia thành lập, bắt đầu khai quật khu vực quanh đền thờ. Thay vì tập trung vào ngôi đền, họ tìm hiểu các gò đất xung quanh bởi trong quá khứ, mọi người xây dựng nhà và sống tại đây.

Các khảo sát bằng công nghệ LiDAR cho thấy, có một hệ thống các gò đất bao quanh Angkor Wat và nhiều ngôi đền khác, gồm cả Ta Prohm gần đó. Họ đã phát hiện gốm sứ, lò sưởi và thức ăn bị cháy, những cái hố cắm cột và những hòn đá được mài phẳng (có thể để lát sàn nhà hoặc lối đi).

Vậy những người sống trên các gò đất này là ai? Họ có liên quan gì đến Angkor Wat? Đến giờ vẫn chưa rõ điều này vì chưa tìm thấy những manh mối nghề nghiệp của họ. Các nhà nghiên cứu nghi ngờ, những người sống trên các gò đất này có thể là người phụng sự công việc tín ngưỡng trong đền thờ Angkor Wat.

Ở đây, đồng vị carbon dùng để xác định niên đại của những mẩu than thu thập được trên các gò đất đã kể một câu chuyện khác biệt. Khu vực xung quanh đền Angkor Wat bắt đầu có người ở vào thế kỷ thứ 11, trước khi xây dựng ngôi đền vào đầu thế kỷ thứ 12. Sau khi đền được xây dựng, người ta tiếp tục sinh sống trên các gò đất.

Sau đó, có một khoảng gián đoạn trong xác định niên đại: khoảng từ cuối thế kỷ 12 (hoặc đầu thế kỷ 13) đến cuối thế kỷ 14 (hoặc đầu thế kỷ 15). Khoảng gián đoạn này cũng là lúc xảy ra nhiều biến đổi kinh tế, tôn giáo và khí hậu trên khắp Angkor. Dường như vào thời kỳ này, các gò đã bị bỏ hoang hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, ngôi đền chính của Angkor Wat chưa từng bị bỏ hoang. Và cảnh quan xung quanh ngôi đền dường như lại có người ở vào cuối thế kỷ 14 hoặc đầu thế kỷ 15, trong thời kỳ Angkor được cho là bị Ayutthaya cướp phá và bỏ hoang, và tiếp tục được sử dụng cho đến thế kỷ 17 hoặc 18.

Angkor Wat chưa từng bị bỏ hoang

Không chỉ là một trong những ngôi đền quan trọng bậc nhất, Angkor Wat còn là đỉnh cao phát triển của nền văn minh Angkor.

Ngôi đền đã trải qua các biến đổi khi xã hội Angkor được tổ chức lại. Mặc dù vậy, Angkor Wat không bao giờ bị bỏ rơi. Người dân vẫn thường xuyên quay trở lại Angkor Wat và khu vực xung quanh nó trong thời kỳ mà các huyền thoại lịch sử nói rằng thành phố bị tấn công và bỏ hoang.

Các nghiên cứu khảo cổ đang diễn ra cho thấy, người dân Angkor không bỏ hoang thủ đô, ngược lại, họ tái cấu trúc lại thành phố này và sẵn sàng thích nghi với điều kiện hỗn loạn, thay đổi của thế kỷ 14.

Theo Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM