Một nửa thế giới trở nên hoang mang khi Ý "thân mật" với Trung Quốc tham gia Vành đai con đường

26/03/2019 10:36 AM | Xã hội

Bất chấp những áp lực từ các đồng minh châu Âu và Mỹ, Ý vẫn "quyết tâm" ký kết biên bản ghi nhớ tham gia sáng kiến Vành đai, con đường, trở thành nước G7 đầu tiên gia nhập tham vọng của Trung Quốc.

Khi Ý đồng ý ký kết biên bản ghi nhớ của Vành đai và Con đường thì các đồng minh châu Âu của nước này đều nhận thấy mối đe doạ về chủ quyền đối với họ, Mỹ đã đưa ra những cảnh báo về rủi ro đối với sự bành trường ngày một lớn của Bắc Kinh. Hơn nữa, một nửa chính phủ Ý cũng cảm thấy bất mãn với Phó Thủ tướng Matteo Salvini vì ông không có mặt vào buổi lễ ký kết.

Ngày 23/3, Thủ tướng Giuseppe Conte chính thức ký kết, tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), một dự án cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia mà nhiều nhà phân tích cho biết nó sẽ giúp Bắc Kinh trao đổi các khoản đầu tư để làm đòn bẩy cho tương lai. Ngân hàng trung ương Ý có thể sẽ nhận được tín hiệu "đèn xanh" từ phía chính quyền Trung Quốc để phát hành trái phiếu bằng NDT, khiến mối ràng buộc càng trở nên sâu sắc.

Biên bản ghi nhớ về BRI là trọng tâm của chuyến công du tới châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình và sẽ đưa nước Ý trở thành thành viên G7 đầu tiên tham gia sáng kiến này. Theo các quan chức Ý, ông Tập sẽ lưu lại thủ đô nước này để dự một buổi tiệc với Tổng thống Sergio Mattarella và một cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp.

 Một nửa thế giới trở nên hoang mang khi Ý thân mật với Trung Quốc tham gia Vành đai con đường  - Ảnh 1.

Việc Ý là quốc gia G7 đầu tiên gia nhập BRI đã gây nhiều tranh cãi cho cộng đồng EU cũng như Mỹ.

Có thể nói, đây là "chiến thắng" dành cho một số quan chức Ý từ lâu đã ủng hộ Trung Quốc, bao gồm Giovanni Tria - bộ trưởng Bộ Tài chính Công nghệ và Luigi Di Maio, lãnh đạo Phong trào Năm sao, tức là 1 nửa chính phủ dân tuý của Ý. Họ đều coi thoả thuận này là một cơ hội lớn để mang lại khoản đầu tư rất cần thiết cho nền kinh tế trì trệ của nước Ý.

Michele Geraci, thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý, cho biết: "Con đường Tơ lụa đã có mặt ở châu Âu, chuyến tàu có điểm đến là Trung Quốc đi từ Duisburg của Đức. Tôi nghĩ rằng việc Ý tiên phong dẫn đầu các nước châu Âu còn lại nằm dọc theo Con đường Tơ lụa có thể sẽ thu hút được các quốc gia khác tham gia."

Tuy nhiên có một nhà lãnh đạo khác của Ý, chính là ông Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn, không đồng tình với quyết định này của chính phủ. Ông sẽ vận động ở phía nam đất nước và tiếp tục tuyên truyền về nỗ lực "thực dân hoá nước Ý" của Trung Quốc.

Mặc dù tác động kinh tế của Ý trong BRI sẽ bị hạn chế, nhưng hình ảnh một quốc gia G7 tham gia sáng kiến này cũng gây ra nhiều tranh cãi ở Washington, một quan chức Mỹ cho biết.

Chuyến công du của ông Tập ở Ý diễn ra vào đúng thời điểm Washington đang thất bại trong việc thuyết phục các đồng minh của mình "tẩy chay" kế hoạch phát triển 5G của Huawei. Mỹ lo ngại rằng Ý sẵn sàng ký kết biên bản ghi nhớ cho BRI là một dấu hiệu khác cho thấy các đồng minh của họ đang mềm mỏng hơn với Bắc Kinh.

 Một nửa thế giới trở nên hoang mang khi Ý thân mật với Trung Quốc tham gia Vành đai con đường  - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tại Rome hôm 23/3.

Trước những lời chỉ trích của Washington và các đồng minh châu Âu, Conte - đóng vai trò hoả giải giữa đảng Liên đoàn và phong trào Năm sao, đã buộc phải đưa ra những lời đảm bảo rằng Ý sẽ không trở thành "con ngựa thành Troy" của Trung Quốc ở châu Âu. Lời đảm bảo này vẫn là chưa đủ đối với những đồng minh như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Mặc dù ông Tập sẽ đến Pháp sau khi rời Ý, và ông cũng sẽ có một bữa tối với ông Macron, nhưng tổng thống Pháp gần đây vẫn đưa ra cảnh báo về việc phản đối sự bành trướng của Trung Quốc.

Ông trả lời các phóng viên khi đến dự một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels hôm thứ Năm: "Châu Âu đã nhận thức rõ về Trung Quốc. Kể từ khi nhậm chức, tôi đã kêu gọi các nước phải bảo vệ chủ quyền châu Âu."

Hiệp định Rome - Bắc Kinh được Paris coi là sự đe doạ đối với một liên minh vốn phản đối tham vọng thống trị kinh tế của Trung Quốc, theo một quan chức Pháp. Ông Macron hiện đang nỗ lực gắn kết các đồng minh chủ chốt ở châu Âu đối với vấn đề này, đã mời Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tới gặp ông Tập tại Paris vào sáng thứ Ba tới.

Không giống như chuyến công du tới Ý, chuyến đi của ông Tập tới Pháp sẽ không mang về một biên bản ghi nhớ về BRI, dù chính phủ nước này cũng đang xem xét các dự án mà hai quốc gia có thể cùng ký kết. Ông Macron cũng sẽ thảo luận về một đơn đặt hàng lớn đối với dòng máy bay Airbus SE trong chuyến thăm của ông Tập.

Theo nghiên cứu của Baker McKenzie, các nhà đầu tư Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng các thương vụ trị giá 1,83 tỷ USD ở Pháp vào năm ngoái, tăng tới 86% so với năm 2017, trong khi đó các khoản đầu tư ở Pháp là 2,52 tỷ USD, tăng 34%.

Dù đã nhiều lần được cảnh báo, nhưng Ý vẫn ký kết biên bản ghi nhớ gia nhập BRI cùng 29 thoả thuận đầu tư và thương mại ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, nhập khẩu thịt, truyền thông hay ngân hàng... Hơn thế nữa, một trong số thoả thuận này còn cho phép Công ty Kiến thiết Giao thông Trung Quốc (CCCC) đầu tư và quản lý 2 cảng biển lâu đời và chủ chốt của nước Ý.

Theo Hương Giang

Cùng chuyên mục
XEM