Mỹ đang đối mặt cuộc khủng hoảng 1,6 nghìn tỷ USD nợ học phí cao chưa từng thấy trong lịch sử

16/06/2020 15:48 PM | Xã hội

Các cuộc khảo sát cho thấy gánh nặng học phí đã khiến 21% số sinh viên vay nợ trì hoãn kết hôn, 26% hoãn sinh con và 36% chưa mua nhà vội.

Theo hãng tin CNBC, khoảng 44 triệu người Mỹ đang nợ tới hơn 1,6 nghìn tỷ USD tiền học phí và con số này vẫn đang tăng lên. Điều trớ trêu là với sự phát triển của công nghệ và tự động hóa, các sinh viên Mỹ ngày càng khó kiếm tiền trả nợ học phí hơn.

Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn có ham muốn kiếm tấm bằng đại học bởi sự bất bình đẳng thu nhập. Những lao động có bằng đại học kiếm nhiều hơn 80% so với những lao động chỉ tốt nghiệp cấp 3.

Hệ quả là hiện nay lao động Mỹ phải đối mặt với 2 lựa chọn: chấp nhận vay nợ học phí để còng lưng trả nợ hay bỏ lỡ cơ hội kiếm những việc làm béo bở cần bằng cấp.

Mỹ đang đối mặt cuộc khủng hoảng 1,6 nghìn tỷ USD nợ học phí cao chưa từng thấy trong lịch sử - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế đã đánh giá việc sinh viên Mỹ nợ học phí quá nhiều đang trở thành một cuộc đại khủng hoảng cho thị trường lao động. Thế nhưng với đại dịch Covid-19, cuộc khủng hoảng này có thể nâng tầm lên một mức nguy hiểm mới chưa từng có khi hơn 42,6 triệu người Mỹ thất nghiệp trong tháng 2/2020.

Kể từ cuộc khủng hoảng 2008 đến nay, học phí đại học đã tăng 25% và tổng nợ của giới sinh viên Mỹ đã tăng 107% bất chấp nền kinh tế đang dần hồi phục. Ngày càng nhiều lao động Mỹ đang vướng phải vòng quay nợ học phí kiếm bằng để rồi cố gắng lao động trả nợ cả đời.

Những con nợ ra trường

Hiện hơn 20 triệu sinh viên Mỹ đang tham gia chương trình giáo dục đại học, một hệ thống đã tồn tại hơn 100 năm tại Mỹ.

Theo Giáo sư David Deming của trường Harvard Kenneedy School, hệ thống giáo dục đại học tại Mỹ trở nên chuyên nghiệp từ khoảng năm 1890 khi sinh viên đến trường không chỉ vì giàu có hoặc nhờ tôn giáo.

Năm 1919, Mỹ mới chỉ có khoảng 598.000 sinh viên theo học đại học. Đến năm 1944, một đạo luật mới được ký nhằm cho phép hàng triệu cựu chiến binh Mỹ trở lại trường đại học miễn phí sau Thế chiến II.

Mỹ đang đối mặt cuộc khủng hoảng 1,6 nghìn tỷ USD nợ học phí cao chưa từng thấy trong lịch sử - Ảnh 2.

Nợ học phí là khoản tín dụng tăng mạnh nhất trong số những khoản nợ của hộ gia đình Mỹ

Đến năm 1958, Chiến tranh lạnh với Liên Xô khiến các nhà lãnh đạo Mỹ lo ngại bị tụt hậu về công nghệ, nhờ đó thúc đẩy Nghị viện thông qua Đạo luật giáo dục quốc phòng. Kể từ đây, chương trình cho sinh viên vay cũng như nhiều quỹ học bổng trích từ ngân sách được thành lập.

Vào năm 1965, chính phủ Mỹ tiếp tục thúc đẩy các chương trình cho vay giáo dục trong cuộc chiến chống đói nghèo sau những cuộc khủng hoảng kinh tế và bất ổn địa chính trị.

Trong khoảng thời gian này, chi phí học đại học còn thấp và ngày càng nhiều người Mỹ vay nợ để lấy bằng cấp. Sự phát triển của kinh tế ngày càng đòi hỏi lao động nâng cao trình độ.

Thế rồi cuộc cải cách thuế thập niên 1980 diễn ra làm giới hạn khả năng chi ngân sách của từng bang. Hệ quả là các khoản vay ưu đãi cũng như học bổng bị cắt giảm mạnh, đẩy chi phí giáo dục tăng dần qua từng năm.

Trong khoảng 1980-1981, bình quân mỗi sinh viên phải tiêu tốn đến 17.410 USD để học trường đại học tư và 7.900 USD nếu học trường công. Đến năm 1990, con số này tăng lên tương ứng 26.050 USD và 9.800 USD.

Trước tình hình học phí tăng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ thúc đẩy các chương trình học online cũng như mở rộng nhiều hệ đào tạo cho các trường đại học, tổ chức giáo dục. Nhờ vậy trong khoảng 2000-2010, số sinh viên tham gia các chương trình đào tạo của những tổ chức giáo dục đã tăng 329% tại Mỹ.

Thế rồi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra và các trường đại học lại bị ảnh hưởng một lần nữa. Chi phí giáo dục và vay nợ đại học lại tăng lên. Dù nền kinh tế Mỹ đã hồi phục dần từ cuộc khủng hoảng 2008 nhưng hệ thống giáo dục vẫn chưa hồi lại như trước khi cuộc khủng hoảng diễn ra.

Năm 2018, ngân sách tài trợ cho đại học của các bang ít hơn 7 tỷ USD cho với năm 2008.

Mỹ đang đối mặt cuộc khủng hoảng 1,6 nghìn tỷ USD nợ học phí cao chưa từng thấy trong lịch sử - Ảnh 3.

Trong năm học 2019-2020, mức học phí của sinh viên sống tại bang đó ở trường công là 21.950 USD/năm, sinh viên từ bang khác đến là 38.330 USD/năm, cho trường tư là 49.870 USD/năm.

Với khoản học phí khổng lồ trên, bình quân mỗi sinh viên Mỹ ra trường phải gánh khoản nợ lên đến 29.000 USD.

Từ nợ học phí đến chậm sinh con

Chuyên gia kinh tế Nicole Smith của trường đại học Georgetown University cho biết những sinh viên thập niên 1960-1970 có thể trả nợ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua làm thêm kỳ nghỉ hè. Đến khi tốt nghiệp, hầu hết các sinh viên này đều không nợ nần hoặc chỉ nợ vài nghìn USD và tiêu tốn vài năm lao động để trả.

Ngày nay, hơn 30% số sinh viên nợ tiền học phí lâm vào cảnh vỡ nợ, trả chậm hoặc không có khả năng thanh toán nợ trong vòng 6 năm từ khi tốt nghiệp. Tệ hơn, những khoản nợ này kìm hãm sự phát triển của một bộ phận lao động tri thức Mỹ.

Thậm chí, các cuộc khảo sát cho thấy gánh nặng học phí đã khiến 21% số sinh viên vay nợ trì hoãn kết hôn, 26% hoãn sinh con và 36% chưa mua nhà vội.

Đối với nhiều sinh viên, khoản vay nợ học phí khổng lồ khiến họ trải qua từng ngày lo âu, mệt mỏi bởi mỗi học kỳ đều phải cố gắng kiếm đủ tiền cho học kỳ sau.

Tại nhưng trường đại học như Columbia University, mức học phí vào khoảng 83.293 USD và để nhận được các khoản vay ưu đãi, học sinh sẽ phải thanh toán ít nhất 23.000 USD học phí.

"Đây là lần đầu tiên trong lịch sử sinh viên Mỹ nợ học phí nhiều đến vậy. Con số 1,6 nghìn tỷ USD là một con số đáng nói nếu so với 20 nghìn tỷ USD GDP của cả nước", chuyên gia Smith nhận định.

AB

Cùng chuyên mục
XEM