Năm 2019 - một năm bùng nổ tranh chấp đậu xe ô tô tại các chung cư

03/01/2020 08:22 AM | Bất động sản

Không chỉ Tp.HCM, Hà Nội cũng là khu vực ghi nhận thực trạng mâu thuẫn giữa cư dân với chủ đầu tư liên quan đến chỗ đậu xe ô tô tại chung cư bùng phát ở nhiều dự án trong năm vừa qua.

Liên tục xảy ra mâu thuẫn về chỗ đậu xe ô tô

Có lẽ năm 2019 là năm chứng kiến thực trạng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư về chỗ đậu xe ô tô tại các chung cư. Trong đó, nhiều mâu thuẫn vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, cư dân tiếp tục phản ánh.

Tại Hà Nội, năm 2019, tranh chấp chỗ đỗ xe tại chung cư đã và đang bùng phát ở nhiều dự án.

Điển hình, nhiều cư dân tại chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đã phải bỏ ra số tiền từ 800 triệu triệu đến 1 tỉ đồng để sở hữu 10 m2 đỗ xe.

Hay tại dự án The Golden Palm (đường Lê Văn Lương, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã xảy ra tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân liên quan đến chỗ đỗ ôtô. Được biết, khi bán hàng, chủ đầu tư quảng cáo tòa nhà có 3 tầng hầm để xe, mỗi hộ gia đình sẽ có 1 chỗ đỗ xe. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư đã dành hầm B1 làm chỗ để xe thương mại, hầm B2 và B3 dành cho cư dân nhưng không có chỗ để xe cố định.

Tại Tp.HCM, tình trạng cư dân tranh chấp chỗ đậu xe với chủ đầu tư liên tục xảy ra, có những trường hợp kéo dài và lên đến đỉnh điểm là cư dân căng băng rôn diễu hành ngoài phố để phản ứng.

Một số trường hợp tranh chấp chỗ để xe ô tô tại Tp.HCM trong năm qua phải kể đến như:

Giữa tháng 4/2019, cư dân tại chung cư Him Lam Chợ Lớn (Q.6, Tp.HCM) đã kéo xe ra đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Him Lam xây nhà nhưng không có chỗ để xe vì tầng hầm chung cư rất nhỏ không đủ chỗ để xe, khiến cư dân phải để xe bên ngoài hoặc đi tìm bãi giữ xe để gửi với giá cao gấp hai, ba lần giá gửi xe trong chung cư.

 Năm 2019 - một năm bùng nổ tranh chấp đậu xe ô tô tại các chung cư  - Ảnh 1.

Đặc biệt, tại Tp.HCM thời gian qua, liên tục xảy ra tình trạng tranh chấp chỗ đậu xe giữa cư dân và chủ đầu tư

Hay cư dân ở block A10, A11 Khu dân cư Ehome 3 (Q.Bình Tân, TpHCM) cũng bức xúc vì nhận nhà 3 năm nhưng không có bãi xe. Người dân căng băng rôn để đòi quyền lợi, chủ đầu tư “chữa cháy” bằng cách dùng phần diện tích công viên, sân chơi trẻ em, hành lang chung cư... làm bãi đỗ xe cho cư dân block A10, A11.

Mới đây nhất là tranh chấp chỗ để xe ô tô tại chung cư EverRich Infinity trên đường An Dương Vương, Quận 5 do Công ty Cổ phần Phát triển BĐS Phát Đạt làm chủ đầu tư. Theo Ban quản trị và cư dân, chủ đầu tư này đã không bàn giao đủ số lượng chỗ để xe máy và xe đạp như trong hợp đồng mua bán căn hộ. Khi chưa rõ ràng giữa diện tích chung và riêng, chủ đầu tư đã rao bán 155 chỗ để xe ô tô với giá là 500 triệu/1 chỗ đậu.

Sau thời gian dài tranh đấu với chủ đầu tư không có kết quả, trung tuần tháng 12 hàng trăm cư dân tại chung cư này đã căng băng rôn kín các sảnh ra vào tòa nhà, đậu xe thành hàng dài trong khuôn viên chung cư để yêu cầu chủ đầu tư chuyển phương án bán qua cho thuê giá 2,2 triệu/tháng. Rồi đỉnh điểm là cư dân kéo băng rôn để diễu hành khắp phố phản đối chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo cư dân sống tại chung cư này, hiện chủ đầu tư vẫn không giải quyết chỗ để xe cho cư dân, khóa toàn bộ thẻ ra vào tầng hầm.

Giao dịch thương mại chưa được làm rõ ngay từ đầu?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành từng trao đổi về vấn đề này, khi cho rằng có quy định cứ 100m2 sử dụng của căn hộ phải bố trí 20m2 chỗ để xe. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư chung cư đang bỏ qua quy định này, bởi như vậy sẽ phải thêm tầng hầm, làm tăng chi phí tới 10-20% tổng chi phí xây dựng của tòa nhà.

Theo ông Đực, nhiều chủ đầu tư hiện không bố trí đủ diện tích giữ xe hoặc làm nhưng cố tình giữ lại thành tài sản riêng, không bàn giao cho bản quản trị, ban quản lý chung cư dẫn đến tranh chấp với cư dân.

Mặt khác, quy định hiện nay còn có một kẽ hở là cho phép chủ đầu tư bán chỗ để xe và thực tế nhiều chủ đầu tư đã bán chỗ để xe trên diện tích tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến tình trạng diện tích để xe của cư dân bị chủ đầu tư giữ lại, tự quản lý, tự bán thu tiền riêng.

Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Sao Kim (Venus Corporation) cho rằng, bán hay không bán chỗ giữ xe mọi người nên nhìn nhận lại vấn đề theo nguyên tắc: Cái gì anh bỏ tiền ra mua sẽ được sở hữu; nếu chủ đầu tư nhận tiền của người ta thì phải giao cho người ta. Cái vấn đề cốt lõi ở đây là giao dịch thương mại chưa được làm rõ ràng ngay từ đầu.

Bà Hương ví dụ, Luật quy định, chủ đầu tư không được phân bổ chỗ giữ xe ô tô vào giá bán. Nhưng ai biết rằng, khi người mua căn hộ thì chủ đầu tư đã phân bổ giá chỗ giữ xe vào giá bán căn hộ hay chưa. “Như vậy, phải có cơ chế để ông chủ đầu tư chứng minh với cơ quan thuế, cơ quan nhà nước rằng, tôi chưa phân bổ vào giá bán. Nếu ông đã phân bổ rồi thì ông phải giao cho cư dân”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo bà Hương, phí giữ xe ở tòa nhà chung cư có liên quan đến quỹ vận hành tòa nhà. Nguồn kinh phí chỗ giữ xe là nguồn thu rất trọng yếu trong quỹ vận hành. Và hiện đang có sự không rõ ràng ở phần này dẫn đến tranh chấp. Có chủ đầu tư bàn giao toàn bộ dự án (miễn phí chỗ giữ xe ô tô) nhưng có một số chủ đầu tư giữ lại chỗ giữ xe để tiếp tục khai thác thương mại.

Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) cho biết, tình trạng tranh chấp chỗ để xe ở chung cư thường là do chủ đầu tư không tư vấn kỹ lưỡng cho người mua nhà. Trong khi đó, một phần lỗi của khách hàng là không hỏi kỹ chủ đầu tư về vấn đề này, đến khi xảy ra chuyện thì không có cơ sở nào để đòi quyền lợi.

Do đó, chủ đầu tư cần phải minh bạch trong việc mua bán, cần phải đưa điều khoản chỗ để xe vào hợp đồng.

“Chủ đầu tư cần nói rõ cho khách hàng phần nào thuộc về khách hàng, phần nào thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư và chưa cộng vào giá bán căn hộ. Sau đó, chủ đầu tư cần công khai luôn mức giá bán chỗ đậu xe ô tô ngay trong hợp đồng mua bán. Luật quy định phần diện tích chỗ đậu xe ô tô là của riêng chủ đầu tư nhưng giá bán phải có sự thỏa thuận với khách hàng trước lúc họ mua nhà. Mức giá phải hợp lý và được khách hàng chấp nhận”, ông Châu nói.

Ông Đực cũng cho rằng, để hạn chế tranh chấp vấn đề chỗ đậu xe ô tô cần được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định và cần được luật hóa cụ thể. Trong hợp đồng mua bán nhà cũng phải ghi rõ tầng hầm để xe thuộc sở hữu chung, khi hoàn thiện công trình buộc chủ đầu tư phải bàn giao diện tích để xe cho ban quản trị.

“Để hạn chế các tranh chấp với chủ đầu tư về chỗ đậu xe phát sinh sau này, CĐT và khách hàng cần thỏa thuận ngay từ đầu trong Hợp đồng mua bán căn hộ về chỗ đậu xa. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước cần xem lại các quy định liên quan về diện tích chỗ đậu xe theo hướng phân cấp căn hộ cao cấp hoặc căn hộ bình dân, để CĐT nhìn nhận nghiêm túc về việc này”, Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư Tp.HCM cũng nhấn mạnh.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM