Một nhà nghiên cứu Harvard đề nghị 2.000 người đoán lương của đồng nghiệp và đây là kết quả

14/11/2018 22:01 PM | Kinh doanh

Cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều người sẵn sàng trả tiền để không cho đồng nghiệp biết được mức thu nhập của mình là bao nhiêu.

Trước đó, cũng chính những người thực hiện cuộc khảo sát trên – Zoë Cullen từ trường kinh doanh Harvard và Ricardo Perez-Truglia từ Đại học UCLA – đã có một nghiên cứu với những kết quả hết sức thú vị.

Theo đó, hầu hết mọi người đều đánh giá rất thấp mức thu nhập của cấp trên – và khi được cho biết con số chính xác, họ đều có xu hướng làm việc tích cực hơn.

Đối với mức lương của đồng nghiệp, khi người ta biết được một đồng nghiệp ở vị trí tương tự có mức lương cao hơn, họ có xu hướng chán chường và không làm việc chăm chỉ nữa.

Nghiên cứu này được thực hiện trên 2000 nhân viên ở mọi cấp bậc tại một ngân hàng thương mại ở Châu Á. Qua một cuộc khảo sát trực tuyến, các nhà nghiên cứu yêu cầu họ đoán mức lương của cấp trên, và họ sẽ nhận được phần thưởng nếu đoán đúng.

Khoảng một nửa nhân viên được thông báo về mức lương chính xác (tức cao hơn suy đoán của họ), nửa còn lại thì không có thông tin này.

Trong năm sau đó, các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu giờ làm việc của công ty, gồm giờ chấm công vào và ra của nhân viên, các hoạt động thực hiện trên email và kết quả kinh doanh.

Kết quả cho thấy những nhân viên biết được cấp trên có mức lương cao hơn 10% so với mức thu nhập mà họ nghĩ có số giờ làm việc tại văn phòng cao hơn 1,5%, gửi email nhiều hơn 1,3% và có doanh số kinh doanh nhiều hơn 1,1%. Những con số này thậm chí còn cao hơn với những người biết được rằng mức lương của cấp trên chỉ cao hơn của họ chút ít. Điều này có nghĩa là biết được mức lương của cấp trên sẽ khiến bạn có thêm động lực phấn đấu.

Mặt khác, những nhân viên biết được đồng nghiệp có thu nhập cao hơn 10% so với mình lại có số giờ làm việc ít hơn 9,4%, gửi email ít hơn 4,3% và kết quả kinh doanh giảm 7,3%. Như vậy, chúng ta có xu hướng chán việc khi biết rằng đồng nghiệp được trả lương cao hơn.

Đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét hiệu ứng của việc biết được mức lương của cấp trên. Các nghiên cứu khác chỉ xem xét hiệu ứng của việc biết được mức lương của đồng nghiệp mà thôi.

Chẳng hạn, một nghiên cứu vào năm 2011 của Đại học Berkeley và Đại học Princeton cho biết những nhân viên biết được họ nằm ở phần dưới trong bảng lương của công ty nhiều khả năng sẽ bắt đầu đi tìm việc mới.

Trong khi đó, một nghiên cứu của PayScale cho thấy hầu hết mọi người đều không biết liệu mình có được trả lương một cách công bằng hay không. Điển hình là 2/3 số người tham gia nghiên cứu được trả đúng mức lương như trên thị trường lao động đều nghĩ rằng mình bị trả lương thấp.

Điều thú vị là nghiên cứu của PayScale cho biết người ta sẽ có suy nghĩ tích cực hơn về công việc khi công ty của họ minh bạch về lương bổng – ví dụ như giải thích cho một nhân viên tại sao họ lại bị trả lương thấp hơn so với mức chung của thị trường.

Kết quả này cũng giống với những gì mà Elena Belogolovsky ở Đại học University đã nói: "Bạn không nhất thiết phải tiết lộ mức lương cho bất kỳ ai trong công ty. Nhưng những gì bạn cần làm là phải khiến cho hệ thống trở nên minh bạch hơn. Bạn phải cung cấp cho nhân viên các thông tin về những việc họ cần làm để được trả lương cao hơn".

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM