Mưu sinh dọc dòng sông "chết" ở Bangladesh

24/04/2023 11:18 AM | Xã hội

Con sông Buriganga bị ô nhiễm đến mức dòng nước luôn trong tình trạng đen kịt và bốc mùi hôi thối, trừ những khi lũ tràn về cuốn trôi rác thải.

Bangladesh là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng người dân địa phương và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho rằng ngành công nghiệp đang bùng nổ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm hệ sinh thái của dòng sông Buriganga. Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo, với sự phát triển của ngành thời trang may mặc, Bangladesh đã phải trả một cái giá khôn lường khi thuốc nhuộm độc hại, axit thuộc da và các hóa chất nguy hiểm khác xâm nhập vào nguồn nước, biến con sông huyết mạch thành một dòng sông chết.

Hai thập kỷ trước, ông Mohammad Jahid kiếm sống bằng nghề chèo thuyền trên sông Buriganga. Con sông chảy về phía Tây Nam của Dhaka và từng là huyết mạch của thủ đô Bangladesh, giờ đây hầu như không còn cá và nước ô nhiễm từ rác thải công nghiệp và con người đổ thẳng ra sông. Nhưng những người lao động nghèo vẫn buộc phải sử dụng nước từ con sông này cho sinh hoạt hàng ngày.

Anh Mohammad Mohin Uddin - Công nhân: "Tôi làm công nhân chất và dỡ hàng hóa lên phà tại cảng Sadarghat, tôi không có nơi nào để ở hay tắm rửa. Đó là lý do tại sao tôi tắm ở dòng sông này".

Mưu sinh dọc dòng sông chết ở Bangladesh - Ảnh 1.

Ông Mohammad Jahid - Người lái thuyền: "Hồi đó nước sạch, chúng tôi có thể dùng để ăn uống, tắm rửa, bây giờ nước đã đen kịt. Khoảng thời gian này trong năm, 80% chúng tôi gặp vấn đề về mắt nếu dùng nước từ sông. Mắt chúng tôi đỏ hoe, sưng lên và không thể nhìn rõ".

Sông Buriganga bị ô nhiễm đến mức dòng nước luôn trong tình trạng đen kịt và bốc mùi hôi thối quanh năm, trừ những khi lũ tràn về cuốn trôi rác thải. Nước thải chưa được xử lý, sản phẩm phụ của quá trình nhuộm vải và chất thải hóa học khác từ các nhà máy nằm gần sông và ở thượng nguồn đổ thẳng vào sông Buriganga hàng ngày. Polythene và nhựa cũng chất đống dưới lòng sông, khiến lòng sông trở nên nông hơn.

Ông Mohammad Azaz - Trung tâm nghiên cứu sông và đồng bằng, Thủ đô Dhaka cho biết: "Chúng tôi thấy có một nhà máy xử lý nước do Cơ quan Cấp thoát nước Dhaka điều hành và nó rất gần với sông Buriganga. Cho đến bây giờ, sông Buriganga đang phải hứng chất thải từ hệ thống 250 cống thoát nước, nhưng nếu mạng lưới cống thoát nước này được chuyển đến nhà máy xử lý nước thì có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm nước thải đổ trực tiếp ra sông".

Bangladesh đã ban hành luật vào năm 1995 bắt buộc tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp phải sử dụng các nhà máy xử lý nước thải nhằm cứu các dòng sông khỏi bị ô nhiễm, nhưng các chủ sở hữu công nghiệp thường phớt lờ quy định này. Quốc gia Nam Á có 140 triệu dân với khoảng 220 con sông lớn nhỏ, phần lớn dân số ngày ngày vẫn trực tiếp hoặc gián tiếp sống bên cạnh những dòng sông ô nhiễm để mưu sinh và đi lại.

Theo Nguyễn Mai

Cùng chuyên mục
XEM