Muốn thăng tiến trong sự nghiệp, hãy nằm lòng 6 bí quyết sau

02/08/2017 07:30 AM | Sống

Có một số quy tắc vàng để trở thành một nhân viên hoàn hảo: Luôn chân thành, hoàn thành xuất sắc mọi việc được giao và thấu hiểu sếp.

Một nghiên cứu vừa được công bố của Ergonomics nhận thấy một môi trường làm việc tiêu cực sẽ khiến tỷ lệ bỏ việc cao, trong khi các nhà nghiên cứu của Đại học New York phát hiện hiệu suất làm việc của nhân viên có liên hệ trực tiếp với mối quan hệ của anh ta/cô ta với sếp của mình.

Hàng trăm nghiên cứu đã cho thấy sự hài lòng với công việc có liên hệ trực tiếp với sức khỏe. Mà mối quan hệ của bạn với sếp lại là nhân tố quan trọng quyết định bạn có vui vẻ, hạnh phúc với công việc hay không.

Nếu như quan hệ giữa bạn và sếp hiện đang không suôn sẻ lắm, dưới đây chính là 6 chiến lược hữu ích:

Luôn đặt mình vào vị trí của sếp

Thay vì liên tục đặt câu hỏi về việc sếp có thể làm gì cho mình, hãy thử nghĩ ngược lại rằng bạn có thể làm gì để công việc của sếp được dễ dàng hơn. Hầu hết nhân viên đều nghĩ về việc họ sẽ nhận được gì từ công việc này, từ sếp của mình, thay vì họ có thể cống hiến gì cho công việc và hỗ trợ cho sếp. Tuy nhiên, giới lãnh đạo luôn đánh giá cao những nhân viên biết đặt mình vào vị trí của sếp và công ty.

"Có nhiều khía cạnh trong công việc mà bạn không biết, hoặc không có cơ hội nhìn thấy, vì thế, đừng luôn nghĩ rằng mình đúng. Đôi khi sếp làm vậy là có lý do riêng, thấu hiểu cho sếp là một điều cần thiết, Sandy Mazur, Giám đốc ban tại hãng tuyển dụng và nhân sự Spherion khuyến nghị.

Chân thật và trao đổi

"Những nhân viên khiến tôi thích nhất là người chân thật: Không ném đá sau lưng, không bao biện, không chơi xấu”, bà Nicole Caldwell, biên tập viên của CNBC kiêm chủ một doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ cho biết.

Thành thật với sếp còn có nghĩa là thoải mái đưa ra và tiếp nhận những ý kiến phê bình có tính chất xây dựng. Nên nhớ rằng sếp là người hướng dẫn bạn và trách nhiệm của ông ấy/bà ấy là gây sức ép để bạn hoàn thiện hơn. Tuy vậy, mọi phản hồi nên là hai chiều. Lãnh đạo luôn trân trọng khi bạn nêu ra những lo ngại chính đáng.

Tận dụng mọi cơ hội để giao thiệp

Nếu công ty bạn thường xuyên tổ chức các sự kiện ngoại khóa để mọi nhân viên có thể làm quen, kết giao với nhau, đừng ngại ngần tham gia. Đó chính là cơ hội tuyệt vời để bạn vun đắp một "tình bạn” với sếp.

Các bữa tiệc công ty, các giải đấu thể thao… sẽ giúp loại bỏ mọi tâm lý xa cách, ngại ngùng giữa các đồng nghiệp với nhau. Chúng cũng cho phép bạn hiểu thêm về con người, tính cách của sếp bên ngoài môi trường văn phòng.

Lời khuyên đưa ra là hãy lựa chọn những chủ đề nhẹ nhàng cho mọi cuộc trò chuyện. Đừng cố gắng bàn luận sâu về những thông tin nội bộ của công ty, hay lợi dụng các bữa tiệc để nói xấu một đồng nghiệp khác.

Không nên chia sẻ thái quá

Ngoài việc soi mói quá nhiều đến đời tư của sếp, bạn cũng không nên chia sẻ quá kỹ các thông tin về bản thân mình. Cảm giác thân thiết với sếp rất tuyệt, nhưng hãy cẩn thận với việc quá gần gũi. Nhiều chủ đề vẫn cần hạn chế đề cập trong một mối quan hệ nhân viên/sếp.

"Một lần, một nhân viên nữ muốn tôi đưa ra lời khuyên cho chuyện của cô ấy với bạn trai. Như vậy thật kỳ quặc”, Mike Fishbein, giám đốc marketing tại Alpha kiêm chủ một doanh nghiệp nhỏ kể lại.

Luôn đặt công việc lên đầu

Bạn có thể là con người đáng yêu nhất trong văn phòng, nhưng sẽ không ông chủ nào thích bạn nếu như chất lượng công việc của bạn tồi tệ. Nếu như bạn muốn có được thiện cảm từ sếp, bước đầu tiên hãy là giành lấy sự tôn trọng của họ. Và cách tốt nhất để làm việc đó chính là đáp ứng vượt mọi kỳ vọng của sếp.

"Hãy làm tất cả để đạt được mục tiêu cuối cùng, thay vì chỉ làm tròn vai những gì được giao”, ông Fishbein khuyến nghị. Một lần, Fishbein giao một nữ nhân viên viết một bài báo, tuy nhiên, cô này đã hỏi ngược sếp rằng liệu chủ đề được chọn có phù hợp với nhãn hiệu của khách hàng hay không. Ý kiến này hoàn toàn xác đáng và thể hiện rõ sự chủ động của nhân viên.

Giành lấy sự tin tưởng của sếp

Giống như bất cứ mối quan hệ nào khác trong cuộc sống, niềm tin là một yếu tố quan trọng trong sợi dây liên kết giữa bạn và sếp. Luôn làm chủ công việc của mình, giúp sếp của bạn an tâm tuyệt đối với những đầu việc đã phân công cho bạn sẽ khiến họ tin tưởng, tín nhiệm bạn.

Bà Polly Rodriguez, CEO của nhãn hiệu sức khỏe phụ nữ Unbound khẳng định một nhân viên nổi bật là người luôn tự hào về công việc của mình và đặt nhu cầu của công ty lên trên nhu cầu cá nhân. "Sự nhiệt tình và tận tụy tạo ra sự chuyên nghiệp”.

Linh Đan

Cùng chuyên mục
XEM