Muốn biết con học giỏi hay không, nhìn ngay 4 ĐẶC ĐIỂM này – Cha mẹ thông thái phát hiện sớm để bồi dưỡng cho con!
Trẻ xuất hiện những dấu hiệu sau báo hiệu cho sự thông minh, ham học hỏi, dễ đạt được thành công trong tương lai.
Giáo dục không phải là đẩy mọi đứa trẻ đến cùng một đích đến, mà là dạy chúng biết tự nhìn thấy la bàn của mình và chinh phục biển cả thuộc về mình.
Chúng ta luôn lo sợ con mình sẽ thua ngay từ vạch xuất phát, nhưng chúng ta quên rằng mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một "la bàn" khác nhau. Một số trẻ giống như loài báo gêpa, giỏi chạy nước rút cự ly ngắn; một số trẻ lại như lạc đà thích hợp cho việc di chuyển đường dài; và một số trẻ em là những chú cá heo phát triển mạnh mẽ trong đại dương tri thức.
Giáo dục thực sự không phải là ép một con báo gêpa trở thành một con lạc đà, mà là giúp một con cá heo tìm ra hướng ra đại dương. Chính vì thế, cha mẹ cần nhìn ra những điểm sáng của con và giúp con phát triển tốt.
Dưới đây là 4 dấu hiệu cho thấy trẻ thông minh, ham học hỏi, con đường học vấn xán lạn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chưa thấy con mình xuất hiện các dấu hiệu trên cũng đừng nản, hãy giúp con đi tìm con đường riêng cho mình.

1. Tò mò với mọi thứ
"Mẹ ơi, tại sao bầu trời lại màu xanh?" "Bố ơi, con người đang làm gì khi khủng long tuyệt chủng?",... Có phải bạn thường nghe con hỏi rất nhiều thứ mỗi ngày? Nếu bạn thấy con thắc mắc mọi thứ, đừng bực bôi la mắng. Bởi đây là dấu hiệu đầu tiên báo hiệu con khao khát tìm hiểu kiến thức, có năng khiếu học tập.
Tiểu Bảo, 4 tuổi là một cậu bé từng rất đam mê nghiên cứu về khủng long. Mỗi ngày, cậu luôn đặt những câu hỏi "khó nhằn" cho bố như: "Ai sẽ thắng trong cuộc chiến giữa khủng long bạo chúa và khủng long ba sừng?", "Làm thế nào để nở một con khủng long con từ một quả trứng lại phát triển to lớn như vậy?",...
Thay vì bực tức vì con hỏi nhiều, bố cậu bé đã dẫn con trai đến các bảo tàng ngắm nhìn hóa thạch khủng long và mua sách khoa học động vật cho con. Nhờ vậy, Tiểu Bảo không chỉ trở thành "chuyên gia nhí" về khủng long mà còn am hiểu kiến thức sinh học, động vật. Giờ cậu bé đã tốt nghiệp cấp 2 và có thành tích học rất tốt.

Khi trẻ tò mò về thế giới, não của trẻ sẽ tiết ra dopamine. "Hormone hạnh phúc" này sẽ khiến trẻ càng nghiện hơn khi khám phá. Giống như hoàn thành trò chơi, mỗi khi giải quyết được một vấn đề, trẻ có cảm giác hoàn thành và sẽ chủ động thử thách những kiến thức khó hơn.
Ngoài việc đặt những câu hỏi, đứa trẻ thông minh còn tò mò về mọi thứ xung quanh, thích tháo rời đồ vật, thích kể chuyện và xem phim tài liệu,... Khi thấy con như vậy, cha mẹ đừng nên chỉ giao giảng kiến thức mà hãy đặt những câu hỏi để kích thích sự tò mò cho con: "Con nghĩ sao?", "Con thấy thế nào?",...
2. Thường tập trung cao độ
Sự tập trung chính là "tiền tệ cứng" của việc học. Nghiên cứu từ Đại học Oxford cho thấy trẻ em có khả năng tập trung cao có hiệu quả học tập cao gấp 3 lần so với trẻ em bình thường.
Giống như việc sạc điện thoại di động, một số người vừa chơi vừa sạc và rút cáp khi pin đạt 60%. Nhưng trẻ em có khả năng tập trung cao độ có thể sạc pin tới 100% chỉ trong một lần, khiến tuổi thọ pin của chúng đương nhiên sẽ dài hơn.
Dấu hiệu nhận biết trẻ tập trung cao độ thường là: Liên tục làm bài tập trên 30 phút, mải mê xếp hình đến nỗi không nghe thấy cha mẹ gọi, lắng nghe những câu chuyện từ mọi người và ghi nhớ chi tiết,...
Khi thấy con đang tập trung, cha mẹ đừng làm phiền con, ngắt lời con, hãy để con có không gian riêng. Cha mẹ cũng có thể cùng con chơi những trò chơi rèn luyện sự tập trung mỗi ngày để con phát huy.
Sự tập trung không phải là sự ép buộc mà là sự tập trung được bảo vệ. Giống như việc bảo vệ ngọn lửa, nếu gió quá mạnh, ngọn lửa sẽ tắt, còn nếu bạn che quá chặt, ngọn lửa cũng không thể duy trì lâu. Hãy tìm ra "điểm bùng nổ" của con bạn, và sự tập trung của bé sẽ tự nhiên bùng cháy.

3. Có khả năng phục hồi mạnh mẽ
Một nghiên cứu tiếp theo của Đại học Harvard phát hiện ra rằng trẻ em có khả năng phục hồi mạnh mẽ sẽ có thu nhập trong tương lai cao hơn 31% so với bạn bè cùng trang lứa.
Bởi trẻ coi những thất bại như là "gói nâng cấp" và trở nên can đảm hơn khi phải đối mặt với nhiều thất bại hơn, trong khi đối với những đứa trẻ không có khả năng chịu đựng được thất bại, chỉ cần thất bại một lần là coi như "kết thúc cuộc chơi".
Cha mẹ có thể nhận biết qua những dấu hiệu như: Trẻ không quá buồn chán khi bị điểm thấp, nhanh chóng phân tích lỗi sai; Trẻ liên tục đưa ra giải pháp mỗi khi thất bại,...
Khi con thất bại, mắc lỗi, cha mẹ đừng nên chỉ trích con mà thay vào đó, hãy động viên con: "Lần này con sẽ tích lũy được vài kinh nghiệm". Cha mẹ đôi khi cũng nên cố tình để con thua cuộc nhằm rèn cho con ý chí, nghị lực, giúp con vượt qua sự thất vọng và tìm giải pháp.

4. Tư duy logic mạnh mẽ
"Mẹ ơi, tại sao 1+1=2?" "Bố ơi, Trái Đất hình tròn, vậy người đứng ở phía bên kia Trái Đất có rơi xuống không?",... Khi con bạn bắt đầu hỏi "tại sao", xin chúc mừng, tư duy logic của trẻ đang bắt đầu phát triển!
Đối với trẻ em có tư duy logic mạnh mẽ, việc học giống như bật một "máy chụp X-quang". Khi giải toán, trẻ có thể giải mã được bí ẩn như Sherlock Holmes. Khi viết bài luận, trẻ có thể xây dựng một khuôn khổ như một lập trình viên.
Đối với trẻ em có khả năng logic yếu, việc học giống như nhìn thấy hoa trong sương mù. Trẻ ghi nhớ các công thức rồi quên mất, và bài luận của trẻ được viết một cách lộn xộn.
Để xây dựng tư duy logic cho con, cha mẹ có thể chuyện một cách có tổ chức và diễn đạt ý tưởng bằng cách sử dụng “đầu tiên… thứ hai… cuối cùng…”. Hay cha mẹ có thể giải quyết vấn đề từng bước, chẳng hạn như "đầu tiên tìm chìa khóa, sau đó mở cửa và cuối cùng lấy được đồ chơi". Cha mẹ cũng có thể chơi các trò chơi suy luận và động viên trẻ phán đoán tình huống tiếp theo.
Tóm lại, mỗi đứa trẻ là một phiên bản đặc biệt. Đừng lấy “con của người khác” làm thước đo cho con mình. Tốt hơn hết, cha mẹ cần động viên con phát triển và kiên nhẫn đợi con thích nghi, đừng ép con theo những thứ con không muốn.