Năm 2018, một cơn 'sóng thần' sẽ cuốn trôi ngành bán lẻ truyền thống Mỹ?

03/01/2018 13:09 PM | Xã hội

"Những chủ cho thuê bất động sản đang khá lo lắng. Năm 2017 là một năm tồi tệ của ngành bán lẻ truyền thống trong khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa có gì đặc biệt. Việc các hãng bán lẻ phá sản hoặc phải đóng cửa hàng sẽ còn tiếp diễn", CEO Larry Perkins của hãng tư vấn Sierra Constellation Partners nói.

Năm 2018 có lẽ sẽ là cơn đại hồng thủy với ngành bán lẻ Mỹ khi hàng loạt cửa hàng sẽ phải đóng cửa do ảnh hưởng từ thương mại điện tử.

"Những chủ cho thuê bất động sản đang khá lo lắng. Năm 2017 là một năm tồi tệ của ngành bán lẻ truyền thống trong khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa có gì đặc biệt. Việc các hãng bán lẻ phá sản hoặc phải đóng cửa hàng sẽ còn tiếp diễn", CEO Larry Perkins của hãng tư vấn Sierra Constellation Partners nói.

Kinh tế Mỹ năm 2017 đã chứng kiến hàng loạt các tên tuổi lớn như Macy’s, Sean hay J.C Penny phải đóng cửa đến 9.000 chi nhánh, mức cao kỷ lục. Chưa kể đến đó là khoảng 50 chuỗi cửa hàng tại Mỹ nộp đơn phá sản. Tuy nhiên, hãng bất động sản Cushman & Wakefield cho rằng đó chưa phải là tất cả khi năm 2018 sẽ chứng kiến hơn 12.000 cửa hàng bán lẻ nữa phải đóng cửa và 25 chuỗi bán lẻ phải nộp đơn phá sản, cao hơn 33% so với năm trước.

Năm 2018, một cơn sóng thần sẽ cuốn trôi ngành bán lẻ truyền thống? - Ảnh 1.

Số các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn đóng cửa tại Mỹ

Hiện tại, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ như Walgreen, Gap hay Gymboree đã tuyên bố sẽ đóng cửa hơn 36.000 chi nhánh của họ tại Mỹ năm 2018. Thậm chí các chuyên gia nhận định sẽ còn nhiều tuyên bố đóng cửa hay phá sản trong ngành bán lẻ nữa sẽ còn diễn ra trong những tháng tới.

Thông thường, thời điểm đầu năm các hãng bán lẻ hay tuyên bố đóng cửa hoặc nộp đơn phá sản bởi chi phí cho những động thái này là không hề rẻ và các doanh nghiệp mới có thu nhập sau mùa lễ hội nên họ có đủ tiền để trang trải những chi phí này.

Ngành bất động sản Mỹ gặp rủi ro

Theo hãng bất động sản CoStar, việc hàng loạt cửa hàng bán lẻ hoạt động không hiệu quả đóng cửa sẽ khiến khoảng 310/1300 trung tâm thương mại tại Mỹ gặp rủi ro về thu nhập, qua đó tác động mạnh đến ngành bất động sản khi các nhà đầu tư nhận thấy họ bị lỗ vốn trong mảng này.

Việc các cửa hàng đóng cửa không chỉ khiến chủ trung tâm thương mại mất nguồn thu mà còn khiến lượng khách đến trung tâm suy giảm, khiến các cửa hàng khác đòi giảm giá thuê… qua đó tác động xấu đến mảng cho thuê kinh doanh.

Năm 2018, một cơn sóng thần sẽ cuốn trôi ngành bán lẻ truyền thống? - Ảnh 2.

Số cửa hàng đóng cửa theo thương hiệu dự kiến đóng cửa năm 2018

Động thái trên là một thông tin tốt với ngành bán lẻ truyền thống khi họ có thể giảm chi phí thuê mặt bằng, nhưng chúng lại là cơn ác mộng với các chủ trung tâm thương mại. Hiện nhiều chủ đất tại Mỹ đang kiện những cửa hàng đóng cửa bất ngờ vì những thiệt hại gián tiếp mà họ gây ra.

Mới đây, tập đoàn bất động sản Simon Property Group đã kiện Starbuck vì quyết định đóng cửa 77 chi nhánh trong các trung tâm thương mại do công ty này sở hữu với lý do động thái này sẽ làm giảm lượng khách vốn có, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của trung tâm cũng như các cửa hàng xung quanh.

Theo phán quyết sơ bộ, Tòa án đã chấp nhận yêu cẩu của Simon Property và buộc Starbuck phải tiếp tục mở cửa các chi nhánh của họ ở những trung tâm thương mại này.

Tương tự, hãng Whole Foods cũng đã bị kiện khi cho đóng cửa nhiều chi nhánh ở Seattle và phá vỡ cam kết thuê lâu dài với các trung tâm thương mại. Tòa án cũng đã yêu cầu công ty mở cửa lại các chi nhánh vào tháng 11/2017.

Dẫu vậy, không phải tất cả ngành bán lẻ Mỹ đều lâm vào khủng hoảng. Những cửa hàng không hoạt động hiệu quả tại Mỹ mới phải đóng cửa trong khi nhiều hãng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Hàng loạt công ty như Dollar General, Aldi, TJMaxx… đã tuyên bố kế hoạch mở thêm hàng trăm chi nhánh trong năm 2018.

"Ngành bán lẻ sẽ không lụi bại tại Mỹ. Chúng tôi chỉ bị mất kiểm soát một chút với số lượng các cửa hàng và chi nhánh", CEO Larry Perkins nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM