Mua sắm trả thù
Suốt cả tuần nay, tôi chứng kiến nhiều bạn bè tìm cách “khóa ví” khi trên khắp cõi mạng tràn ngập các lời mời mua sắm với mức chiết khấu từ 20-70% đến từ những nhãn hàng lớn nhân dịp Black Friday (Ngày thứ Sáu đen tối).
11h đêm trước tuần giảm giá, đứa bạn thân nhắn cho tôi: "Mai mua sắm trả thù đi"! Khái niệm này rất phổ biến thời gian gần đây. Kwak Geum-joo, giáo sư ngành Tâm lý học tại ĐH Quốc gia Seoul giải thích: "Dưới ảnh hưởng từ COVID-19, người trẻ không được tới trường, đi uống cà phê cùng bạn bè hay du ngoạn nên cần tìm đến những thú vui khác. Do đó, họ quyết định đầu tư vào những món đồ cao cấp".
Chúng ta trở nên yêu bản thân hơn sau khủng hoảng – điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Và hậu quả của cơn mua sắm mất lý trí này là một đống đồ ngay sau khi giật mác đã bị chủ nhân ghét bỏ: sao lúc ấy lại mua nhỉ, mặc vào dịp nào nhỉ, bao giờ thì mình cần dùng đến nó???
Trước đây, tôi có một thói quen rất tốn kém, là bất cứ khi nào tâm trạng không ổn, tôi sẽ đi mua sắm. Tất nhiên, đa số đồ chọn trong lúc không vui đều khó dùng, bỏ thì thương vương thì tội. Tôi cố gắng "cai" tật xấu này bốn năm lần nhưng không thành công. Sau, với sự góp tay của một bác sĩ tâm lý, những cơn "cầm ví lao ra đường" của tôi bớt dần đi, nhưng tôi chỉ thực sự học được cách bình thản trước mỗi đợt "bão sale" (bão giảm giá) là sau khi xem bộ phim tài liệu "The true cost" – tạm dịch ra tiếng Việt nghĩa là "Giá trị thật của thời trang" của đạo diễn Andrew Morgan.
Phim về đề tài thời trang nhưng lại không hề nói về các bộ sưu tập, các xu hướng hay các nhà mốt. Từ đầu đến cuối tác giả chỉ kể những câu chuyện hậu trường, các góc khuất, và có vẻ như sự thật về ngành công nghiệp thời trang.
Để hoàn thành bộ phim, đạo diễn đã bỏ công đi rất nhiều nơi (hầu hết là những quốc gia thuộc thế giới thứ ba) để quay lại hình ảnh thật về những nhà máy sợi, nhà máy may và những cánh đồng bông, cũng như cuộc sống của các công nhân may. Quá trình sản xuất quần áo được tái hiện tỉ mỉ từ lúc trồng bông, thu hoạch, xe sợi, dệt vải, nhuộm màu cho đến may thành phẩm, chân thực đến mức khiến người ta đau đớn. Đó là một bảng màu khác hẳn với ánh đèn lung linh ta thường thấy tại các window display (cửa sổ trưng bày) của các thương hiệu lớn. Phía sau chỉ toàn đói, nghèo, lạc hậu, ô nhiễm và có cả máu.
Để đáp ứng cho nhu cầu thay đổi quần áo mỗi mùa của tôi và nhiều người khác, người dân tại những vùng trồng bông biến đổi gen phải chịu tỷ lệ dị tật bẩm sinh, bệnh tâm thần và ung thư tăng lên theo cấp số nhân sau mỗi năm. Theo ước tính của các nhà khoa học, cây bông tiêu thụ 10% tổng số hóa chất nông nghiệp và 25% tổng lượng thuốc trừ sâu. Ngành công nghiệp may mặc gây ô nhiễm thứ 2 trên thế giới (chỉ sau ngành dầu mỏ) và phải chịu trách nhiệm cho việc thải chất thải độc hại nhiều nhất, gây ô nhiễm nước ngầm và tiêu thụ lượng nước lớn hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào.
Công nhân ngành may (thường xuất thân nông dân ở những nước nghèo) thì không hề được đổi đời vì "có công ăn việc làm" như quảng cáo. Một cô gái 23 tuổi làm việc trong một xí nghiệp may tại Bangladesh chia sẻ: "Mỗi ngày thức dậy vào sáng sớm, chúng tôi đi đến nhà máy và làm việc chăm chỉ cả ngày. Mọi người không biết chúng tôi tạo ra quần áo khó khăn như thế nào. Họ chỉ mua rồi mặc nó. Tôi nghĩ rằng những bộ quần áo này được sản xuất bằng máu của chúng tôi. Nhiều công nhân dệt may chết vì những vụ tai nạn khác nhau. Khoảng 1 năm trước, có một vụ nổ ở Rana Plaza. Nhiều công nhân đã chết".
Một con số gây giật mình nữa: trong 40 triệu lao động may mặc trên toàn thế giới có 4 triệu người đang làm việc ở Bangladesh. 85% trong số họ là phụ nữ sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ với thu nhập khoảng 2 đô la mỗi ngày. Họ thường phải làm việc trong điều kiện không an toàn, thường xuyên dẫn đến tử vong do các tai nạn có thể phòng ngừa được như hỏa hoạn hay sập nhà.
Tôi đã chia sẻ bộ phim này đến nhiều người bạn nghiện mua sắm. Nhiều người xem xong có cảm giác rúng động giống như tôi. "Hóa ra lâu nay chúng mình tiếp tay không ít cho việc tàn phá thế giới" – một người bạn cảm thán.
Để củng cố thêm quyết tâm không chạy theo những cơn say mua sắm, sau này tôi còn xem thêm một vài bộ phim khác, ví như "Minimalism" (đạo diễn Matt d’Avella) hay "Up in the air" (đạo diễn Jason Reitman) nhưng thú thực không bộ phim nào tác động nhiều đến hành vi của tôi như "The true cost". Tôi cũng rất thích câu trả lời của đạo diễn Andrew Morgan khi người ta hỏi mục đích làm phim của ông là gì:
"Tôi không muốn mọi người xem phim xong sẽ nghĩ xấu về thời trang. Tôi chỉ muốn chúng ta hãy bước khỏi vòng xoáy đang tăng trưởng của hành vi tiêu dùng hám rẻ và hời hợt. Thay vì thế, hãy đầu tư vào những món mà chúng ta thật sự yêu thích, những món đồ chúng ta sẽ mặc và giữ được lâu dài".