Muốn làm freelancer thì trước hết cái bụng phải no: Tích luỹ sẵn chừng 30 triệu, làm miễn phí vài việc, tìm kỹ xem cái gì có thể kiếm ra tiền

05/02/2020 00:01 AM | Sống

Cái bụng nó no thì hãy tính đến chuyện tự do. Tức là, để nghĩ đến chuyện làm việc tự do, bạn nên có sẵn một khoản tiền nho nhỏ tiết kiệm trước cho bản thân. Khoản tiền này không phải để đầu tư, mà để bạn có thể sống được ít nhất 3-6 tháng trong trường hợp công việc không suôn sẻ và không kiếm thêm được đồng nào.

Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ theo đuổi con đường làm việc tự do hơn, tức là tự mình làm cho mình chứ không thuộc biên chế một công ty nào cả. Làm việc tự do kể ra thì có một đống cái sướng: không bị ai quản, chẳng phải lo đi làm đúng giờ, hứng thì làm mệt thì nghỉ, vừa làm vừa đi du lịch cũng được...

Để giải ảo cho các bạn một chút, đương nhiên để có thể làm việc tự do và sống được với sự tự do đó thì cũng lắm cái rủi ro và khổ lắm, ví dụ: Bạn phải chăm đi gặp gỡ mọi người hơn (để có các mối quan hệ, từ các mối quan hệ mới ra việc mà làm); Bạn phải tự lo hết mọi thứ liên quan đến thuế má bảo hiểm (bình thường làm công ty được lo hết cho rồi); hay bạn cũng chẳng có thưởng lễ, thưởng Tết gì đâu. Chưa kể, làm việc tự do đôi khi cũng cô đơn lắm.

Kể ra cả những điểm tốt và điểm xấu cho cân bằng, nhưng mình biết là chúng ta thường dễ bị thuyết phục bởi cái sướng hơn cái khổ – nên thôi, nếu bạn có ý định làm việc tự do hay trở thành một freelancer, dưới đây là một số thứ bạn cần phải chuẩn bị có này.

1. Tích lũy trước cỡ 30 triệu

Quan điểm khi đi làm của mình là: Cái bụng nó no thì hãy tính đến chuyện tự do. Tức là, để nghĩ đến chuyện làm việc tự do, bạn nên có sẵn một khoản tiền nho nhỏ tiết kiệm trước cho bản thân. Khoản tiền này không phải để đầu tư, mà để bạn có thể sống được ít nhất 3-6 tháng trong trường hợp công việc không suôn sẻ và không kiếm thêm được đồng nào.

Khoản tiền này trong tài chính cá nhân gọi là "Emergency Fund" – quỹ khẩn cấp. Khi bạn bắt đầu có công việc đầu tiên kiếm ra tiền (đi phục vụ bàn chẳng hạn), bạn nên bắt đầu nghĩ ngay đến việc tạo cho bản thân một quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp nên có độ to bằng ít nhất 3 tháng, vừa vừa là 6 tháng hoặc tốt hơn cả là 1 năm khoản chi tiêu hằng tháng của bạn. 

Ví dụ một tháng bạn ở Sài Gòn tiêu tất tật 7 triệu, thì quỹ khẩn cấp nên có khoảng 7×6=42 triệu hoặc 7x12=84 triệu, như thế thì mới có thể yên tâm mà theo đuổi những thứ tự do bản thân mong muốn.

Muốn làm freelancer thì trước hết cái bụng phải no: Tích luỹ sẵn chừng 30 triệu, làm miễn phí vài việc, tìm kỹ xem cái gì có thể kiếm ra tiền  - Ảnh 1.

2. Xác định mục tiêu rõ ràng

Làm việc gì cũng phải có mục tiêu. Chưa chắc mình đã đến được mục tiêu đó, nhưng ít nhất có một cái mốc phía trước để mình bám vào và đi theo thì nó sẽ đỡ bị lệch đường hơn. Ví dụ, ở giữa một sa mạc mênh mông, nếu bảo bạn đi thẳng mà không có cột mốc nào cho bạn nhìn, bạn rất dễ đi lòng vòng – vừa mệt, vừa nản. Với ý định làm việc tự do, bạn nên xác định:

Mình định làm việc tự do cho vui, để có thêm một khoản thu nhập nho nhỏ bên cạnh khoản chính ở công ty mình đang làm? hay mình muốn làm việc tự do toàn thời gian, để không bị quản thúc bởi một ông bà sếp khó tính nào cả? hay mình muốn làm việc tự do như một khoảng thời gian nghỉ, để làm bước đệm cho việc tìm kiếm một công việc ổn định trong thời gian tiếp theo?

Chỉ khi bạn xác định rõ được mục tiêu làm việc tự do của mình là gì, bạn mới có thể vạch ra được lượng thời gian mình muốn bỏ ra cho việc làm việc tự do này.

Ví dụ nếu chỉ làm cho vui, bạn dành thêm mỗi ngày 1-2 tiếng buổi tối hoặc buổi sáng để viết lách hoặc học thêm thiết kế. Nếu đã xác định làm việc tự do toàn thời gian, thì phải xác định bất kỳ thời gian nào trong ngày cũng đang là thời gian làm việc. Nếu chỉ coi làm việc tự do là một bước đệm, bạn định dành bao nhiêu thời gian cho bước đệm này – 1 năm? 2 năm hay chỉ 1 tháng?

Bản thân mình có một nguyên tắc dựa vào lương để quyết định về thời gian làm việc tự do. Mình tự quy định với bản thân mình rằng, mình sẽ chỉ làm việc tự do toàn thời gian nếu mình có thể tự tin kiếm được ít nhất 75% khoản thu nhập mình làm cố định ở một công ty.

3. Xem xem cái gì có thể kiếm ra tiền

Đương nhiên là nhiều người làm việc tự do vì đam mê, nhưng mình tin chắc rằng chúng ta cũng cần phải nghĩ đến tiền. Dù là làm cho vui một hai tiếng mỗi ngày, hay coi nó là một công việc toàn thời gian – chúng ta cũng cần xem xem hiện nay ở ngoài thị trường Việt Nam kia có những gì chúng ta có thể làm tự do, tạm coi là ngồi ở nhà làm mà vẫn kiếm được ra tiền. Thật ra có rất nhiều thứ có thể làm tự do được, ở đây mình liệt kê và nhóm gọn lại trong một số đầu mục đó là:

- Viết: viết blog (lấy tiền từ quảng cáo), viết sách, viết nội dung cho các trang báo, viết sách cho người khác, viết bài quảng cáo, viết bài SEO, nói chung viết là một chân trời bao la công việc. Và không cần phải cứ viết hay như nhà văn thì mới có thể làm được. 

- IT: Mình gom vào nhóm này các kỹ năng liên quan đến Thiết kế 2D, 3D, Website, Coding, vân vân. Mình đánh giá ở Việt Nam có những kỹ năng này sẽ rất có lợi, bởi ngày càng nhiều công ty nho nhỏ mở ra, mà thật ra công ty nào chẳng cần phải có thiết kế rồi website các thứ.

Marketing: Nhóm này mình dành cho các bạn có chuyên môn về Marketing. Có thể kể đến như chạy quảng cáo Facebook, YouTube, làm kế hoạch và triển khai Marketing theo dự án, kiếm tiền từ việc ăn hoa hồng các sản phẩm bán hàng online (affiliate marketing), vân vân. 

Dịch thuật: Có một chút dính tới nhóm viết là bạn dịch sách, dịch nội dung. Một phần khác có thể là dịch sự kiện, hướng dẫn viên du lịch, bất kỳ cái gì dùng đến ngôn ngữ. 

Dạy học: cái này đúng ra cũng có thể để vào việc dịch ở trên, do cá nhân mình thấy ở thời điểm mình viết bài này việc dạy học online vẫn tiếng Anh là nhiều. Tuy nhiên bạn cứ hiểu là, bất kỳ thứ gì bạn giỏi, ngoài kia có người có nhu cầu, bạn hoàn toàn có thể dạy online.

Trợ lý: Đây là thị trường ngách, không nhiều người biết nhưng có rất nhiều nhu cầu. Có những CEO, giám đốc các công ty vừa và nhỏ rất cần trợ lý trong việc sắp xếp lịch, lên kế hoạch này kia – và bạn hoàn toàn có thể làm việc tại nhà. 

v...v..

Sau khi xác định được loại hình sản phẩm nào mà bạn quan tâm và thấy hứng thú, cũng như bản thân thấy tự tin để làm rồi thì bạn mới bắt đầu dành thêm thời gian để nghiên cứu học thêm. Ví dụ để làm mảng viết thì cần học về cách viết bài PR, cách viết nội dung quảng cáo... Để làm trong mảng IT thì cần học thêm thiết kế, coding, làm website...

Muốn làm freelancer thì trước hết cái bụng phải no: Tích luỹ sẵn chừng 30 triệu, làm miễn phí vài việc, tìm kỹ xem cái gì có thể kiếm ra tiền  - Ảnh 2.

4. Portfolio

Nếu đã xác định làm việc tự do, mà thật ra không cần làm việc tự do đâu – ngay bây giờ bạn nên có cho bản thân một cái Portfolio (hồ sơ năng lực). Portfolio hiểu đơn giản là một cái gì đó giúp cho người khác xem và biết được bạn đang làm cái gì, thành tích kết quả ra sao. CV thì chỉ 1-2 trang tóm tắt, nhưng Portfolio là một thứ gì đó dài hơn, nhiều hình ảnh và video hơn. Có người thích làm Portfolio trên website, có người làm trên PowerPoint, ở đâu cũng được, cứ khoe được về bạn là được. 

5. Làm một vài việc miễn phí trước

Để bắt đầu có khách hàng thuê chúng ta làm việc tự do, người ta cần phải biết chúng ta là ai và chúng ta làm được gì trước đã. Chính vì thế, nếu bạn đã có những kinh nghiệm từ trước khi đã làm công ty trong lĩnh vực bạn tính làm việc tự do, thì nhanh chóng tìm lại thông tin về hình ảnh, con số và đưa vào Portfolio nhé. Nếu bạn chưa có tí kinh nghiệm gì cả, thì mình gợi ý là nên bắt đầu bằng việc làm miễn phí trước.

Ví dụ, bạn đang làm Kế toán nhưng thích viết và có dự định theo đuổi làm việc tự do ở mảng viết lách – tuy nhiên trước giờ bạn chưa hề có kinh nghiệm gì cả. Vậy thì việc đầu tiên bạn phải học viết, đương nhiên rồi. Học xong rồi, bạn có thể xin viết miễn phí cho các cửa hàng bán đồ của bạn bè, các trang báo này kia – miễn phí để có thêm tư liệu đưa vào Portfolio của bạn. Khi Portfolio dày dày lên rồi, độ thuyết phục của bạn cho khách hàng trả tiền cũng sẽ tăng lên.

Hi vọng, bạn nào có ý định làm tự do sẽ có những lựa chọn đúng đắn và vừa vặn với bản thân!

Anh Tuấn Lê

Cùng chuyên mục
XEM