Nền tảng vĩ mô vững chắc, nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra sự khác biệt rõ ràng của Việt Nam so với các thị trường khu vực

19/09/2018 08:30 AM | Xã hội

Chứng khoán Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ dòng tiền ngoại, bất chấp tình hình rút ròng vốn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE lên tới gần 32 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) và đây là lượng mua ròng kỷ lục từ trước tới nay.

Sau nhịp điều chỉnh kéo dài từ đầu tháng 4, chứng khoán Việt Nam đang có sự hồi phục khá tốt trong những ngày gần đây. Kết thúc phiên giao dịch 18/9, chỉ số Vn-Index dừng tại 993,49 điểm, tương ứng mức tăng xấp xỉ 23% so với cách đây một năm và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng tốt thứ 2 thế giới trong cùng giai đoạn, xếp sau Russell 3000 growth (chỉ số của 3.000 công ty lớn nhất Mỹ).

Sự tăng trưởng trong thời gian qua của thị trường Việt Nam đến từ hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Thống kê KQKD quý 2/2018 cho biết, tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trên HoSE đạt 34.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Riêng lợi nhuận nhóm VN30 đạt 28.400 tỷ đồng, chiếm 83% lợi nhuận thị trường có mức tăng trưởng 22% so với quý 2/2017.

Bên cạnh đó là sự ổn định vĩ mô của Việt Nam cũng giúp TTCK tăng trưởng ổn định. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam có (1) cán cân thanh toán mạnh; (2) kim ngạch xuất khẩu đang tăng; (3) thặng dư thương mại và (4) lạm phát ổn định, giúp tỷ giá không vượt ra khỏi biên độ kỳ vọng trong những tháng gần đây. NHNN đã định hướng giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng trong nhằm kiềm chế lạm phát và điều này có vẻ đã đem lại hiệu quả tích cực với lạm phát đã giảm trở lại xuống dưới 4%.

Nền tảng vĩ mô vững chắc, chứng khoán Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền

Với những yếu tố kể trên, chứng khoán Việt Nam đã thu hút sự quan tâm lớn từ dòng tiền ngoại, bất chấp tình hình rút ròng vốn đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị mua ròng của khối ngoại trên HoSE lên tới gần 32 nghìn tỷ đồng (1,4 tỷ USD) và đây là lượng mua ròng kỷ lục từ trước tới nay.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK HSC cho rằng thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài có vẻ đã nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa nền kinh tế Việt Nam và các nền kinh tế châu Á và mới nổi khác (nền kinh tế Việt Nam có thế mạnh về cơ cấu kinh tế và có tiềm năng tăng trưởng).

Đánh giá về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, HSC cho rằng trong những tuần gần đây, tâm lý nhà đầu tư trước ảnh hưởng của việc áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đối với triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có sự thay đổi. Thay vì lo ngại về khả năng tăng trưởng chậm lại của hoạt động thương mại trong ngắn trung hạn thì nhà đầu tư đã tỏ ra lạc quan về khả năng chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong trung dài hạn sẽ diễn ra nhanh hơn.

Dù vậy, HSC cũng cho rằng nếu thị trường chứng khoán thế giới điều chỉnh mạnh thì thị trường Việt Nam cũng khó tránh khỏi sự giảm điểm. Tuy nhiên cơ sở để tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam là nơi trú ẩn tương đối an toàn đang ngày càng vững chắc và một số nhà đầu tư thậm chí có lẽ còn đang kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại. Ở đây, điều mà HSC muốn nói đến là khả năng tăng nhiều hơn/ giảm ít hơn một cách tương đối của thị trường Việt Nam so với hầu hết các thị trường khu vực và mới nổi trong vài tháng tới dựa trên những nền tảng căn bản vững mạnh.

Cũng theo HSC, Vn-Index có thể bắt đầu tiến sát đường MA 200 ngày (hiện ở tại 1023,73) trong những ngày tới.

Theo Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM