Nền kinh tế GIG: Không ràng buộc hay không quyền lợi?

19/04/2017 09:26 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo Techtarget, nền kinh tế GIG (gig economy) là một môi trường trong đó các công việc tạm thời là phổ biến, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với những người lao động tự do về một sự cam kết ngắn hạn giữa đôi bên.

Có 8% người Mỹ và 14% người Anh đang tận dụng nền kinh tế gig để kiếm sống. Họ làm các công việc như lái xe cho các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe như Uber hoặc Lyft, dọn dẹp văn phòng cho Handy hoặc làm các công việc vặt khác thông qua sự "mai mối" của Công ty TaskRabbit, theo The Guardian.

Không có "thiên đường"

Những lời hứa hẹn của Thung lũng Silicon về một nền kinh tế gig nghe có vẻ hấp dẫn, rằng công nghệ kỹ thuật số sẽ giúp người lao động trở thành doanh nhân, giới học sinh - sinh viên lẫn phụ huynh đều có thể kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh, trong khi vẫn cùng lúc theo đuổi phần việc chính, họ còn có thể tạo dựng một "doanh nghiệp nhỏ" làm ăn phát đạt...

Tuy nhiên trong thực tế, không hề có "thiên đường" nào ở những công ty như Uber, Lyft, Instacart hoặc Handy. Người lao động làm việc cho các hãng này luôn phải làm việc nhiều giờ với mức thu nhập thấp, đồng thời phải liên tục trong trạng thái sẵn sàng cho phần việc tiếp theo. Có thể nói, các hãng công nghệ này đã tận dụng khoa học hành vi và sự tiến bộ của các phần mềm để khai thác người lao động.

Dựa vào nhiều cuộc phỏng vấn các nhân viên đang hoặc đã từng làm việc cho Uber, các tài xế, các nhà khoa học xã hội cũng như đối chiếu với các nghiên cứu hành vi, The New York Times nhận định, những người làm việc trong nền kinh tế gig ở Mỹ không có được sự bảo vệ cơ bản của pháp luật.

Các công ty này đã sử dụng các "thủ thuật tâm lý" để "thao túng" quá trình làm việc của người lao động. Chẳng hạn, Uber biết cách giữ cho các tài xế của mình luôn trong trạng thái đang chạy xe trên đường. Việc này giúp làm tăng doanh thu của Công ty trong khi lại làm sụt giảm thu nhập trên giờ của tài xế.

Josh Streeter - một cựu tài xế Uber ở bang Florida cho biết anh thường xuyên nhận được lời nhắc từ Công ty, khuyến khích anh hãy luôn chạy xe ngoài đường để kiếm thêm nhiều tiền hơn. Nói về vấn đề này, Michael Amodeo - phát ngôn viên của Uber cho biết: “Chúng tôi hiển thị các khu vực có nhu cầu cao hoặc khuyến khích tài xế lái xe nhiều hơn. Nhưng họ có thể ngừng làm việc bất kỳ lúc nào họ thích, quyết định 100% là ở họ”.

Rupert Neate - người thử trải nghiệm làm nhân viên giao hàng cho UberEats (dịch vụ giao thức ăn) và UberRush (dịch vụ giao các loại hàng hóa khác) trong vòng một tuần cho biết, nếu thời tiết được dự báo rằng sẽ có mưa vào hôm sau, anh thường nhận được thông tin đó không phải từ một trang tin tức mà là từ chính Uber.

"Ngày mai có thể sẽ mưa, và sẽ là một trong những ngày bận rộn nhất năm. Chúng tôi đang cung cấp mức ưu đãi 25 USD cho người hoàn thành ít nhất 5 chuyến giao hàng trong ngày mai... Đây là cơ hội lớn để kiếm tiền, vì thế đừng bỏ qua nó", Rupert Neate chia sẻ nội dung một thông điệp mình nhận được từ Uber trên The Guardian.

Một tài xế Uber ở Florida cho biết ông kiếm được ít hơn 20.000 USD/năm, chưa tính đến các chi phí xăng dầu và bảo dưỡng xe. Ở thành phố New York, một nhóm tài xế Uber cho biết hơn một phần năm số người của họ kiếm được ít hơn 30.000 USD/năm trong khi chưa tính đến các chi phí phát sinh khác.

Người lao động "làm chủ"?

Vì người lao động làm việc cho hầu hết các công ty đang hoạt động trong nền kinh tế gig được xem như một "doanh chủ độc lập" chứ không phải là "người làm công" nên họ không có đủ điều kiện để được hưởng những quyền lợi cơ bản như có mức lương tối thiểu, được trả lương làm thêm giờ, trợ cấp chăm sóc sức khỏe, nghỉ lễ...

Ngày càng có nhiều cá nhân và cơ quan chính phủ cho thấy nỗ lực đòi quyền lợi cho người lao động trong nền kinh tế gig. Thành phố Seattle đã thông qua một quy định vào năm 2015 cho phép tài xế của Uber, Lyft và các ứng dụng gọi xe khác được phép bỏ phiếu tổ chức thành công đoàn (nhưng hôm 4/4, một thẩm phán liên bang đã tạm dừng quy định này vì Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ và một số nhóm bảo thủ đệ đơn kiện chống lại).

Người lao động cũng đã kiện nhiều "công ty gig" để được trả tiền làm thêm giờ, hoàn trả các chi phí phát sinh và các tổn thất khác. Nhiều chính trị gia ở Mỹ và Anh đã chỉ trích các công ty hoạt động trong nền kinh tế gig vì kiên trì từ chối cung cấp quyền lợi cho người lao động, thậm chí khi họ đang làm việc toàn thời gian cho một bên sử dụng lao động duy nhất là các công ty này.

Frank Field - Chủ tịch Ủy ban Việc làm và Lương hưu ở Anh (cơ quan đang điều tra lĩnh vực này) đã công bố chi tiết các bản hợp đồng làm việc của Uber, Công ty chuyển phát nhanh Deliveroo, Amazon và gọi đó là những bản hợp đồng "bất hợp lý" và "khủng khiếp".

Mới đây, dịch vụ gọi xe Lyft cũng đã chấp nhận chi 27 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể của các tài xế tại bang California, Mỹ. Một số công ty nhỏ hơn như Công ty dịch vụ giúp việc nhà Hello Alfred và Công ty dịch vụ bảo trì và dọn dẹp văn phòng Managed by Q cũng đang từng bước nỗ lực đối xử với người lao động như một nhân viên thực thụ. Họ cho biết cách làm này làm giảm doanh thu nhưng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ.

Đến nay thực tế cho thấy, nếu không có một chuẩn mực đạo đức chung được áp dụng rộng rãi và một sự bảo vệ hợp pháp cho người lao động, nền kinh tế gig trong tương lai sẽ là một nơi ngày càng khắc nghiệt, The New York Times nhận định.

Theo BÍCH TRÂM

Cùng chuyên mục
XEM