Mỹ thêm hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen
Chính phủ Mỹ hôm 24-11 thông báo bổ sung 12 công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại vì lý do an ninh quốc gia cũng như những lo ngại về chính sách đối ngoại.
Những công ty bị thêm vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, gọi chính thức là danh sách thực thể, bao gồm các công ty máy tính lượng tử, công ty bán dẫn và các doanh nghiệp Trung Quốc "đóng góp vào các hoạt động hạt nhân không an toàn của Pakistan".
Khi ở trong danh sách này, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị ngăn chặn mua nguyên vật liệu và thiết bị từ doanh nghiệp Mỹ. Cụ thể theo kênh CNBC, 8 công ty công nghệ có trụ sở tại Trung Quốc bị nghi là giúp đỡ quân đội Trung Quốc trong việc nghiên cứu máy tính lượng tử.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, một số công ty bị thêm vào danh sách đen còn hỗ trợ cho "các ứng dụng chống tàu ngầm và tàng hình chống tàu ngầm, cũng như khả năng phá mã hóa hoặc mã hóa" của quân đội Trung Quốc.
Mỹ thêm 12 công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Ảnh: Bloomberg
Giới chức Mỹ lâu nay cho rằng các công ty Trung Quốc thay mặt quân đội nước này thu thập thông tin nhạy cảm. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc khẳng định không tham gia vào hoạt động gián điệp công nghiệp.
Bộ Thương mại Mỹ cũng liệt kê thêm 16 tổ chức và cá nhân hoạt động ở Trung Quốc và Pakistan vì đã đóng góp vào các hoạt động hạt nhân hoặc chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan. Tổng cộng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bổ sung thêm 27 tổ chức và cá nhân ở Trung Quốc, Pakistan, Nga, Nhật Bản và Singapore vào danh sách đen.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: "Thương mại toàn cầu nên hỗ trợ hòa bình, thịnh vượng và việc làm được trả lương cao, chứ không phải các rủi ro an ninh quốc gia. Bộ Thương mại cam kết sử dụng hiệu quả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ".
Bà Gina Raimondo nói rằng danh sách đen bổ sung sẽ ngăn chặn việc công nghệ của Mỹ bị sử dụng để hỗ trợ sự phát triển quân sự Trung Quốc và Nga, cũng như các hoạt động không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. Ảnh: Nikkei
Tờ South China Morning Post nhận định động thái diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Biden báo động công khai về một số tiến bộ quân sự nhanh chóng của Bắc Kinh, nhất là vụ thử tên lửa siêu thanh có khả năng hạt nhân bất ngờ.
Chính quyền ông Biden, giống như chính quyền người tiền nhiệm Donald Trump, cố gắng ngăn cản các doanh nghiệp và nhà đầu tư Mỹ hỗ trợ cho ngành công nghiệp - quân sự của Trung Quốc.
Ông Jacob Stokes, thành viên một tổ chức tư vấn ở Washington, cho biết vụ thử tên lửa siêu thanh nhấn mạnh "những nguy cơ trong cuộc chạy đua công nghệ-quân sự giữa hai siêu cường".
Ông Jacob nói: "Là một phần của cuộc cạnh tranh đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang cố gắng cắt đứt dòng chảy các công nghệ quan trọng đến Trung Quốc, thông qua các kênh thương mại".
Ngoài các lệnh trừng phạt hôm 24-11, Washington đã ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần của các công ty liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và đã thêm một loạt công ty Trung Quốc khác vào danh sách thực thể.
Ông Lưu Bằng Vũ, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, tuyên bố Trung Quốc "kiên quyết phản đối" các hành động của chính phủ Mỹ nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc. Ông nhấn mạnh Mỹ nên "ngừng lạm dụng hoặc phóng đại khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp các doanh nghiệp Trung Quốc".