Mỹ và đồng minh đua nhau trừng phạt Nga, IMF cảnh báo hậu họa với kinh tế toàn cầu

06/03/2022 14:00 PM | Xã hội

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không chỉ có tác động 1 chiều tới Moscow mà cũng tạo ra "những ảnh hưởng nghiêm trọng" đến kinh tế toàn cầu.

Hôm 5/3, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết ban điều hành họ sẽ họp bàn về khoản trợ cấp 1,4 tỷ USD cho Ukraine vào đầu tuần tới. Cơ quan này nói thêm các quốc gia có quan hệ kinh tế gắn liền với Nga cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt và gián đoạn nguồn cung. Họ cũng đang đàm phán với nước láng giềng Moldova của Ukraine để có thể đưa ra các lựa chọn cho viện trợ.

"Xung đột đang xảy ra và các lệnh trừng phạt đi kèm cũng sẽ có tác động nghiêm trọng tới kinh tế toàn cầu", IMF nhấn mạnh.

Trong cuộc họp 1 ngày trước, IMF cũng khẳng định đã có hậu quả kinh tế nghiêm trọng trong khu vực. Giá năng lượng và lúa mì đã tăng mạnh, cộng thêm tác động của lạm phát từ đại dịch và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Tác động từ các cú sốc về giá sẽ ngày càng lan rộng trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là với các hộ gia đình nghèo, những người mà lương thực và nhiên liệu chiếm tỷ trong cao trong toàn bộ chi phí. Nếu xung đột leo thang, thiệt hại kinh tế sẽ ngày càng trầm trọng hơn", IMF nói.

Cơ quan này cũng khẳng định tác động từ các lệnh trừng phạt mà phương Tây và đồng minh nhằm vào Nga cũng sẽ lan sang các nước khác. Theo đó, cơ quan quản lý tiền tệ của mọi quốc gia trên thế giới đều phải theo dõi cẩn thận tình hình giá cả leo thang ở quốc gia của mình và cần đưa ra những chính sách để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Trong khi đó, IMF cũng cảnh báo Ukraine sẽ phải đối mặt với chi phí đáng kể để có thể tái thiết. Theo đó, xung đột đã khiến cơ sở hạ tầng của quốc gia này bị tàn phá đáng kể. Hồi đầu tuần, IMF cho biết quốc gia này có thể được giải ngân 2,2 tỷ USD từ nay tới tháng 6 trong khuôn khổ một thỏa thuận dự phòng đã được phê duyệt trước đó.

Xung đột Nga – Ukraine kết hợp với các biện pháp trừng phạt của phương Tây cùng động thái trả đũa của Moscow đã khiến hàng loạt những loại hàng hóa tăng giá phi mã, trong đó khủng khiếp nhất là giá dầu và giá khí đốt. Dầu Brent hiện đang được giao dịch với 118 USD/thùng. Dầu WTI cũng đã tăng lên 115 USD/thùng. Giá khí đốt tự nhiên cũng đã tăng vọt.

Vàng, bạc, đồng, platinum cũng lũ lượt tăng giá. Các kim loại khác, vốn do Nga và Ukraine đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu, cũng đang tăng giá mạnh. Giới đầu tư lo ngại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ khiến những mặt hàng này trở nên thiếu trầm trọng.

Ngoài ra, các mặt hàng nông sản, trong đó có lúa mì, cũng đang tăng giá không ngừng khi Nga và Ukraine là những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới. Các mặt hàng này không chỉ được xuất khẩu tới châu Âu mà còn tới nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực.

Ở diễn biến gần đây, Nga cho biết họ đang tính đến việc tạm ngừng xuất khẩu phân bón cho đến khi các dịch vụ vận chuyển trong và ngoài nước Nga được nối lại bình thường. Động thái này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá lương thực toàn cầu, tác động trực tiếp tới bữa ăn của những gia đình nghèo.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM