Nền kinh tế hàng đổi hàng bùng nổ thời Covid-19: Dùng cả... thời gian rảnh để trao đổi

28/08/2020 09:30 AM | Xã hội

Bạn không có tiền mùa dịch Covid-19 ư? Không thành vấn đề, hãy dùng thời gian rảnh của bản thân để đổi lấy thứ mình cần.

Hàng đổi hàng trong tiếng Anh gọi là Barter. Đây là một hành vi giao dịch hàng hóa hoặc dịch vụ giữa hai hoặc nhiều bên mà không sử dụng tiền (hoặc phương tiện tiền tệ như thẻ tín dụng). Về bản chất, việc hàng đổi hàng là một giao dịch trong đó một bên cung cấp một hàng hóa hoặc dịch vụ để đổi lấy một hàng hóa hoặc dịch vụ khác từ một bên khác.

Các tác nhân khiến hàng đổi hàng bùng phát thường liên quan đến sự bất ổn của thị trường tiền tệ, như siêu lạm phát hay khủng hoảng kinh tế, hoặc đơn giản là họ người dân không có sẵn tiền mặt để giao dịch.

Mô hình hàng đổi hàng không chỉ tồn tại giữa các cá nhân mà còn có thể xảy ra giữa doanh nghiệp với cá nhân, doanh nghiệp với doanh nghiệp hoặc thậm chí là quốc gia với quốc gia.

Các công ty có thể muốn trao đổi sản phẩm của họ cho các sản phẩm khác vì họ không có tín dụng hoặc tiền mặt để mua những hàng hóa đó. Đó là một cách hiệu quả để giao dịch vì rủi ro ngoại hối được loại bỏ. Công ty cũng có thể trao đổi với cá nhân, ví dụ như một chi nhánh đồ ăn nhanh phát voucher miễn phí cho thợ điện để họ sửa miễn phí cho cửa hàng.

Các quốc gia cũng tham gia hàng đổi hàng khi họ chìm trong nợ nần và không thể có được tài chính. Hàng hóa được xuất khẩu để đổi lấy hàng hóa mà đất nước cần. Bằng cách này, các quốc gia quản lý thâm hụt thương mại và giảm số nợ mà họ phải gánh chịu.

-------------

Trong mùa dịch Covid-19, khi việc giao thương bị hạn chế còn chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, thương mại điện tử thường là lựa chọn hàng đầu cho người dân. Thế nhưng nếu ngay cả thu nhập bình thường nhất cũng bị ảnh hưởng do doanh nghiệp đóng cửa, liệu người dân sẽ lấy gì để mua hàng online?

Như một hệ quả tất yếu, nền kinh tế hàng đổi hàng (Bartring Economy) dần hình thành trong dịch Covid-19, khi người dân trao đổi hàng hóa trực tiếp chứ không dùng tiền mặt.

Giải pháp tự nhiên

Vào tháng 4/2020, y tá Marjorie Dunne tại London đã gia nhập nhóm Barter United Kingdom (BUK) chuyên giao dịch những hàng hóa khan hiếm mùa dịch. Nhờ nhóm nhỏ này mà cô Dunne có thể vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất của mình.

"Nhóm nhỏ này đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc cung ứng những bữa ăn cho gia đình. Tôi chẳng còn sức đâu mà nấu nướng sau khi đã cật lực làm ở bệnh viện", Cô Dunne cho biết.

Nhóm BUK được thành lập từ tháng 4/2020 hiện đã có khoảng 1.300 thành viên. Những người tham gia nhóm đã đổi cà ri, món ăn hay bánh trái để lấy váy hoặc những chiếc đĩa DVD từ cô Dunne.

Nền kinh tế hàng đổi hàng bùng nổ thời Covid-19: Dùng cả... thời gian rảnh để trao đổi - Ảnh 2.

Trao đổi những bữa ăn mùa dịch Covid-19 khá phổ biến hiện nay

Không riêng gì tại London, người dân trên toàn thế giới đang trao đổi, mua bán và giao dịch hàng đổi hàng trong mùa dịch Covid-19. Nguyên nhân thì có rất nhiều, có thể vì giúp đỡ cộng đồng qua mùa dịch, tiết kiệm tiền bạc hay đơn giản là để tìm kiếm những mặt hàng khan hiếm do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Nền kinh tế nhiều nước hiện nay đang bất ổn trước dịch Covid-19 và nỗi lo sợ của người dân ngày càng gia tăng, mô hình hàng đổi hàng đang trở thành lựa chọn để người dân có thể chống chịu, hoặc đơn giản là lấp đầy thời gian rảnh mùa dịch.

Trên thế giới, Fiji có lẽ là quốc gia ứng dụng mô hình hàng đổi hàng nhiều nhất thế giới. Văn hóa hàng đổi hàng tại đây đã có từ rất lâu với tên gọi "Veisa" và ngày càng phổ biến trong xã hội mùa dịch Covid-19. Giờ đây với sự phát triển của công nghệ, người Fiji càng áp dụng mô hình hàng đổi hàng nhiều hơn.

"Tôi biết rằng tiền mặt sẽ ngày càng khan hiếm trong mùa dịch và đã tự hỏi liệu điều gì sẽ diễn ra khi chúng biến mất trên thị trường? Hàng đổi hàng sẽ là lựa chọn tự nhiên khi đó", Anh Marlene Dutta, nhà sáng lập của nhóm "Barter for a Better Fiji" (BBF) nhấn mạnh.

Được thành lập từ tháng 4/2020, hiện BBF đã có 190.000 thành viên, tương đương hơn 20% tổng dân số của Fiji. Số lượng và loại hình hàng hóa trao đổi trong nhóm cũng rất đa dạng, ví dụ như đổi lợn lấy thuyền, đổi đàn violon lấy cặp da, bánh ngọt lấy gạch xây nhà…. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được trao đổi trong nhóm đều liên quan đến thực phẩm hay nhu yếu phẩm.

"Mục tiêu chủ yếu của việc thành lập nên nhóm này là đưa ra một giải pháp cho nền kinh tế hiện nay của đất nước", anh Dutta nói.

Nền kinh tế Fiji hiện dựa chủ yếu vào du lịch và đã tổn thương nặng do đại dịch. Ước tính khoảng 100.000 người dân quốc gia này bị mất việc trong ngành du lịch, vốn là mảng kinh tế đóng góp đến 30% GDP cũng như tuyển dụng 1/3 tổng số lao động toàn quốc.

Nền kinh tế hàng đổi hàng bùng nổ thời Covid-19: Dùng cả... thời gian rảnh để trao đổi - Ảnh 3.

Hơn 20% dân số Fiji tham gia nhóm BBF để trao đổi hàng hóa

"Điều tương tự cũng diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng, khi khó khăn người dân bắt đầu quay lại với mô hình hàng đổi hàng", Tác giả Shera Dalin của "The Art of Barter" nhận định.

Cũng theo Dalin, hơn 300 nhóm hàng đổi hàng tại Mỹ trong những năm đầu của cuộc khủng hoảng 2008 đã được thành lập để trợ giúp người dân.

Mô hình hàng đổi hàng của Fiji đã tạo cảm hứng cho vô vàn tổ chức và người dân trên thế giới học theo.

"Chúng tôi có 1.000 người tham gia chỉ trong 24 tiếng kêu gọi", Cô Veronica Coon, người sáng lập nhóm hàng đổi hàng trên Facebook tại bang Nevada-Mỹ vào tháng 3/2020 nói.

Hiện nhóm của cô Coon đã có hơn 5.600 thành viên. Phần lớn sản phẩm được trao đổi trong nhóm là những mặt hàng khan hiếm như bột mỳ, men rượu, trứng, tã trẻ em, bình xịt khử trùng hay thậm chí là khẩu trang.

Trao đổi… thời gian

Ngoài những mặt hàng thiết yếu, người dân mùa dịch Covid-19 còn trao đổi thứ họ có nhiều nhất hiện nay: Thời gian.

Trên thực tế vào thập niên 1970, Nhật Bản đã có "Ngân hàng thời gian" (Time Banking) và tương tự là vào năm 1992 tại Mỹ. Thành viên của ngân hàng thời gian sẽ dành 1 tiếng mỗi ngày để giúp đỡ các thành viên khác và được nhận 1 tiếng giúp đỡ lại. Phần lớn thời gian này được dùng việc học và dạy những bài giảng về piano, cách vẽ tranh hay dạy ngoại ngữ.

Giám đốc Kerri Tyler của Timebanking UK, được thành lập từ năm 2002 cho biết ông chưa bao giờ thấy sự bùng nổ về mô hình này như hiện nay. Kể từ khi Anh cách ly toàn quốc, khoảng 4 nhóm Timebanking đã được thành lập mới.

Trong mùa dịch Covid-19, rất nhiều nhóm Timebanking đã giúp đỡ cộng đồng, từ việc nhận hộ đơn thuốc, đi mua sắm hộ cho đến trò chuyện với những người bị cô đơn vì cách ly trong mùa dịch qua ứng dụng gọi thoại.

Nền kinh tế hàng đổi hàng bùng nổ thời Covid-19: Dùng cả... thời gian rảnh để trao đổi - Ảnh 4.

Trao đổi thời gian học đàn mùa dịch Covid-19

Không dừng lại ở đó, nền kinh tế hàng đổi hàng đang được nâng tầm thành một thị trường giao dịch chính quy. Tổ chức thương mại đối ứng quốc tế (IRTA) được thành lập từ năm 1979 tại Mỹ là một ví dụ điển hình.

Thành viên của IRTA có thể phụ vụ cho thành viên trong nhóm để lấy khoản tiền lưu trong hệ thống và đổi lại, họ dùng số tiền này để mua dịch vụ từ các thành viên khác. Thành phần của IRTA khá đa dạng, từ bác sĩ, luật sư cho đến những người bán lẻ.

Theo chủ tịch Ron Whitney của IRTA, số lượng thành viên trong tổ chức đã tăng tới 20% nhờ mùa dịch Covid-19.

AB

Cùng chuyên mục
XEM