Nền kinh tế Nhật Bản 'ném ra ngoài cửa sổ' 750 tỷ USD mỗi năm vì chưa thể làm phụ nữ 'tỏa sáng'

31/07/2019 13:41 PM | Xã hội

Viễn cảnh về nền kinh tế "Womenomics" của thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa thành hiện thực khi phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử, không được trao cơ hội trong các vị trí quan trọng.

Mục tiêu chưa hoàn thành của thủ tướng Shinzo Abe

Khi nhậm chức vào năm 2012, thủ tướng Shinzo Abe đặt mục tiêu tỷ lệ phụ nữ tham gia vào đội ngũ lãnh đạo đạt 30% đồng thời cam kết sẽ khiến lực lượng này "tỏa sáng" bằng cách giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng, công việc nội các. Tuy nhiên, cả 2 đều chưa đạt được.

Năm 2016, cuộc đua vào ghế thượng viện chứng kiến kỷ lục mới khi tỷ lệ ứng cử viên nữ lên tới 28%. Và 28 trong số 104 phụ nữ tham gia đã giành được ghế trong quốc hội, chiếm khoảng 27% (vẫn thấp hơn mục tiêu 30%). Đáng nói hơn là cả chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản vẫn từ chối giao phó công việc nội các hàng đầu cho nữ giới.

Trong khi đó, chỉ dưới 70% phụ nữ từ 15 đến 64 tuổi Nhật Bản tham gia lực lượng lao động, thấp hơn ở châu Âu và Canada (75% đến 80%), và cũng kém nhiều so với tỷ lệ tham gia 85% của nam giới nước này.

Nền kinh tế Nhật Bản ném ra ngoài cửa sổ 750 tỷ USD mỗi năm vì chưa thể làm phụ nữ tỏa sáng - Ảnh 1.

Thêm vào đó, năm 2016, 50% - 60% phụ nữ Nhật nghỉ việc sau khi sinh con. Phần lớn lao động nữ Nhật Bản vẫn phải làm những công việc bán thời gian và có mức thu nhập không ổn định. Lương trung bình của họ chỉ là 1,47 triệu yên/năm, thấp hơn mức 2 triệu yên áp dụng cho người nghèo ở chính quốc gia này.

Mô hình kiểu mẫu

Sáu năm trước, khi thủ tướng Shinzo Abe công bố kế hoạch xây dựng nền "kinh tế phụ nữ" (womenomics), người ta đã kỳ vọng ý tưởng sẽ tạo nên những biến chuyển lớn, làm cân bằng hơn "cán cân" nam – nữ trong nền kinh tế. Nhưng đến nay, kế hoạch vẫn này chưa đem lại kết quả đáng kể nào, phụ nữ Nhật vẫn vắng bóng trên các hàng ghế lãnh đạo.

Từ những người ủng hộ tư tưởng bình đẳng giới của chiến lược gia Kathy Matsui cho đến Sheryl Sandberg, tác giả của cuốn "Lean In" đều cho rằng Nhật Bản đang tồn tại vấn đề kiểu mẫu, rằng nam giới vẫn đóng vai trò chủ chốt trong những vị trí quan trọng, dù sự khác biệt về trình độ học vấn không đáng kể.

Các tập đoàn Nhật Bản, tương tự như những tổ chức chính xã hội từ lâu đã khá cứng nhắc, với các chính sách nhân sự bảo thủ và nam giới luôn áp đảo trong lực lượng lãnh đạo.

Ví dụ điển hình, không một công ty nào thuộc nhóm chỉ số Nikkei 225 được điều hành bởi một CEO nữ. Cũng chỉ có 19 phụ nữ có ghế trong nội các Nhật.

Nền kinh tế Nhật Bản ném ra ngoài cửa sổ 750 tỷ USD mỗi năm vì chưa thể làm phụ nữ tỏa sáng - Ảnh 2.

Số liệu vào cuối tháng 4/2018 cho biết tỷ lệ chủ tịch công ty là phụ nữ chỉ đạt 7,8%, mặc dù tỷ lệ nữ trưởng phòng đã tăng từ 5,5% kể từ năm 1998.

Theo Grant Thornton International, một tổ chức thực hiện một cuộc khảo "Women in Business" hằng năm, tính đến tháng 3/2018, các công ty Nhật Bản quy mô vừa và lớn chỉ có 5% vị trí cao cấp - giám đốc điều hành, chủ tịch và những người ra quyết định quan trọng khác - được phụ nữ nắm giữ, so với 23% trên toàn châu Á – Thái Bình Dương.

Bàn luận về thực trạng "thâm hụt" này, Forbes cho rằng, Abe hoàn toàn có thể chỉ định một phụ nữ điều hành bộ tài chính, đối ngoại hoặc làm thư ký trưởng nội các nhưng buồn thay, ông tuyên bố sẽ tiếp tục gắn bó với hầu hết những cộng sự là nam giới, những người đang nắm giữ các chức vụ hàng đầu hiện nay.

Mất cân bằng giới tính nguy hiểm như chiến tranh thương mại

Tất cả các nghiên cứu, từ Goldman Sachs đến McKinsey hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều cho rằng những quốc gia sử dụng tài năng nữ tốt sẽ có nền kinh tế sôi động, sáng tạo và năng suất hơn.

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, Nhật Bản vẫn đang bế tắc khi đi tìm lời giải cho bài toán mất cân bằng giới tính, vấn đề gây thiệt hại chẳng kém gì chiến tranh thương mại. Forbes ước tính phí bất bình đẳng giới ở Nhật Bản gây thiệt hại 750 tỷ USD mỗi năm, tương đương 15% giá trị toàn nền kinh tế.

Nền kinh tế Nhật Bản ném ra ngoài cửa sổ 750 tỷ USD mỗi năm vì chưa thể làm phụ nữ tỏa sáng - Ảnh 3.

Trong khi báo cáo Womenomics được Goldman Sachs phát hành hằng năm lập luận rằng tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản sẽ tăng 15% nếu tỷ lệ tham gia lao động của nữ cạnh tranh hơn với nam giới.

Trên thực tế, Nhật Bản đã mất điểm trong chỉ số bình đẳng giới hàng năm của Diễn đàn kinh tế thế giới. Hiện tại, nước này đang xếp thứ 110 trong bảng xếp hạng 149 quốc gia, có thể xem là một thất bại nếu so sánh với vị trí 98 ngay trước khi Abe nhậm chức.

Hiện thực và tương lai vẫn là bức tranh mù mờ

Viễn cảnh về một nền kinh tế cân bằng giới vẫn còn khá mù mờ đối với nước Nhật. Tư tưởng phụ hệ, gia trưởng vẫn đang ngăn cản nữ giới "tỏa sáng" và thể hiện vai trò quan trọng hơn.

Vụ bê bối thay đổi kết quả thi của thí sinh nữ ở các trường đại học Y Nhật Bản hồi năm ngoái là minh chứng cho thấy đến thời điểm hiện tại, phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử nghiêm trọng. Đại học Y Tokyo, một trong những cái tên danh giá nhất trong ngành giáo dục nước này đã thừa nhận tồn tại hiện tượng điểm của thí sinh nam được nâng cao hơn nhằm giảm tỷ lệ đỗ của thí sinh nữ.

Một cuộc khảo sát của bộ giáo dục sau đó đã cho kết quả gần 80% trong số 81 trường đại học y được hỏi, tỷ lệ đỗ của nam giới luôn cao hơn so với phụ nữ trong kỳ thi tuyển sinh suốt sáu năm qua.

Mặc dù không quá tệ về giáo dục (thứ 65) và sức khỏe (thứ 41) nhưng Nhật Bản vẫn chưa đạt được tiến bộ về bình đẳng giữa nam và nữ. Đây vẫn là một nước kém phát triển về bình đẳng giới. Và ngay cả khi cơ hội được giáo dục, được học cũng không rộng mở, điều gì có thể chắc chắc về một tương lai "tỏa sáng" cho phái nữ nơi đây?

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM