Nền kinh tế giãn cách

03/07/2021 10:26 AM | Xã hội

Mức tăng 5,64% của GDP cùng những số liệu tích cực khác vừa công bố không thể khoả lấp thực tế rằng kinh tế Việt Nam đã trải qua nửa đầu năm 2021 đầy khó khăn do tác động của 2 đợt bùng phát Covid-19.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 1.

Tổng cục Thống kê vừa họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội nửa đầu năm với mức tăng trưởng GDP 6,61% cho quý II và 5,64% cho 6 tháng. Con số này gấp 3 lần cùng kỳ 2020 và nếu xét trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn giai đoạn 2012-2014 và xấp xỉ năm 2016. Không chỉ có GDP, nhiều chỉ báo quan trọng khác cũng cho ra kết quả tốt hơn kỳ vọng khi sản xuất công nghiệp tăng gần 8,4%, xuất khẩu tăng 28,4%, thu ngân sách đã đạt 57,7% dự toán và tổng mức bán lẻ dịch vụ hàng hóa, trong bối cảnh dịch bệnh, vẫn tăng gần 5% so với cùng kỳ…

Dù các số liệu nêu trên đều là so sánh tương đối với một nền thấp của 2020, khi Việt Nam bắt đầu cuộc chiến chống Covid-19 với 3 tuần cách ly xã hội vào tháng 4, đây vẫn là kết quả khá bất ngờ nếu so sánh với những diễn biến của đời sống kinh tế nửa đầu năm 2021, cũng như cảm nhận thực tế của người dân và doanh nghiệp.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 2.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 3.
Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 4.

PMI - chỉ số độc lập được IHS Markit công bố hôm nay (1/7) - ghi nhận mức giảm mạnh nhất của sản lượng cũng như số lượng đơn đặt hàng mới tại doanh nghiệp trong tháng 6. Cùng lúc, các ca F0 trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư đã lan ra 50 tỉnh thành. TP HCM - đầu tàu kinh tế của đất nước - vẫn đang tiếp tục thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, vốn đã kéo dài đúng một tháng. Nhiều địa phương khác cũng đang trong tình trạng phải giãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số đơn vị hành chính hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh để chống dịch…

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 5.

Những yếu tố ấy có lẽ cũng là chưa đủ để miêu tả những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đã trải qua trong 6 tháng qua, cũng như việc  hiện trạng đó đã được phản ánh như thế nào lên đời sống người dân. Do vậy, việc đánh giá lại theo từng khu vực trong các bài tiếp theo có thể giúp độc giả hình dung rõ hơn về hiện trạng nền kinh tế, về cơ bản đang trong tình trạng giãn cách, cũng như mường tượng phần nào về bức tranh những tháng tới.

Dịch bệnh bùng phát kỷ lục, cực tăng trưởng tê liệt

Tính đến hết ngày 30/6, Việt Nam đã ghi nhận gần 13.500 ca nhiễm mới trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư (bắt đầu từ 27/4). Nếu tính cả đợt ba thì tổng số ca nhiễm kể từ đầu năm 2021 đến nay đã gấp hơn 20 lần số ca ghi nhận trong 2 đợt dịch trước đó (chỉ tính lây nhiễm trong nước).

Một điểm đáng chú ý là nếu như 2 làn sóng dịch Covid-19 trước đó xuất hiện những ổ dịch trong bệnh viện, khu vực biên giới hoặc nếu ở đô thị thì cũng là các địa phương có điều kiện chống dịch tốt… lần này, ổ dịch xuất hiện ngay tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp và vùng kinh tế, khiến các cực tăng trưởng của đất nước bị tê liệt với số lượng ca bệnh tăng theo cấp số nhân, có ngày ghi nhận lên đến 518 ca nhiễm trong cộng đồng.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 6.

Bắc Giang là một trong những địa phương được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến thời điểm hiện nay trong làn sóng dịch thứ 4, khi phải đóng cửa 4/6 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh để kiểm soát và dập dịch tốt hơn. Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang từng chia sẻ với báo chí rằng đó là thời khắc khiến ông đau đầu nhất. Đó cũng là quyết định khó khăn nhất vì biết chắc rằng địa phương bị ảnh hưởng rất lớn ở tất cả mọi mặt từ an sinh - xã hội, kinh tế, chính trị rồi cả uy tín với nhân dân, với nhà đầu tư... nhưng không thể không làm.

Với quyết định này, 375 doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, trong đó có hai đơn vị - đối tác sản xuất chính của Apple là Luxshare và Foxconn, do có nhà máy đặt tại 2 khu công nghiệp có số công nhân nhiễm Covid-19 nhiều nhất. Điều này còn tiềm ẩn nguy cơ chuỗi sản xuất toàn cầu bị gián đoạn. Số lao động bị ảnh hưởng, không có việc làm theo địa phương thống kê sơ bộ là hơn 140.000, tương đương gần 8% dân số của Bắc Giang. Trong số đó có hơn 60.000 lao động đến từ 61 địa phương khác đang làm việc tại đây.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 7.
Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang. Ảnh: Vietnamnet

Bắc Giang có quy mô kinh tế lớn thứ 2 vùng Trung du và miền núi phía Bắc ước tính mỗi ngày thiệt hại trên 2.000 tỷ đổng tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Như vậy, sau 10 ngày tạm ngừng hoạt động, con số thiệt hại có thể lên đến hơn 20.000 tỷ đồng, tương đương hơn 16% GRDP của tỉnh. Trong khi đó, tổng mức đóng góp vào giá trị công nghiệp của 395 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh là 300.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đáng nói, trong mức tăng trưởng 2,91% của nền kinh tế vào năm vừa qua, Bắc Giang là địa phương dẫn đầu cả nước về mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, với mức tăng hơn 13% vào 2020.

Trên thực tế, sau khi dịch bùng phát ở Bắc Giang đã lan sang Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng... Ở Phía Nam, dịch cũng đã xuất hiện ở TP HCM bằng ca nhiễm ở Công ty PouYuen (Đài Loan, Trung Quốc) với 1.100 công nhân tạm nghỉ việc. Đây là đơn vị sản xuất có số lượng công nhân lớn nhất trên địa bàn thành phố với hơn 56.000 lao động làm việc chuyên về giày thể thao.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 8.
Doanh nghiệp phải vừa xoay sở chống dịch, vừa duy trì sản xuất. Ảnh: VnExpress

Không dừng lại ở đó, nhiều nhà máy, công ty trong các khu công nghiệp, chế xuất khác trên địa bàn TP HCM cũng tiếp tục bị tấn công như ở Bắc Giang. Khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, Tân Phú Trung và khu chế xuất Tân Thuận đã ghi nhận sự xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Đặc điểm của khu công nghiệp là sử dụng nhiều lao động, môi trường làm việc kín, thông khí kém. Trong khi đó, biến chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây truyền cao hơn, thời gian ủ bệnh ngắn. Điều này cũng phần nào lý giải với chuỗi lây nhiễm đã xuất hiện trong các khu công nghiệp, có ngày TP HCM ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục, 667 trường hợp trong vòng 24h. Hiện dịch đã xuất hiện ở Bình Dương, Long An...

Cũng giống như Bắc Giang, TP HCM chưa có những con số thống kê chính xác về những thiệt hại mà doanh nghiệp, người dân và địa phương phải gánh chịu khi đối mặt với làn sóng dịch Covid-19. Bởi họ vẫn đang "căng mình" chống dịch và dành nguồn lực lên kế hoạch khôi phục sản xuất để sớm ổn định kinh doanh và đời sống cho người dân.

Sau khi cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Bắc Giang đã ban hành kế hoạch phương án hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến đầu tháng 7, hầu hết doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 đạt tối thiểu 8.000 tỷ đồng và phấn đấu đến tháng 11 đạt trên 15.000 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, mục tiêu số lao động đi làm trở lại đạt tối thiểu 30.000 người vào cuối tháng 7 và đạt trên 120.000 lao động quay trở lại vào tháng 11.

‘Bình thường mới là kế hoạch có thể thay đổi hàng ngày’

Không chỉ doanh nghiệp trong khu công nghiệp mà bất kỳ doanh nghiệp hay bất kỳ đơn vị kinh doanh nào khác cũng phải có những "kịch bản" cho hoạt động của doanh nghiệp và người lao động khi xác định rằng phải sống chung với dịch. Chỉ khác là, nếu trước đây doanh nghiệp lập kế hoạch theo tháng, theo quý, thậm chí cho cả năm, thì bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc TCT May 10 nói như vậy để kể về những thói quen mới được hình thành nhằm thích nghi tốt hơn với làn sóng dịch Covid-19, được đánh giá là ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm ngoái.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 9.
Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc TCT May 10. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

"Xã hội dùng khái niệm "bình thường mới" để chỉ hàng loạt những thay đổi về mọi mặt đời sống mà người dân phải làm quen trong dịch Covid-19. Còn "bình thường mới tại May 10", nghĩa là nếu trước kia chúng tôi lập kế hoạch theo tháng, theo quý, thậm chí cho cả năm, thì bây giờ kế hoạch có thể thay đổi từng ngày, từng giờ tùy theo diễn biến thực tế. Bản thân tôi cũng phải thay đổi toàn diện và mạnh mẽ từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen", ông Việt chia sẻ.

Doanh nghiệp đã quen với việc không chỉ tập trung sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mà song song với đó là việc duy trì biện pháp phòng chống dịch Covid-19 như "một ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19" thu nhỏ như điều chỉnh thời gian làm việc, tổ chức chia ca, tổ chức làm việc, họp, đại hội cổ đông trực tuyến và sẵn sàng phản ứng nhanh khi có ca nghi nhiễm xuất hiện. Người lao động cũng hình thành thói quen 5K, ngồi giãn cách, không tụ tập đông người. Những hành động như vừa nêu không chỉ là biện pháp được khuyến nghị thực hiện mà đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá mức độ an toàn dịch trong mỗi đơn vị sản xuất. Nếu không đảm bảo an toàn, doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất.

Năm nay, dịch Covid-19 được nhận diện phức tạp hơn nhưng dù vậy xã hội cũng không phải chứng kiến cảnh áp dụng biện pháp giãn cách toàn xã hội, ngăn sông cấm chợ như năm vừa qua. Một phần do có kinh nghiệm trong việc phòng dịch. Phần khác là do việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội được giao cho người đứng đầu địa phương, đơn vị quyết định tùy theo diễn biến dịch thực tế. Tuy vậy, các tiểu thương, hộ kinh doanh hay người lao động tự do ở đô thị vẫn là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng dãn cách khi nhiều hoạt động dịch vụ bị đình đốn trong thời gian dài.

So với năm ngoái, cách chống dịch của Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu kép vừa kiểm soát tốt dịch vừa phát triển kinh tế. Bên cạnh các biện pháp 5K, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu thay đổi cách tiếp cận biện pháp phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công và có thêm "vaccine".

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 10.

Ngay khi kiện toàn nhân sự, người đứng đầu Chính phủ mới đã yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền sớm ban hành chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19. Theo đó, những hoạt động đảm bảo ổn định tình hình lao động, việc làm và chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động để thích ứng trong điều kiện trước và sau dịch Covid-19, cũng phải được thực hiện.

Đến nay, cũng đã kết thúc qúy II, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh chưa phải thay đổi bất kỳ mục tiêu nào nhưng thời điểm chính xác phục hồi và những thách thức mà địa phương phải đối mặt trong thời gian tới là khó đoán định. Bởi lẽ, bài toán lớn nhất đối với doanh nghiệp địa phương là người lao động chưa có lời giải thấu đáo khi mà những địa phương, vùng lân cận khác cũng đang xuất hiện những "đốm lửa" dịch Covid-19, thách thức đối với tăng trưởng không chỉ Bắc Giang mà cả nền kinh tế năm nay tiếp tục lại hiện hữu.

Thách thức hậu Covid và hy vọng từ vaccine

Dù đưa ra số liệu tương đối tích cực về tình hình 6 tháng đầu năm nhưng trả lời tại buổi họp báo ngày 29/6, đại diện Tổng cục Thống kê cũng nhìn nhận việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Chính phủ đề ra năm nay là khó khăn. Nếu như tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp - khu vực đang là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - tăng 26,4%, thì đến tháng 5 và tháng 6 con số này đã lần lượt giảm xuống còn 11,4% và 8,1%.

Nếu so sánh 2 báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 và 2021 của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước đã tăng từ 2,26% lên 2,3%. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động vẫn giữ ở mức 2,58%, nhưng tính riêng ở khu vực thành thị thì đã tăng từ 1,67% lên 2,64%. Cần lưu ý là hầu hết các thống kê này mới được ghi nhận ở khu vực chính thức.

Một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tương đối khả quan là xuất khẩu, khi các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu phục hồi, có nơi ghi nhận kim ngạch tăng gần 50% so với cùng kỳ. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ giá dầu thô khi mặc dù sản lượng khai thác giảm 7,3% nhưng thu từ dầu thô vẫn đạt 18.500 tỷ đồng, bằng 79,8% dự toán cả năm.

Nền kinh tế giãn cách - Ảnh 11.
Các thị trường lớn phục hồi đã giúp xuất khẩu tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm. Ảnh: Báo Đầu tư

Những yếu tố này giúp tiến độ thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt khá trong bối cảnh dịch bệnh, ước đạt 57,7% dự toán năm. Tuy nhiên chi ngân sách cùng kỳ lại chủ yếu dành cho các nhu cầu thường xuyên, đặc biệt là các hoạt động chống dịch, khi đạt 48,3% dự toán, trong khi chi cho đầu tư phát triển mới đạt 133.900 tỷ đồng, bằng 28,1% dự toán.

Một động lực quan trọng khác là đầu tư công, trong bối cảnh hiện nay lại đang trở thành điểm nghẽn khi tính đến giữa tháng 6, giải ngân vốn ODA mới bằng 1,73% dự toán, trong đó có tới 37/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân là 0%. Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà nhận định, tỷ lệ giải ngân như trên là rất thấp, thấp hơn năm 2020. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/6, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài mới đạt gần 15,27 tỷ USD, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Những yếu tố trên, cộng với việc tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp đặt ra thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn cuối năm cũng như xa hơn nữa, khi thế giới bước vào cuộc đua hậu đại dịch.

Trong bối cảnh đó, hy vọng lớn nhất sẽ được đặt vào hơn 120 triệu liều vaccine mà Chính phủ và các đơn vị được phân công đã đạt thỏa thuận mua được cho đến lúc này, cũng như chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử dự kiến bắt đầu triển khai trong tháng 7. Việc sớm mở cửa nền kinh tế, đưa các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường sẽ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể bứt phá trong giai đoạn tới. Ngược lại, nền kinh tế rất có thể sẽ tụt lại so với những quốc gia láng giềng có khả năng chung sống với Covid-19, dù trước đó Việt Nam đã chiến thắng vang dội hơn họ ở "trận đầu".

Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM