Năm 2035, Việt Nam đạt mức GDP bình quân đầu người 22.000 USD/năm
Khoảng 20 năm nữa, tức là đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam sẽ tăng hơn 10 lần lên mức 22.000 USD/năm, so với mức trên 2.109 USD/năm 2015.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, quy mô nền kinh tế năm 2015 theo giá hiện hành đạt 4.192.900 tỷ đồng (tương đương gần 195 tỷ USD), với GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Theo bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đến năm 2035, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ở ngưỡng 22.000 USD/người/năm (tính ngang giá sức mua).
So với các nước trong khu vực, mức 22.000 USD/người/năm cũng chỉ nhỉnh hơn mức thu nhập trên 21.000 USD mà Malaysia đã đạt được trong năm 2013.
Trong khi năm 2014, Việt Nam đạt mức thu nhập trên 2.000 USD/người/năm thì Trung Quốc đã đạt mức 12.000 USD/người/năm. Trước đó 04 năm vào năm 2010, Thái Lan cũng đã đạt mức 12.000 USD/người/năm.
Theo bà Victoria Kwakwa, nguyên nhân chính làm cho cho thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt thấp so với các nước trong khu vực là năng suất lao động quá thấp, sự phát triển quá phụ thuộc vào vốn và lao động.
Do đó, để đạt mức thu nhập bình quân đầu người ở mức 22.000 USD/người/năm vào thì tốc độ tăng năng suất có lẽ là thách thức lớn nhất.
Để đạt những khát vọng về thu nhập đến năm 2035, Việt Nam đã đề xuất 6 cải cách chủ yếu xoay quanh 3 trụ cột: tăng trưởng bền vững, công bằng và hòa nhập xã hội, Nhà nước có năng lực và trách nhiệm giải trình.