Muôn hình vạn trạng chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội
Lừa đảo bán hàng online để chiếm đoạt tài sản, giả danh cơ quan công an, cơ quan điều tra để lừa tiền - các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi.
Liên tiếp thời gian qua, người dân phản ánh về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Đào Thị Trang đã lập ra các tài khoản "Thực Phẩm Đông Lạnh XnK", "Thu Thảo", "Thảo đông lạnh". Trên các trang này, Trang thường xuyên đăng bán các loại thực phẩm đông lạnh với giá rất rẻ. Trang tự in ấn hóa đơn, phiếu xuất kho, sử dụng con dấu giả.
Khi nạn nhân thuê xe đến nhận hàng tại kho, Trang nhờ người chụp hình quá trình bốc hàng rồi gửi qua Zalo cho nạn nhân làm tin. Trang yêu cầu nạn nhân chuyển hơn 500 triệu đồng qua tài khoản ví điện tử của Trang. Nhận được tiền, Trang tắt mọi liên lạc. Toàn bộ quá trình giao dịch mua bán đều thực hiện qua mạng xã hội, cả hai bên chưa hề quen biết nhau.
Với phương thức thủ đoạn trên, Trang còn khai nhận đã thực hiện trót lọt 3 vụ lừa đảo khác với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
"Nữ quái" Đào Thị Trang bị bắt giữ.
2 đối tượng khác vừa bị Công an huyện Văn Chấn, Yên Bái bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua trang mạng xã hội, Hùng đã quen Quyết, sau đó tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Lạng Sơn thông báo cho Quyết đang có liên quan đến vụ án ma túy, yêu cầu Quyết chuyển 90 triệu đồng để "chạy án".
Theo cơ quan điều tra tại các địa phương, khi thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như kết bạn qua mạng xã hội rồi hứa hẹn kết hôn hay gửi tặng quà, làm từ thiện hoặc vay mượn, sau đó yêu cầu bị hại phải nộp thuế, phí để nhận được quà hoặc tiền.
Đối tượng Vũ Mạnh Hùng tại cơ quan công an.
Bên cạnh đó, cũng có vụ lừa đảo với thủ đoạn cũ như giả danh cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án... thông báo nạn nhân liên quan đến một vụ án nào đó, rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt… Các tài khoản này đều là tài khoản ảo nên rất khó cho cơ quan công an khi điều tra xử lý.
Dự báo từ nay đến cuối năm, tội phạm liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng sử dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, gây khó khăn trong công tác điều tra, đấu tranh của các lực lượng chức năng. Chỉ những trường hợp được tố giác, phát hiện kịp thời mới có thể phong tỏa và thu hồi tài sản.
Do đó, khi thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần phải báo ngay cho cơ quan chức năng và điều quan trọng nhất là người dân cần phải cảnh giác với mọi mối quan hệ, thông tin trên môi trường mạng.