Mỹ xuất khẩu một thứ nhiều nhất thế giới nhưng nước nào cũng “chê”: Chúng tôi không phải bãi rác của Mỹ!

30/12/2021 13:45 PM | Xã hội

Nghiên cứu cho thấy xuất khẩu sang khu vực tăng gấp đôi vào năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng khi Mỹ đầu tư vào các nhà máy tái chế.

Các tổ chức môi trường trên khắp châu Mỹ Latinh đã kêu gọi Mỹ giảm xuất khẩu chất thải nhựa sang khu vực này, sau một báo cáo cho thấy Mỹ tăng gấp đôi xuất khẩu sang một số nước trong khu vực trong 7 tháng đầu năm 2020.

"Thủ phạm" tạo ra rác thải nhựa nhiều nhất thế giới

Theo một báo cáo đệ trình lên chính phủ liên bang đầu tháng 12, Mỹ chính là "thủ phạm" thải ra nhiều rác thải nhựa nhất. Sự ra đời của chất dẻo giá rẻ và đa năng đã tạo ra một "cơn đại hồng thuỷ rác thải nhựa" trên quy mô toàn cầu và nước Mỹ là quốc gia đóng góp hàng đầu.

Trên toàn thế giới, ít nhất 8,8 triệu tấn rác thải nhựa thải vào môi trường biển mỗi năm, tương đương với việc mỗi phút có một xe rác chứa đầy nhựa đổ ra biển. Rác thải nhựa ở Mỹ cũng tăng mạnh từ năm 1960. Quốc gia này hiện tạo ra khoảng 42 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tương đương mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải. Con số này nhiều hơn tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu cộng lại.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tái chế không bắt kịp tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nhựa. Việc xả rác, đổ rác và xử lý chất thải không hiệu quả đã khiến 2,2 triệu tấn nhựa "rò rỉ" ra môi trường mỗi năm, bao gồm chai nhựa, ống hút, bao bì... Cùng với đó, Mỹ cũng là quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới.

Margaret Spring, giám đốc khoa học và bảo tồn tại tổ chức phi lợi nhuận Monterey Bay Aquarium cho biết: "Rác thải nhựa là một cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội mà Mỹ cần giải quyết dứt điểm từ nguồn thải cho đến biển".

Bà Spring cho biết rác thải nhựa do Mỹ thải ra để lại rất nhiều hậu quả, gây tác động đến môi trường sống các cộng đồng nội địa và ven biển, gây ô nhiễm môi trường và đặt gánh nặng kinh tế lên các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.

 Mỹ xuất khẩu một thứ nhiều nhất thế giới nhưng nước nào cũng “chê”: Chúng tôi không phải bãi rác của Mỹ!  - Ảnh 1.

Một người phụ nữ kéo một chiếc xe đẩy chất đầy túi rác đồ tái chế trên đường phố ở New York. Ảnh: Getty Images

Không quốc gia nào muốn trở thành "bãi rác" của Mỹ

Mặc dù đã giảm đáng kể tổng lượng xuất khẩu từ năm 2015, Mỹ hiện vẫn là nhà xuất khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới. Trung Quốc trước đây là nhà nhập khẩu rác thải nhựa hàng đầu hiện cho biết họ "không còn muốn trở thành bãi rác của thế giới" và bắt đầu đặt ra các hạn chế. Ở những nơi khác trên thế giới, nhập khẩu rác thải nhựa đang tăng lên, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh với lao động rẻ và gần với Mỹ nhất.

Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Last Beach Cleanup, một nhóm vận động bảo vệ môi trường có trụ sở tại California, hơn 75% lượng rác thải nhựa nhập khẩu được đưa đến Mexico. Quốc gia này đã nhận hơn 32.650 tấn rác thải nhựa từ Mỹ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020. El Salvador đứng thứ hai với 4.054 tấn và Ecuador đứng thứ ba với 3.655 tấn.

Trong khi các chất thải độc hại nhập khẩu phải chịu thuế quan và các hạn chế, rác thải nhựa hiếm khi phải tuân thủ điều này. Từ tháng 1/2021, rác thải nhựa tái chế sẽ không bị coi là nguy hại theo luật quốc tế. Nhưng khi vào các nước nhập khẩu, rác thải nhựa lại chỉ kết thúc ở những bãi rác, theo một nghiên cứu của Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế đốt rác (Global Alliance on Incinerator Alternatives - GAIA).

Một báo cáo của GAIGA công bố vào tháng 7 cũng dự đoán sự tăng trưởng trong lĩnh vực rác thải nhựa của Mỹ Latinh, do các công ty ở Mỹ và Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy tái chế trên khắp khu vực để xử lý nhựa xuất khẩu của Mỹ.

Một số người coi hoạt động này như một hình thức của chủ nghĩa thực dân môi trường. Fernanda Solíz, giám đốc lĩnh vực sức khoẻ tại Đại học Simón Bolívar ở Ecuador, nói rằng châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean không phải sân sau của Mỹ. "Chúng tôi là lãnh thổ có chủ quyền và chúng tôi yêu cầu tôn trọng các quyền về thiên nhiên và con người của chúng tôi", Solíz nói.

 Mỹ xuất khẩu một thứ nhiều nhất thế giới nhưng nước nào cũng “chê”: Chúng tôi không phải bãi rác của Mỹ!  - Ảnh 2.

Nhựa tái chế từ chai lọ tại một nhà máy tái chế gần Nairobi, Kenya. Ảnh: RT

Vào tháng 5/2019, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý ngăn chặn dòng rác thải nhựa từ các nước phát triển ở phía bắc bán cầu sang các quốc gia nghèo hơn ở phía nam. Theo sửa đổi về nhựa trong Công ước Basel, rác thải nhựa từ các tổ chức tư nhân ở Mỹ bị cấm xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển nếu không có sự cho phép của chính quyền địa phương.

Nhưng nghiêm trọng hơn, Mỹ đã không phê chuẩn thoả thuận và bị cáo buộc tiếp tục đổ chất thải của mình sang các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm châu Phi, Đông Nam Á, Mỹ Latinh.

Camila Aguilera, người phát ngôn của GAIGA cho biết: "Các chính quyền địa phương thất bại ở hai khía cạnh. Thứ nhất là việc kiểm tra hải quan vì chúng ta không biết những gì được nhập khẩu dưới vỏ bọc tái chế. Họ cũng không thực hiện được cam kết với các hiệp định quốc tế như Công ước Basel".

Theo Aguilera, điều quan trọng là phải xem có gì có thể tái chế, bởi vì tái chế được coi là điều tốt. Nhưng các quốc gia ở phía bắc bán cầu coi tái chế là điều đáng tự hào trong khi quên mất tầm quan trọng của việc thiết kế lại sản phẩm và giảm thiểu chất thải.

Tham khảo The Guardian

Khánh Ly

Cùng chuyên mục
XEM