Một vòng quanh Sài Gòn: Ghé thăm Là Việt Coffee – Văn hóa cà phê hẻm được bình chọn là 1 trong 50 quán hàng đầu châu Á

27/09/2019 11:03 AM | Sống

Văn hóa cà phê nở rộ ở hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam nhưng tại Sài Gòn hoa lệ, làn sóng cà phê đã được nâng cấp với những thương hiệu theo đuổi triết lý cà phê đặc sản hay còn gọi là làn sóng thứ ba. Một trong số đó phải kể đến Là Việt. Bước chân vào không gian quán cà phê này, bạn không chỉ đơn giản thưởng thức một ly cà phê ngon mà đó còn là văn hóa cà phê.

Nếu tại Đà Lạt, Là Việt hiện lên như một xưởng cà phê thu nhỏ, nơi du khách có thể tận mắt chứng kiến các công đoạn rang xay, chế biến cà phê khác nhau thì ở Sài Gòn, Là Việt tọa lạc ở những con hẻm, văn hóa cà phê gắn liền với văn hóa hẻm từ đó du khách có dịp ngụp lặn trong bầu không khí tĩnh lặng mang tính chia sẻ nhiều hơn.

Bất cứ ai đang cần một không gian tĩnh lặng để đọc sách, tán gẫu với bạn bè, để làm việc hay trốn khỏi phố xá xô bồ, tiếng còi xe inh ỏi, thì đừng quên ghé thăm một trong 4 cơ sở của thương hiệu này tại Sài Gòn. Trong đó, Là Việt ở Tú Xương và Hai Bà Trưng tọa lạc trong biệt thự trắng xinh xinh hai tầng, với hàng hiên ngập sắc xanh cây cối và thiết kế cửa kính từ sàn đến trần để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và tạo cảm giác phóng khoáng, thoải mái cho khách hàng. Mỗi không gian được thiết kế theo tông màu sáng đan xen màu trầm của gỗ, hướng ra thế giới bên ngoài đầy cảm hứng với cỏ cây xanh tươi và các tòa nhà đậm kiến trúc Pháp lẫn Việt.

Một vòng quanh Sài Gòn: Ghé thăm Là Việt Coffee – Văn hóa cà phê hẻm được bình chọn là 1 trong 50 quán hàng đầu châu Á - Ảnh 1.

Là Việt trong con hẻm Tú Xương.

Trở về nông nghiệp sạch để giữ giá trị nguyên bản cho hạt cà phê

Theo triết lý làm cà phê của nhà sáng lập Là Việt – Trần Nhật Quang: "Nếu một mình thì không đủ, trong lĩnh vực cà phê, bạn phải tạo ra một cộng đồng chia sẻ cùng nhận thức, từ đó, mới mong tạo nên sự thay đổi và khuyến khích những người xung quanh làm tốt hơn".

Kể từ khi về Lâm Đồng nghiên cứu hạt cà phê, anh nhận ra, đồng bào dân tộc (kể cả người Kinh) đang bị thương lái làm cho kiệt sức và bần cùng hóa. Khoảng 50 hộ trong đó đã bị mất hết diện tích cà phê. Họ vay nóng 5 triệu nhưng sau vài năm, con số đó thành 50 triệu. Đó là lúc thương lái "cướp" đất của họ, đến nay, chỉ còn vài hộ có vườn cà phê.

Một vòng quanh Sài Gòn: Ghé thăm Là Việt Coffee – Văn hóa cà phê hẻm được bình chọn là 1 trong 50 quán hàng đầu châu Á - Ảnh 2.

Chứng kiến hoàn cảnh trớ trêu đó và từ lâu, anh đã muốn hỗ trợ sức mình để giữ và lan tỏa giá trị nguyên bản của hạt cà phê Việt, anh trở về Lâm Đồng trực tiếp làm việc với người nông dân, cố gắng hết sức để mua cao hơn so với thị trường từ hai đến ba giá, thuyết phục người dân làm đúng quy trình và kỹ thuật mà mình mong muốn như: không sử dụng thành phần hóa học, hoàn toàn dùng phân hữu cơ, không dùng thuốc diệt cỏ, cỏ mọc chỉ cắt để đi bón lại cho cây…

Theo như anh: "Để tạo ra một hạt cà phê ngon thì trước hết là giống ngon, thời tiết hai mùa rõ rệt, cà phê cần rất nhiều nước từ khi ra hóa đến khi chín. Nó sợ lạnh, thế nên, độ cao phải từ 1.500 m. Chỉ duy nhất Đà Lạt mới cho ra hạt Arabica ngon". Thế nên, anh tuân thủ quy trình làm để tạo ra hạt cà phê chất lượng. Từ việc phơi cũng phải để trên giá, phải hái trái chín mong đến việc xử lý lên men ngay trong 48 giờ đầu, mới khơi dậy được tất cả mùi vị của hạt.

Cà phê đặc sản sẽ còn phát triển hơn nữa

Dạo gần đây, Starbucks vừa tiết lộ sẽ mở thêm cửa hàng Starbucks Reverse Roastery lớn nhất thế giới tại thành phố Chicago, Hoa Kỳ với diện tích rộng tới 4.000 m2. Đây cũng là sự tiếp nối của các thương hiệu thuộc "concept" Reserve này, từ Seattle (2014), Thượng Hải (2017), Milan và New York (2018). 

Tất cả nằm trong chiến lược của CEO Howard Schultz nhằm nâng cao định vị thương hiệu để sẵn sàng đối đầu với những đối thủ cà phê siêu cao cấp như Blue Chai và Intellectentsia. Làn sóng cà phê thứ 3 trên thế giới đang đi lên, nó không còn đơn độc như những ngày đầu nữa, và nó tác động mạnh mẽ đến thị trường cà phê Việt Nam.

Một vòng quanh Sài Gòn: Ghé thăm Là Việt Coffee – Văn hóa cà phê hẻm được bình chọn là 1 trong 50 quán hàng đầu châu Á - Ảnh 3.
Một vòng quanh Sài Gòn: Ghé thăm Là Việt Coffee – Văn hóa cà phê hẻm được bình chọn là 1 trong 50 quán hàng đầu châu Á - Ảnh 4.

Trần Nhật Quang chia sẻ: "Chính con đường cà phê đặc sản mới giúp chúng ta có thể đứng độc lập, ngang hàng như những quốc gia làm cà phê nổi tiếng khắp thế giới". Trong khoảng 5 năm trở lại đây, bắt đầu từ thương hiệu cà phê đặc sản đầu tiên A café Specialty 15 Huỳnh Khương Ninh, với cách làm cà phê tinh tế, ngoài coi việc pha cà phê như một nghệ thuật, còn giới thiệu những người nông dân với những vườn cà phê đặc sản, và kết nối cộng đồng cà phê chất lượng với nhau… từ đó đã lan tỏa khoảng 25-30 quán khắp cả nước. Anh tin rằng 5 năm tới cà phê đặc sản còn tiếp tục phát triển nữa.

Những thức uống vượt qua mọi khuôn khổ

Thật khó để có thể đưa ra một định nghĩa cụ thể cho các món sáng tạo. Trong nhiều trường hợp, đó là thức uống độc đáo. Đôi khi lại là một phiên bản được phát triển dựa trên các món truyền thống.

Ghé thăm Là Việt, hạt cà phê, cùng các nguyên liệu đặc trưng của Việt Nam như đường thốt nốt, dừa, quế, hồi, gừng hay tắc, là nguồn cảm hứng cho các món sáng tạo của thương hiệu, và cũng là cách thể hiện sự tôn trọng đối với nền văn hoá bản địa.

Tiêu chí làm món của Là Việt là các nguyên liệu cần hoà hợp với cà phê để tạo nên vị cân bằng mà độc đáo. Từ đó, các món đặc sắc như Cà phê Phở, Cà phê Sữa dừa, Cà phê Cocktail trái tắc hay Cà phê đường thốt nốt ra đời và nhận được sự ủng hộ của khách hàng. Các bạn ghé thăm quán có cơ hội dùng thử hạt cà phê vụ mùa 2018-2019 từ thứ 2 đến thứ 6 trong tuần tại quầy pha, từ Cold Brew (hạt Honey Process ) và Batch Brew (hạt Special House Blend), pha bằng máy Mocca Master.

Theo cập nhật mới nhất của tạp chí uy tín Big Seven Travel, Việt Nam đã có 3 quán cà phê được hơn 2 triệu tín đồ cà phê toàn cầu bình chọn trong danh sách 50 quán hàng đầu châu Á, trong đó có Là Việt, được xếp ở thứ hạng 6.

Trang Huyền

Cùng chuyên mục
XEM