Năm mới muốn thu nhập tăng gấp 8 lần chỉ sau 5 năm hãy học theo cách của chuyên gia tài chính người Việt Nam này

03/02/2020 16:33 PM | Kinh doanh

Làm sao để cân đối được câu chuyện tài chính cũng như sắp xếp công việc như thế nào để tài chính tốt hơn năm ngoái là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong những ngày đầu năm.

"Năm vừa qua tôi làm việc rất chăm chỉ. Ngày nào cũng làm việc 10 tiếng, lương tháng khoảng 20 triệu nhưng tôi thấy tiền kiếm được cũng đi đâu hết cả. Tết vừa rồi sau khi sắm sửa cho gia đình, quà cáp nội ngoại thì thấy cả năm qua không để ra được đồng nào. Vì sao và nên làm gì để tài chính năm nay được tốt hơn?", một khán giả của chương trình Café sáng cùng VTV3 đặt câu hỏi cho chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam.

Theo chuyện gia này đây là câu hỏi rất phổ biến. Ngay chính bản thân anh cách đây 15-20 năm trước cũng rơi vào tình huống tương tự khi bắt đầu đi làm kiếm được tiền và chi tiêu. Lúc đấy anh Nam cũng không có ý thức về chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư tài chính như thế nào cho tương lai nên luôn rơi vào tình trạng không biết tiền mình đi đâu mất. Thời điểm khiến anh thay đổi là khi kết hôn, có con, mua nhà và phải bắt đầu nghĩ đến tương lai nhiều hơn. Cũng từ đó chuyên gia này tìm ra được các phương thức kiểm soát tiền được tốt hơn nhiều.

Năm mới muốn thu nhập tăng gấp 8 lần chỉ sau 5 năm hãy học theo cách của chuyên gia tài chính người Việt Nam này - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta luôn tiết kiệm được rất ít so với thu nhập ?

Chuyên gia Trần Nhật Nam cho rằng có 2 nguyên nhân dẫn tới tình trang này. Thứ nhất là việc chính cá nhân đó chưa có cách để kiểm soát chi tiêu của bản thân, gia đình mình. Nguyên nhân thứ 2 đến từ khía cạnh xã hội hiện đại. Ngày nay cuộc sống ngày càng tiện nghi hơn, nhiều món đồ giá trị hơn cùng nhiều luồng thông tin khiến con người biết đến nhiều cách thức chi tiêu hơn. Tuy nhiên anh cho rằng xã hội ngày càng phát triển nếu chúng ta cuốn theo những trào lưu thì rất khó kiểm soát và dễ vượt quá những chi tiêu mình có thể kiếm được. Đấy là nguyên nhân dẫn tới mất kiểm soát trong tài chính.

Nhưng cũng có người đặt câu hỏi ngược lại rằng mình đã cố gắng cắt giảm chi tiêu, tiêu xài tiết kiệm nhưng số tiền để lại với kiếm được rất nhỏ. Chuyên gia Nam cho biết tiết kiệm là hiệu suất giữa thu nhập và chi tiêu. Ở đây chúng ta cần nhìn thấy cả 2 vế. Nếu thu nhập chúng ta quá thấp, không thể đạt được mức chi tiêu tối thiểu của một gia đình thì việc tiết kiệm rất khó.

Với câu chuyện của bạn thu nhập 20 triệu đồng thì đây không phải là thấp và ở mức trung bình khá của xã hội thì việc kiểm soát chi tiêu là hoàn toàn có thể làm được. Việc chúng ta tiết kiệm rất khó nâng cao nếu chúng ta không thay đổi bản thân, thay đổi tư duy.

"Nếu chúng ta vẫn nghĩ chi tiêu từng đấy thứ, tiết kiệm hơn một chút, mua rẻ hơn một chút, bớt đi một chút thì đâu đó cũng chỉ giảm được 15-20% thôi. Nhưng nếu chúng ta nhìn thấy để tiết kiệm được, có nền tảng tương lai tài chính vững thì chúng ta có thể có mức tiết kiệm 25-30% thu nhập thậm chí 50% thu nhập chúng ta kiếm được.", anh cho biết.

50% là con số hoàn toàn có thể đạt được và như bản thân gia đình anh Nam tiết kiệm được 60-70% bằng cách nâng cao thu nhập hàng tháng. Anh cho rằng tư duy chúng ta luôn bị cuốn theo mặt bằng chung của xã hội. Bạn bè, người thân chi tiêu như thế thì chúng ta cũng cần chi tiêu như thế nhưng đôi khi chỉ cần nhìn lại thực sự có cần giữ mức của chúng ta bằng mọi người hay không.

Điều thứ 2 anh cho rằng nếu chúng ta vẫn tiêu tiền và chi tiêu để có được sự thoải mái, sang chảnh thì không bao giờ đạt được tiết kiệm.

"Chúng ta nên chuyển mục đích chi tiêu để đạt được sự sang chảnh, thoải mái sang chi tiêu để đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây là những thứ thực sự tạo cho mình cảm xúc. Lúc đó mình sẽ cắt giảm được rất nhiều thứ chi phí của gia đình, bản thân. Ví dụ có thể dành 1 bữa nhậu với bạn bè nhưng cắt giảm nhiều bữa nhậu dành thời gian cho gia đình tạo ra hạnh phúc. Hay mua một cái túi giá 6-10 triệu hay 500 nghìn liệu có khác nhau, có cùng tạo ra giá trị cốt lõi.", chuyên gia này phân tích.

Bước thứ 2 sau khi đã thay đổi tư duy và tích lũy được một số tiền thì việc đầu tư rất quan trọng. Tỷ phú Warren Buffett từng cho biết rất nhiều người đầu tư nhưng không ai đầu tư thành công được như ông bởi mọi người thường muốn làm giàu nhanh nhưng ông chọn làm giàu chậm.

"Nghiệm lại bản thân mình 15-20 năm vừa qua bình tĩnh từ từ chậm rãi, từ con số 0 cũng lên được mốc thoải mái giàu có, không nhất thiết phải qua các trào lưu làm giàu nhanh. Ví dụ như gửi tiết kiệm đều đặn hàng năm, đó là một kênh đầu tư cực kỳ an toàn, làm giàu chậm rất tốt", anh Trần Nhật Nam cho biết.

Nhưng anh cũng chỉ ra  một cách để đẩy nhanh tốc độ con đường làm giàu chậm bằng cách nâng cao hiệu quả làm việc của mình. Đó có thể là việc  tự nâng cấp bản thân mình lên, học thêm ngoài giờ, học thêm tiếng Anh, xin được công việc tốt hơn, tự động hóa, nâng cao năng lực làm việc.

"Cùng thời gian chúng ta làm việc được nhiều hơn thì rõ ràng hoàn toàn có thể đẩy thu nhập tăng lên gấp đôi, gấp trong 3-5 năm. Chịu khó đầu tư vào bản thân, bản thân vợ chồng tôi nâng thu nhập lên gấp 8 lần trong 5-7 năm. Chúng ta xác định làm giàu chậm, đầu tư bản thân là con đường vững chắc nhất", anh kết luận.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM