Nam sinh Hà Nội trúng tuyển học viện âm nhạc lớn nhất thế giới – nơi Lam Trường, con gái Mỹ Linh từng học: Ngó bảng thành tích mà nể phục!

14/06/2022 16:32 PM | Sống

Sau hơn 10 năm kiên trì theo đuổi, cuối cùng Bá Tân cũng đỗ vào ngôi trường đào tạo âm nhạc mà bản thân hằng mong ước.

Vừa qua, Nguyễn Bá Tân (SN 2004), sinh sống tại Hà Nội vinh dự trúng tuyển vào Học viện âm nhạc Berklee. Em là một trong những sinh viên quốc tế hiếm hoi đỗ vào ngôi trường đào tạo âm nhạc hàng đầu thế giới.

Học viện âm nhạc Berklee (Berklee College of Music) là ngôi trường đào tạo âm nhạc đương đại lớn nhất toàn cầu, Nhiều tên tuổi lớn của nền âm nhạc thế giới xuất thân từ lò đào tạo này như: John Mayer (giải Grammy 2003), ban nhạc Click Five, PSY – Gangnam Style, Vương Lực Hoành,… Một số nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam cũng theo học ngôi trường danh giá tại Berklee như: Nhạc sĩ Đức Trí, ca sĩ Lam Trường, ca sĩ Đoan Trang, Anna Trương – con gái ca sĩ Mỹ Linh,…

Ngoài Học viện âm nhạc Berklee, Bá Tân còn trúng tuyển hàng loạt ngôi trường khác tại Mỹ như: Oberlin Conservatory of Music, California Institute of the Arts, The University of the South, Syracuse University.

Nam sinh Hà Nội trúng tuyển học viện âm nhạc lớn nhất thế giới – nơi Lam Trường, con gái Mỹ Linh từng học: Ngó bảng thành tích mà nể phục! - Ảnh 1.

Chân dung nam sinh Bá Tân - người trúng tuyển vào ngôi trường đào tạo âm nhạc hàng đầu thế giới.

Những giải thưởng danh giá mà nam sinh Nguyễn Bá Tân đạt được:

Huy chương Vàng tại Liên hoan piano Quốc tế năm 2012

Giải Nhất cuộc thi Piano Quốc tế Thiếu niên 2014

Giải Ba bảng A cuộc thi Piano Quốc tế Hà Nội lần thứ 3 năm 2015

Học bổng Toyota dành cho âm nhạc trẻ Việt Nam (2014 – 2018)

Huy chương Vàng tại Triển lãm Thiết kế, Ý tưởng và Sáng chế năm 2020 do WIIPA tổ chức

Giải Nhất tại cuộc thi AI JAM US năm 2021

Buổi biểu diễn hoà nhạc với dàn nhạc Tổng thống Nga ở cung điện Kremlin, nước Nga

Độc tấu piano với các nghệ sĩ Nhật Bản

Lễ hội âm nhạc hữu nghị Tokyo (Nhật Bản) năm 2018; Hà Nội (Việt Nam) năm 2019

Hoà nhạc độc tấu với dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam

Các buổi biểu diễn ở Carnegie Hall, New York trong mùa hè

Hãy cùng trò chuyện với Bá Tân để nghe cậu bạn chia sẻ về quá trình nỗ lực chinh phục ngôi trường mơ ước!

- Em gắn bó với âm nhạc được bao nhiêu lâu? Khi quyết định theo đuổi sự nghiệp nghệ thuật, gia đình có ủng hộ không?

Hiện tại em đang là học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH học Quốc gia Hà Nội). Cùng với đó, em theo học âm nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Từ nhỏ em đã đam mê với âm nhạc nhưng mãi đến năm 2012 mới quyết định theo đuổi nghiêm túc. Ước mơ cháy bỏng của em là được đi biểu diễn âm nhạc nhiều nơi trên thế giới.

Thời gian đầu, cả bố mẹ và em đều có chút đắn đo. Bố mẹ mong em có công việc ổn định, có định hướng phát triển rõ ràng như trong lĩnh vực: Ngoại giao, Tài chính, Kinh tế. Mặc dù em cảm thấy theo ngành nghề trên sẽ có cơ hội việc làm tốt nhưng cuối cùng em vẫn quyết định theo đuổi đam mê. Rất hạnh phúc và may mắn khi bố mẹ luôn tôn trọng của em. Đặc biệt khi thấy em cháy hết mình trên sân khấu, bố mẹ lại càng ủng hộ hết mình.

Nam sinh Hà Nội trúng tuyển học viện âm nhạc lớn nhất thế giới – nơi Lam Trường, con gái Mỹ Linh từng học: Ngó bảng thành tích mà nể phục! - Ảnh 3.

Bá Tân đứng bên cạnh người mẹ thân yêu.

Em từng nghe nhiều người nói rằng: "Làm nghệ thuật rất vất vả, bấp bênh. Một là sẽ rất giàu, hai là rất nghèo". Nghe những lời nói đó em chỉ biết cười và kệ thôi. Nó không làm thay đổi suy nghĩ em. Em cho rằng làm nghề nào cũng cần nỗ lực rèn luyện mới có thể thành công. Theo ngành nào cũng cần sự đầu tư về tinh thần và khả năng sáng tạo, đặc biệt là trong âm nhạc. Em theo đuổi nghệ thuật cũng lâu rồi, nghèo hay giàu không phải vấn đề đối với em. Em chỉ mong bản thân cần luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với tình yêu âm nhạc.

- Đâu là lý do em chọn Học viện âm nhạc Berklee để viết tiếp ước mơ cháy bỏng?

Berklee College of Music là ngôi trường đào tạo âm nhạc hàng đầu thế giới. Nhiều idol (thần tượng), nhạc sĩ mà em yêu thích, ngưỡng mộ là cựu học sinh của trường. Berklee College of Music nằm ở thành phố Boston – nơi có nền âm nhạc cực kỳ phát triển, mở ra cơ hội cho em được giao lưu, học hỏi và đi thực tập sau này.

Trường nổi tiếng với ngành học Âm nhạc đương thời, Âm nhạc học và Kinh doanh âm nhạc. Những khoá học tại đây khá đa dạng. Bạn có thể không hề biết chơi nhạc cụ nhưng vẫn tham gia các khoá học không đòi hỏi khả năng biểu diễn. Phương châm của trường là xây dựng một môi trường giảng dạy về âm nhạc đương thời và các kỹ năng cần thiết để học viên có thể trở thành một nghệ sĩ đa năng.

Em đã tìm hiểu và tham khảo kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, định hướng giáo dục và cơ hội việc làm khi theo học Berklee College of Music. Sau đó, em mới quyết định apply (ứng tuyển).

Nam sinh Hà Nội trúng tuyển học viện âm nhạc lớn nhất thế giới – nơi Lam Trường, con gái Mỹ Linh từng học: Ngó bảng thành tích mà nể phục! - Ảnh 4.
Nam sinh Hà Nội trúng tuyển học viện âm nhạc lớn nhất thế giới – nơi Lam Trường, con gái Mỹ Linh từng học: Ngó bảng thành tích mà nể phục! - Ảnh 5.

Dù đứng trên sân khấu lớn hay sân khấu nhỏ, Bá Tân đều nỗ lực thể hiện hết khả năng.

- Quá trình "apply" vào Học viện âm nhạc Berklee của em như thế nào? 

Ngoài "apply" vào Berklee, em cũng nộp hồ sơ vào nhiều trường đào tạo âm nhạc khác và đều trúng tuyển. Mỗi trường lại có một yêu cầu khác nhau nhưng Berklee yêu cầu khắt khe nhất. Em phải qua các vòng như: Nộp bảng thành tích học thuật, gửi video các tiết mục đã biểu diễn, tham gia phỏng vấn biểu diễn live (trực tiếp) để hội đồng tuyển sinh đánh giá. Đối với vòng phỏng vấn, em nghĩ mình chưa làm tốt lắm.

Em đã nộp cho trường video buổi biểu diễn âm nhạc ở cả trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, em cũng gửi những bản nhạc tự sáng tác. Thực ra, âm nhạc biểu diễn mới là thế mạnh của em. Còn sáng tác nhạc là hoạt động em mới tìm hiểu trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Trong thời gian dịch bệnh, việc ở nhà lâu ngày khiến em cảm thấy tù túng, bí bách. Vì thế, em đã quyết định mày mò học sáng tác nhạc, viết lời bài hát. Ngoài ra, em cũng tìm hiểu cách chơi ghita và sử dụng máy tính để sản xuất nhà. Em coi quãng thời gian đó là cơ hội để khám phá và phát triển bản thân. Em đã học hỏi thêm được nhiều điều mới lạ, mở rộng "vòng tròn" của mình hơn.

Em từng đứng trên nhiều sân khấu lớn nên việc biểu diễn âm nhạc trước hội đồng tuyển sinh không quá khó khăn. Em nghĩ ở phần thi này mình đã làm rất tốt, thể hiện sự tự tin, phong thái đĩnh đạc. Thông thường buổi biểu diễn chỉ kéo dài 15 phút nhưng hôm đó, em đã hăng say chơi nhạc trong khoảng 45 phút.

Một số tiết mục thi tuyển trực tiếp của em là: Trình diễn một tác phẩm tự do, biểu diễn khả năng ngẫu hứng trên nền nhạc mà ban giám khảm đưa ra, thực hiện bài kiểm tra thị tấu, phỏng vấn về quan điểm các hoạt động âm nhạc trong tương lai,...

Thầy cô chấm bài là những nghệ sĩ lớn. Họ đều hạnh phúc khi tận hưởng buổi biểu diễn âm nhạc. Em vừa thực hiện bài thi, vừa trả lời những câu hỏi thú vị khiến buổi thể hiện kỹ năng kéo dài hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, bầu không khí không hề căng thẳng mà khá thoải mái, chỉ giống như một buổi trò chuyện với nhau bằng âm nhạc.

Nam sinh Hà Nội trúng tuyển học viện âm nhạc lớn nhất thế giới – nơi Lam Trường, con gái Mỹ Linh từng học: Ngó bảng thành tích mà nể phục! - Ảnh 6.

Bá Tân bên những người bạn trong CLB âm nhạc CNN Music Club.

- Buổi biểu diễn lớn nhất em từng tham gia là ở đâu? Cảm xúc lần đầu tiên đứng trên sân khấu lớn của em như thế nào?

Sân khấu lớn nhất em từng biểu diễn là ở cung điện Kremlin tại nước Nga, tiếp theo là ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vì dòng nhạc này kén người nên buổi biểu diễn thường giới hạn số người tham dự, chỉ khoảng 200 – 250 người. Được đứng trên sân khấu biểu diễn là niềm hạnh phúc ngọt ngào đối vối em. Khi kết thúc bản nhạc, những tràng vỗ tay vang lên khiến em vô cùng xúc động, kèm theo là sự lưu luyến khó diễn tả.

Những lần đầu đứng trên sân khấu, em khá lo sợ bị đánh giá vì chưa làm tốt. Nhưng dần dần kỹ năng được cải thiện, giờ em cảm thấy rất tự tin khi biểu diễn. Dù là sân khấu lớn hay sân khấu nhỏ, em đều coi đó là một cuộc biểu diễn thông thường, không phải thử thách hay cuộc thi gì. Nghĩ như vậy, bản thân sẽ không bị rơi vào lo âu, áp lực. Em chơi nhạc cho mọi người nghe nhưng cũng chính là cách để bản thân tận hưởng.

Mỗi buổi biểu diễn đều mang đến những kỷ niệm cùng cảm xúc khó quên. Đó đều là khoảnh khắc tuyệt vời, đầy lưu luyến. Càng trải nghiệm nhiều, em càng muốn theo đuổi ngành âm nhạc và không hối hận khi đã lựa chọn nó.

Ảnh: NVCC

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM