Mùa hè kỳ lạ của châu Á: Hàng triệu sĩ tử bước vào mùa thi điên rồ và áp lực

05/06/2019 08:45 AM | Xã hội

Báo cáo của ngân hàng HSBC năm 2017 cho thấy 93% phụ huynh Trung Quốc đại lục cho con đi học thêm để có thể thi cử tốt hơn, cao hơn rất nhiều mức bình quân 63% của thế giới.

Thàng 6 hàng năm là thời điểm điên rồ của ngành giáo dục Châu Á. Trái với môi trường học tập thoải máu, chú trọng phát triển toàn diện của Phương Tây, các sĩ tử Châu Á phải lao đầu vào ôn thi, cạnh tranh sống chết để được vào trường đại học cũng như định hướng cho tương lai. Không riêng gì các thí sinh, ngay cả phụ huynh, giáo viên hay những người thân cũng lo lắng. Thậm chí tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, chính phủ còn cấm các hoạt động gây tiếng ồn như hàng không để các thí sinh tập trung làm bài thi.

Tại Trung Quốc, khoảng 10 triệu sĩ tử hàng năm sẽ lao đầu vào cạnh tranh nhau mỗi tháng 6 tới trong cuộc thi vào đại học, hay còn gọi là Gaokao.

Với áp lực thi cử như vậy, không có gì khó hiểu khi phần lớn học sinh Châu Á có điểm cao trong xếp hạng đánh giá tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu (PISA). Dẫu vậy, nhìn vào nền giáo dục Châu Á, nhiều người vẫn đặt câu hỏi đây là giáo dục hay tra tấn.

Trung Quốc đại lục

Tại Trung Quốc, bằng cấp và nơi học được đánh giá khá cao khi ra trường cũng như có tầm ảnh hưởng xã hội khá lớn. Bởi vậy kỳ thi Gaokao có áp lực cực lớn lên các sĩ tử. Nhiều trường hợp học sinh phải truyền nước để liên tục ôn thi, hay các bạn nữ phải uống thuốc làm chậm kinh nguyệt để có thể làm bài thi không phải hiếm.

Các bậc phụ huynh thì thi nhau mua thuốc bổ cho con uống trong kỳ thi, hay đặt các phòng khách sạn để con có thể nghỉ ngơi giữa những ngay thi, cầu nguyện ngoài cổng rằng con em họ có thể đạt thành tích tốt. Báo cáo của ngân hàng HSBC năm 2017 cho thấy 93% phụ huynh Trung Quốc đại lục cho con đi học thêm để có thể thi cử tốt hơn, cao hơn rất nhiều mức bình quân 63% của thế giới.

Mùa hè kỳ lạ của châu Á: Hàng triệu sĩ tử bước vào mùa thi điên rồ và áp lực - Ảnh 1.

Cảnh sát cũng được huy động để chặn các tuyến đường gần nơi diễn ra kỳ thi nhằm hạn chế tiếng ồn, trong khi mảng kinh doanh gian lận, thi hộ, làm phao quay cóp cũng nở rộ dịp này.

Theo trang Sohu.com, chỉ khoảng 2% số học sinh tham gia Gaokao của Trung Quốc là có thể lọt vào top 38 trường hàng đầu. Nghĩa là trong khoảng 9,4 triệu học sinh tham dự kỳ thi, chỉ khoảng 188.000 em có cơ hội vào những trường đại học tốt nhất.

Hiện nhiều chuyên gia đang chỉ trích chế độ học hành và thi cử hiện nay của Trung Quốc, cho rằng chúng mang nặng tính lý thuyết cũng như gò ép học sinh hơn là nhắm đến phát triển năng lực thực tế của bản thân. Chính quyền Bắc Kinh cũng đang đặt kế hoạch phát triển 1 hệ thống giáo dục mới vào năm 2020 nhằm phát triển cân bằng, toàn diện cho các học sinh.

Hong Kong

Với hình ảnh là trung tâm tài chính của thế giới, Hong Kong là nơi mà ngành giáo dục còn áp lực hơn nhiều so với Trung Quốc đại lục. Ngay từ bé, các em nhỏ ở Hong Kong đã phải chịu áp lực lớn từ thi cử.

Các em nhỏ 9 tuổi tại Hong Kong đã phải làm các bài thi về tiếng Anh, tiếng Trung và toán, qua đó xếp hạng lớp học cũng như đè nặng áp lực lên các em từ sớm. Mặc dù chính quyền Hong Kong không thừa nhận nhưng sự phân cấp các lớp học cũng như tiêu chuẩn đầu vào của các trường học tại đây là khác nhau.

Mùa hè kỳ lạ của châu Á: Hàng triệu sĩ tử bước vào mùa thi điên rồ và áp lực - Ảnh 2.

Năm 2015, hàng chục nghìn phụ huynh ở Hong Kong đã thông qua mạng xã hội Facebook kêu gọi chính phủ hủy bỏ những bài thi phân cấp như vậy, trả lại quyền bình đẳng cho con em họ. Phong trào này đã khiến hàng loạt các trường học hủy bỏ những bài thi đầu vào và buộc chình quyền Hong Kong thừa nhận vấn đề phân cấp trong ngành giáo dục.

"Khá dễ hiểu khi các bậc phụ huynh lo lắng cho con em họ phải thi cử quá nhiều khi còn bé. Hong Kong có các cuộc phỏng vấn đầu vào cho cả những bé mới vào mẫu giáo hay các trung tâm nuôi dạy trẻ. Họ có cả 1 hệ thống thi cử, phỏng vấn và phân loại cho học sinh từ bé đến lớn", Giáo sư Eva Chen của trường Đại học Khoa học kỹ thuật Hong Kong nhận định.

Báo cáo của ngân hàng HSBC năm 2017 cho thấy 88% phụ huynh Hong Kong thanh toán tiền phụ đạo học thêm cho con. Đáng ngạc nhiên hơn, một nửa trong số này cho biết họ đã phải hạn chế các hoạt động riêng tư hoặc thú vui để dành thời gian cho con học tập, tỷ lệ cao nhất thế giới. Thậm chí 37% cho biết họ hoàn toàn từ bỏ các hoạt động giải trí, vui chơi để giúp con học thêm.

Trường đại học Hong Kong cho biết họ chỉ có thể nhận khoảng 10.062 học sinh mỗi năm nhưng lại có khoảng 50.000 thí sinh dự thi hàng năm. Như vậy chỉ có khoảng 1/5 số học sinh mới được nhận.

Singapore

Sau 6 năm học tiểu học, các em nhỏ Singapore sẽ làm bài thi PSLE để phân loại lên cấp 2. Những học sinh có kết quả tốt sẽ được làm bài thi tuyển vào đại học sau khi tốt nghiệp cấp 2 và 3 trong khi các em nhỏ còn lại sẽ chỉ được thi vào những trung tâm dạy nghề hoặc đào tạo kỹ thuật.

"Mỗi người khác nhau có những khả năng, tài năng và mối quan tâm khác nhau. Bởi vậy chúng ta cần phân loại để những nhóm khác nhau được đào tạo 1 cách thích hợp nhất", Giáo sư Jason Tan Eng Thye của Viện giáo dục quốc gia Singapore (NIES) nói.

Mùa hè kỳ lạ của châu Á: Hàng triệu sĩ tử bước vào mùa thi điên rồ và áp lực - Ảnh 3.

Dẫu vậy, cha mẹ ở Singapore vẫn đầu tư tích cực nhằm cải thiện kết quả học tập cho con cái họ. Khảo sát của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 2014 cho thấy bình quân các em nhỏ khoảng 15 tuổi tại Singapore dành 9 tiếng mỗi tuần để làm bài tập về nhà, nhiều gấp đôi so với bình quân thế giới.

Tuy nhiên, OECD năm 2015 lại vinh danh Singapore là nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới khi chính phủ nước này có những cải cách nhằm hạn chế áp lực thi cử cũng như lượng thời gian ôn thi quá lớn. năm 2012, Singapore loại bỏ chương trình phân loại học sinh khi thi hết cấp 1 và nước này đang hướng đến xây dựng hệ thống giáo dục giảm phụ thuộc vào các bài thi trong năm 2021.

Trường đại học quốc gia Singapore được tạp chí Times bình chọn là 1 trong những ngôi trường tốt trên thế giới năm 2018. Hàng năm có khoảng 28.000 thí sinh thi tuyển vào đây nhưng chỉ có khoảng 7.000 em được nhận.

Hàn Quốc

Kỳ thi đánh giá năng lực hàng năm tại Hàn Quốc được gọi là Suneung, qua đó xem xét phân loại những học sinh nào được vào trường đại học nào. Trong mùa thi, cảnh sát phải tăng ca để giữ đường phố thông thoáng cho học sinh di chuyển sau buổi thi. Một số chuyến bay sẽ bị tạm hoãn để tránh gây tiếng ồn.

Báo cáo năm 2017 của Viện giáo dục và chăm sóc trẻ em Hàn Quốc (KICCE) cho thấy hơn 83% số học sinh 5 tuổi của nước này đã bắt đầu học thêm, qua đó cho thấy mức độ khốc liệt của thi cử, học hành ở đây.

Mùa hè kỳ lạ của châu Á: Hàng triệu sĩ tử bước vào mùa thi điên rồ và áp lực - Ảnh 4.

Năm 2016, hãng tin BBC cho biết kết quả PISA của các học sinh Hàn Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới và 3 thiếu niên Phương Tây đã đến đây để trải nghiệm nền giáo dục. Họ đã thực sự bất ngờ khi các bạn Hàn dành đến 16 tiếng mỗi ngày để ôn thi.

Áp lực học quá lớn đã khiến tỷ lệ tự tự ở Hàn đứng thứ 2 thế giới và cao nhất trong số 34 thành viên OECD. Tự tử cũng là nguyên nhân tử vong nhiều nhất trong giới thanh thiếu niên tại Hàn mà nguyên nhân chính là do áp lực học hành, thi cử. Nghiên cứu của OECD cũng cho thấy áp lực học là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến những cái chết trong độ tuổi 10-30 tuổi.

Dẫu vậy, nhiều đánh giá cho thấy dù áp lực học tại Hàn và Nhật tương đối lớn nhưng họ vẫn dành thời gian cho hoạt động thể chất. Tại Trung Quốc, rất nhiều trường từ bỏ thời gian thể thao để ép các học sinh ôn thi.

Nhật Bản

Nhật Bản là 1 trong những nước hiếm hoi ở Châu Á đang cố gắng thay đổi chế độ thi cử. Chính quyền Tokyo đặt mục tiêu sẽ thay đổi cơ chế đánh giá học sinh vào năm 2020, hướng đến khả năng tư duy hơn là những "con mọt sách".

Vào cuối cấp 3, các học sinh Nhật sẽ có bài kiểm tra phân loại và đánh giá. Học sinh thường gọi chúng là Juken Jigoku, hay "kỳ thi địa ngục" để mô tả áp lực của chúng. Thêm vào đó, nhiều trường đại học cũng có những bài kiểm tra đầu vào riêng của họ.

Văn hóa làm việc của Nhật khá coi trọng trường đại học cũng như lý lịch của nhân viên nên áp lực cạnh tranh thi đầu vào là vô cùng lớn. Những học sinh không vào được trường mà mình muốn thường đợi tiếp sang năm để thi lại chứ không muốn vào các trường thứ cấp.

Năm 2011, số liệu chính thức cho thấy có khoảng 442.000 học sinh thi đại học thì sang năm sau, khoảng 110.000 thí sinh thi lại chỉ vì muốn vào trường có uy tín.

Mùa hè kỳ lạ của châu Á: Hàng triệu sĩ tử bước vào mùa thi điên rồ và áp lực - Ảnh 5.

Năm 2014, nghiên cứu của các nhà thần kinh học Nhật cho thấy 58% số thí sinh thi lại tại Nhật bị trầm cảm do bị trượt, cảm giác hồi hộp khi phải thi lại cũng như mất vai trò xã hội, 1 nơi coi trọng sự thành công và tinh thần cố gắng. Những học sinh thi lại không có việc làm hoặc chỉ đi làm thêm, họ cũng chưa phải sinh viên mà suốt ngày ở nhà ôn thi. Địa vị xã hội không rõ ràng cùng áp lực lớn khiến những người này gặp rất nhiều bất ổn tâm lý.

Theo nghiên cứu của Giáo sư Đại học Hokkaido Kenzo Denda, 1/112 trẻ em tiểu học ở độ tuổi tiểu học Nhật Bản, và 1/4 học sinh trung học cơ sở bị trầm cảm lâm sàng. Chính điều này là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tự tử cao tại đây.

Tỷ lệ tự sát nói chung của Nhật Bản cao hơn khoảng 60% so với mức trung bình toàn cầu, theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2014. Chỉ trong năm 2014, đã có 25.000 người Nhật Bản tự tước đi mạng sống của mình - tương đương khoảng 70 vụ tự tử mỗi ngày. Năm 2014, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em Nhật Bản trong độ tuổi từ 10 đến 19. Trong số thanh thiếu niên và thanh niên tuổi từ 10-24, có khoảng 4.600 ca tử vong tự tử mỗi năm, và 157.000 trường hợp khác bị thương phải nhập viện.

AB

Cùng chuyên mục
XEM