Năm 2035: Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt 10.000 USD

05/12/2018 22:10 PM | Xã hội

Khát vọng của Việt Nam đến năm 2035 là thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành.

Không cải cách và phát triển sẽ tụt hậu

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất với chủ đề “Tầm nhìn mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong kỷ nguyên mới” hôm nay, 5/12.

Theo Bộ trưởng, thành quả quan trọng nhất của 30 năm đổi mới là đã làm thay đổi hẳn diện mạo kinh tế Việt Nam, đời sống người dân được cải thiện, tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đến hết năm 2017, quy mô dân số Việt Nam đạt khoảng 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế đạt khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 34; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.300 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt 6,81% và dự kiến năm 2018 có thể đạt cao hơn; chỉ số phát triển con người (HDI) đứng thứ 116/189 quốc gia; hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập (GINI) ở mức tích cực, 0,43 điểm.

Năm 2035: Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đạt 10.000 USD - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn ngày 5/12. Ảnh: Tuấn Nguyễn


Theo Bộ trưởng Dũng, nền kinh tế Việt Nam những năm tới hứa hẹn cả những thách thức và cơ hội đan xen. Một số kịch bản kinh tế đã được đưa ra với triển vọng tăng trưởng trung bình của Việt Nam ước đạt 6,85% trong các năm 2018-2020. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn ý thức được những thách thức và khó khăn, cả những vấn đề nội tại cũng như những tác động khách quan từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Vào tháng 2/2016, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Việt Nam 2035 và báo cáo đã trở thành một tài liệu tham khảo có giá trị đối với công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

"Báo cáo đã đưa ra khát vọng của Việt Nam đến năm 2035, đó là: Thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đạt 10.000 USD/người/năm tính theo giá hiện hành. Khát vọng này được thực hiện thông qua chương trình cải cách thể chế và các chính sách hỗ trợ dựa trên ba trụ cột chính: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; Công bằng và hòa nhập xã hội; Nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước", Bộ trưởng cho hay.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người, Bộ trưởng Dũng cho rằng chúng ta đang đứng trước yêu cầu lịch sử là phải đổi mới, cải cách mạnh mẽ, căn bản để tiếp tục phát triển, đi lên. Vì nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.

Nguồn nhân lực quyết định thành công những động lực khác

Theo Bộ trưởng, đây là thời điểm “vàng” bởi chúng ta đang đứng trước những cơ hội quý như: tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động cao, tỷ lệ qua đào tạo ngày càng tăng; cơ hội về hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cơ hội tiếp cận và tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cơ hội về dòng vốn đầu tư từ các nền kinh tế phát triển, từ các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia ngày càng chảy nhiều hơn vào các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi...

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần phải ý thức được những vấn đề khó khăn, thách thức phải giải quyết trong giai đoạn tới, nhất là những vấn đề về giải quyết mối quan hệ giữa cải cách và phát triển, trong cả nhận thức và hành động; dự báo và ứng phó được với những tác động bất lợi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong bối cảnh phải: một mặt, phát hiện và tận dụng được những cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ; cải thiện cho được những chỉ số cấu thành năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam, nhất là về môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh, hạ tầng, tiếp cận với công nghệ thông tin và truyền thông;

Đồng thời,  phải huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là nguồn lực của khu vực tư nhân, nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển khu vực kinh tế tư nhân năng động, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh toàn cầu phải trở thành động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế đất nước; liên kết, hợp tác cùng phát triển giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài; ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo phát triển bền vững...; và mặt khác, giảm thiểu được những thách thức, tác động tiêu cực của cuộc cách mạng này, nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi robot thay thế cho con người.

Trên cơ sở xác định rõ nền kinh tế đang ở đâu trong quá trình phát triển, ý thức được những khó khăn, thách thức, nhận diện và tận dụng triệt để được mọi cơ hội, dù là nhỏ nhất, cho cải cách và phát triển, theo Bộ trưởng, chúng ta cần tập trung xác định những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển.

Trong đó, động lực tăng trưởng nền móng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác.

Các chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia và môi trường kinh doanh đạt nhiều tiến bộ đáng khích lệ. Năm 2017, năng lực cạnh tranh xếp hạng 55/137, tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh xếp hạng 68/190, tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo xếp hạng 47/127, tăng 12 bậc. Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn từ vị trí thứ ba năm 2016 lên vị trí thứ nhất.

Theo Tuấn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM