Mua vàng ngày vía Thần Tài lấy lộc, ngày rằm đem cầm cố vì "hết tiền"

16/02/2022 14:27 PM | Kinh doanh

Đa số họ bị mắc Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO), không ai muốn bị bỏ lại phía sau khi tất cả những người xung quanh đều cuống cuồng đi mua vàng cầu tài lộc ngày vía Thần Tài.

Ngày vía thần Tài (mùng 10 Tết Nguyên đán hằng năm) vừa diễn ra cách đây 6 ngày, theo quan niệm của rất nhiều người, vào ngày này, nhất định phải mua vàng lấy lộc, mong cầu cho một năm làm ăn suôn sẻ. Dẫu năm nay, tình hình mua bán vàng tại các cửa hàng không bằng mọi năm nhưng vẫn có những khách hàng "ruột" duy trì thói quen này nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong số này, lại có nhiều người thiếu tính toán, không biết cân đối tài chính bản thân và gia đình mà chạy theo xu hướng. Đa số họ bị mắc Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO), không ai muốn bị bỏ lại khi tất cả những người xung quanh đều cuống cuồng đi mua vàng ngày vía Thần Tài cầu tài lộc.

Chị Tuyết (nhân viên chăm sóc khách hàng, quận Bình Thạnh) vừa hoàn tất thủ tục cầm một lượng vàng miếng vào sáng nay. Tuy không nói cụ thể số tiền vay nhưng chị bộc bạch: "Tôi lấy hết tiền trong nhà đem mua vàng vào ngày vía Thần Tài lấy lộc" với mong muốn sau một năm dịch khó khăn, mọi thứ sẽ khá hơn.

Thế nhưng, vừa qua ngày Thần Tài là thời điểm dồn dập các loại tiền sinh hoạt khác như tiền nhà trọ, thanh toán thẻ tín dụng ngân hàng khiến chị không kịp trở tay.

"Tôi xoay tiền không kịp nên quyết định mang cầm chúng. Giờ mang ra bán thì chưa chắc lời. Cầm đó, tốn tí lãi cho tiệm cầm đồ nhưng tài sản vẫn còn", chị bày tỏ về món cầm đồ trong 3 tháng.

Chị nói tiếp: "Sau 3 tháng, mọi thứ sẽ khả quan hơn. Có thể thu nhập của tôi sẽ tăng. Lúc đó mình chuộc lại vàng cũng được". Nói về quyết định dồn hết tiền mua vàng ngày vía Thần Tài, chị Tuyết cho biết không tiếc tiền và không thấy hối hận.

 Mua vàng ngày vía Thần Tài lấy lộc, ngày rằm đem cầm cố vì hết tiền - Ảnh 1.

Cầm vàng được nhiều người lựa chọn khi cần tiền gấp mà không muốn bán tài sản. Ảnh minh ho: Vietmoney.

Trao đổi với một chủ tiệm cầm đồ ở quận Phú Nhuận (TP HCM) vào sáng nay, anh này cho biết, lượng người mang cầm vàng trong 1-2 ngày gần đây có tăng. "Lượng vàng này có thể do khách hàng sắm được từ sau ngày vía Thần Tài hôm mùng 10", anh chủ cho biết.

Theo anh, để hoàn tất thủ tục cầm cố vàng, cửa tiệm yêu cầu khách trưng ra được phiếu mua hàng vàng sau đó tiệm cầm đồ giữ lại giấy này kèm vàng. Anh chấp nhận cầm cố vàng miếng, vàng nữ trang từ tất cả cửa hàng dù nổi tiếng hay không. Nhiều trong số này đều ghi ngày 10/2 (tức mùng 10 Tết), còn lại thì họ đã mua trước đó.

Phí và lãi cầm do chủ tiệm thỏa thuận với khách hàng, con số này thường có tính tỷ lệ tương đối với số tiền cho vay và vay tối đa đến 12 tháng. Anh chủ không tiết lộ cụ thể mức lãi suất đang áp dụng tại cửa tiệm của mình.

Trong khi đó, một thương hiệu cầm đồ lớn khác thì không chấp nhận cầm vàng nữ trang từ các hiệu truyền thống. Họ chỉ chấp nhận cầm vàng miếng hoặc nữ trang từ các thương hiệu dẫn đầu ngành vàng như SJC, DOJI, PNJ, AJC, SBJ, Bảo Tín Minh Châu... Lãi suất vay tham khảo trong hạn tối đa 12%/năm, chưa gồm các loại thuế, phí.

Theo tính toán của phóng viên, vàng miếng SJC thị trường TP HCM, lúc 11h30 ngày 16/2, được bán ra với giá 62.900.000 đồng/ lượng, mua vào 62.200.000 đồng/ lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC sáng sớm 10/2 bán ra ở mức 62.150.000 triệu đồng/ lượng.

Như vậy, chị Tuyết quyết định bán ra thời điểm này thì sẽ lỗ ngay 50.000 đồng/ lượng. Nhưng nếu bán ra và mua lại ngay thì chị cần có thêm hơn 700.000 đồng mới sở hữu lại được một lượng vàng.

Giả sử chị Tuyết cầm một lượng và chỉ nhận vay 10 triệu đồng trong 90 ngày. Lãi suất 12%/năm, không tính thuế, phí. Chị Tuyết sẽ trả lãi 300.000 đồng. Đây là con số ước lượng, số thực tế có thể cao hoặc thấp hơn.

Theo Dy Khoa

Cùng chuyên mục
XEM