Mỹ: Giá các loại nguyên liệu thô từng 'hot' nhất thị trường đã hạ nhiệt - tín hiệu đáng tin cậy cho thấy lạm phát đã qua đỉnh?

05/07/2022 15:09 PM | Kinh doanh

Giá các loại nguyên liệu thô - ngô, lúa mì, đồng và các hàng hoá khác, đang sụt giảm. Xu hướng này đang "thắp"lên hy vọng về áp lực lạm phát có thể đã bắt đầu hạ nhiệt.

Sau khi tăng hơn 60%, giá khí đốt tự nhiên đã giảm 3,9% ở thời điểm kết thúc quý II. Dầu thô Mỹ cũng giảm từ mức cao trên 120 USD/thùng xuống còn 106 USD. Trong khi đó, lúa mì, ngô và đậu nành đều rẻ hơn so với thời điểm cuối tháng 3. Bông rớt giá 1/3 so với thời điểm đầu tháng 5. Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng và gỗ xẻ ở Mỹ lần lượt giảm 22% và 31%. Rổ chỉ số theo dõi các kim loại công nghiệp giao dịch trên sàn London ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Nhiều loại nguyên liệu thô vẫn giữ mức giá cao so với lịch sự. Ngoài ra, những vấn đề về cung và cầu - từ vụ cháy tại một nhà ga xuất khẩu khí đốt ở Texas cho đến thời tiết thuận lợi hơn đối với hoạt động trồng trọt, là yếu tố đằng sau xu hướng sụt giảm này. Song, một số nhà đầu tư đang bắt đầu coi sự đảo chiều này là dấu hiệu cho thấy nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed đã phần nào phát huy hiệu quả.

Louis Navellier - CIO của hãng quản lý tài sản Navellier & Associates, nhận định: "Giá hàng hóa hạ nhiệt là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lạm phát đã bớt căng thẳng."

Hàng hóa là lĩnh vực thu hút sự chú ý lớn của Phố Wall - nơi nhà đầu quan tâm đặc biệt đến diễn biến nguyên liệu thô để theo dõi lạm phát. Theo đó, nhà đầu tư đã rót tiền vào lĩnh vực này để "bảo vệ" danh mục của mình trước tác động của tình trạng giá cả tăng cao.

Cổ phiếu của các công ty hàng hóa được coi là một trong số ít "hầm trú ẩn" của nhà đầu tư vào nửa đầu năm tồi tệ nhất của TTCK trong hơn 5 thập kỷ. Dù từng sụt giảm mạnh trong quý I, cổ phiếu các nhà sản xuất dầu ExxonMobil và Occidental Petroleum đã kết thúc nửa đầu năm nay với mức tăng lần lượt là 40% và 103%. Nhà sản xuất phân bón Mosaic tăng 20% và hãng sản xuất ngũ cốc Acher Daniels Midland tăng 15%.

Mỹ: Giá các loại nguyên liệu thô từng hot nhất thị trường đã hạ nhiệt - tín hiệu đáng tin cậy cho thấy lạm phát đã qua đỉnh? - Ảnh 1.

Diễn biến của hợp đồng tương lai các loại hàng hoá trong quý II.

Tuần này, nhà đầu tư sẽ phân tích biên bản cuộc họp ngày 14-15/6 của Fed để tìm kiếm "manh mối" về tốc độ điều chỉnh lãi suất trong thời gian còn lại của năm. Fed đang nỗ lực kiềm chế lạm phát cao nhất kể từ đầu những năm 1980 bằng cách hạ nhiệt nhu cầu mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Các trader và nhà phân tích nhận định, việc một số loại hàng hóa giảm giá có thể là do nhóm nhà đầu tư từng đổ xô vào thị trường này rút lui. Chiến lược gia hàng hóa của JPMorgan - Tracey Allen, cho biết thị trường hàng hóa tương lai chứng kiến dòng vốn outflow trị giá 15 tỷ USD trong tuần kết thúc ngày 24/6. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp thị trường này bị rút vốn và đẩy dòng outflow trong năm nay lên 125 tỷ USD - vượt qua mức kỷ lục của năm 2020.

Craig Turner - nhà môi giới hàng hóa của StoneX Group, cho biết: "Tôi không rõ liệu các chính sách của Fed có khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hay không. Tuy nhiên, đó là điều mà ngày càng nhiều nhà quản lý tài sản dự đoán."

Phần lớn nguyên nhân khiến giá hàng hóa tăng là nguồn cung hạn chế sau thời kỳ đại dịch, các vấn đề về thời tiết khiến sản lượng sụt giảm và hàng tồn kho cạn kiệt, cùng với đó là mâu thuẫn Nga - Ukraine. Hiện tại, những áp lực này đã giảm bớt dù cú sốc nguồn cung vẫn khiến giá cả tăng cao.

Tuần trước, EIA cho biết sản lượng dầu tại Mỹ đạt trung bình 12,1 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 24/6, cao nhất kể từ tháng 4/2020 khi nền kinh tế suy thoái và các nhà sản xuất đóng cửa giếng khoan.

Mỹ: Giá các loại nguyên liệu thô từng hot nhất thị trường đã hạ nhiệt - tín hiệu đáng tin cậy cho thấy lạm phát đã qua đỉnh? - Ảnh 2.

Giá các loại hàng hoá "hot" nhất trong thời gian vừa qua đã giảm bớt.

Vụ hỏa hoạn diễn ra vào tuần trước tại một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ cũng khiến lượng nhiên liệu và nguyên liệu sản xuất đối với thị trường nội địa tăng lên. Theo đó, mối lo về tình trạng thiếu hụt năng lượng vào mùa đông cũng giảm bớt.

Thời tiết thuận lợi hơn đối với hoạt động trồng trọt ở Mỹ, châu Âu và Úc đang làm tăng hy vọng về việc mùa màng bội thu có thể bù đắp cho sự thiếu hụt lúa mì, ngô và dầu thực vật. Giá ngũ cốc và hạt dầu đã tăng sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine xảy ra, nhưng đã giảm trở lại hoặc thấp hơn mức trước khi căng thẳng giữa 2 nước leo thang.

Trong khi đó, lãi suất thế chấp tăng đã giúp hạ nhiệt thị trường xây dựng nhà ở mới và giảm giá gỗ xẻ. Các quy định phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt ở Trung Quốc cùng thói quen chi tiêu của người Mỹ thay đổi đã làm giảm triển vọng đối với nhu cầu bông và đồng.

Trong bối cảnh này, một số người vẫn coi hàng hóa là khoản đặt cược an toàn trước 1 năm không mấy thuận lợi với cổ phiếu và trái phiếu. Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết lượng hàng tồn kho trên thế giới vẫn ở mức thấp. Họ dự đoán rổ chỉ số theo dõi hàng hóa sẽ ghi nhận tỷ suất sinh lời là 10% vào cuối mùa hè và 5% vào cuối năm nay.

Tham khảo WSJ

Theo Vu Lam

Cùng chuyên mục
XEM