Một ngày của VĐV eSports chuyên nghiệp: Sống trong nhà chung tiện nghi như biệt thự, tập luyện 6 – 9 tiếng mỗi ngày, có huấn luyện viên thể chất, chuyên gia dinh dưỡng riêng

11/08/2019 07:16 AM | Kinh doanh

Hãy cũng tìm hiểu để xem cuộc sống của các vận động viên eSports chuyên nghiệp có tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ hay không.

Esports đang chứng kiến sự bùng nổ trong những năm gần đây. Theo Newzoo, số người đam mê thể thao điện tử trên toàn thế giới sẽ đạt 165 triệu, doanh thu của thị trường ước tính chạm ngưỡng 1,65 tỷ USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, eSports vẫn chịu nhiều cái nhìn thiếu thiện cảm. Thanh niên chơi game thường bị coi là lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, bị gắn mác "nghiện" chứ chưa nói đến việc coi đây là một nghề nghiệp kiếm ra tiền.

Tuy nhiên, hãy thử tìm hiểu cuộc sống của một số game thủ chuyên nghiệp trên thế giới, để xem liệu nghề này có thực sự tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ hay không!

Một ngày của các vận động viên eSports chuyên nghiệp: Sống trong nhà chung tiện nghi như biệt thự, tập luyện 6 – 9 tiếng mỗi ngày, có huấn luyện viên thể chất, chuyên gia dinh dưỡng riêng - Ảnh 1.

Esports đã bùng nổ ở nhiều nước nhưng vẫn chịu nhiều cái nhìn tiêu cực ở Việt Nam.

Bên cạnh những game thủ chơi riêng lẻ, các đội chuyên nghiệp cũng được lập ra ngày càng nhiều. Những nhóm người này thường sống trong một ngôi nhà chung, luyện tập và sinh hoạt cùng nhau.

Năm 2018, trang báo Bloomberg đã thực hiện phóng sự để tìm hiểu về cuộc sống, chế độ của một game thủ chuyên nghiệp trong nhà chung, qua lời kể của người trong cuộc, Michael Schmale.

Được thực hiện bởi Bloomberg, phóng sự ghi lại cuộc sống thường ngày của một vận động viên eSports chuyên nghiệp.

Sau khi ký hợp đồng với Ghost Gaming, Michael chuyển đến sống cùng 9 thành viên khác, đều ở độ tuổi đôi mươi, trong một căn biệt thự trị giá 15 triệu USD với nhiều tiện nghi, từ bể bơi, bếp ăn đến phòng tập thể chất và phòng chơi game,… Tại đây, các gamer được hỗ trở bởi đội ngũ nhân viên, huấn luyện viên và cả đầu bếp riêng để giúp có được sức khỏe, phong độ tốt nhất.

Một ngày của Michael bắt đầu lúc 9:30. Sau khi vệ sinh cá nhân, anh cùng các thành viên thưởng thức bữa sáng được chuẩn bị sẵn. Từ 11 đến 12 giờ sáng là thời gian luyện tập thể thao, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.

Lịch trình tiếp theo của một ngày được diễn ra tại phòng xem phim, nơi họ xem và nghiên cứu lối chơi của những đội khác. Sau bữa trưa thịnh soạn, công cuộc luyện tập game bắt đầu, từ 1h30 chiều đến 7h30 tối. Tiếp đến là ăn tối và nghỉ ngơi. Vào những ngày cận kề giải đấu, thời gian luyện tập có thể tăng lên.

Không tiết lộ chi tiết hợp đồng nhưng đội 10 người của anh được nhận khoảng 50.000 USD, cùng với tiền lương 4.000 USD một tháng cho mỗi thành viên. Michael còn kiếm thêm thu nhập từ việc phát trực tiếp các trận đấu và bán sản phẩm may mặc có logo của mình.

Một ngày của các vận động viên eSports chuyên nghiệp: Sống trong nhà chung tiện nghi như biệt thự, tập luyện 6 – 9 tiếng mỗi ngày, có huấn luyện viên thể chất, chuyên gia dinh dưỡng riêng - Ảnh 3.

Cuộc sống của một vận động viên eSports chuyên nghiệp không chỉ có game.

Cuộc sống của Michael không phải là trường hợp cá biệt mà rất phổ biến ở Mỹ. Các thành viên trong một đội thường sống cùng nhau dưới một mái nhà, ăn ngủ, sinh hoạt và luyện tập cùng nhau để tránh việc xung đột lịch trình hay múi giờ.

Một trường hợp khác. Trong ngôi nhà chung của đội AS Roma Fnatic - tổ chức esport hàng đầu ở mảng FIFA tại Đông Bắc Luân Đôn, nơi có 5 thanh thiếu niên trẻ tuổi từ các quốc gia khác nhau hội ngộ với cùng một đam mê, có những luật lệ và quy định chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt.

Đầu tiên, không ai được phát trực tiếp sau 11h đêm để tránh làm phiền hàng xóm. Hai là dành thời gian luyện tập thể chất ít nhất sáu giờ một tuần. Bên cạnh đó, đội ngũ quản lý của AS Roma Fnatic cũng đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tâm lý của vận động viên trẻ. Họ cho phép người thân đến thăm và có thể ở lại nhà chung một vài ngày, miễn là không làm gián đoạn lịch trình hoặc các chàng trai có thể về thăm nhà, có khi chỉ đơn giản là để được ăn món mẹ nấu.

Ngôi nhà chung của đội AS Roma Fnatic.

Team SoloMid, đội chơi eSports hàng đầu thế giới, do người Mỹ gốc Việt thành lập, cũng có chế độ tập luyện và sinh hoạt bài bản. Các thành viên thường luyện tập từ 6 đến 9 tiếng mỗi ngày, khá tương đương với số giờ làm của một nhân viên văn phòng điển hình.

Cũng giống như bất kỳ môn thể thao cạnh tranh nào khác, thể thao điện tử đòi hỏi sự tập trung, bền bỉ và dễ dẫn đến căng thẳng, stress. Sức khỏe, tâm lý cũng là vấn đề chủ yếu khiến nhiều người chưa công nhận eSports.

Trong vài năm qua, các tổ chức eSports chuyên nghiệp ở cả châu Á và Bắc Mỹ đã đầu tư nhiều hơn để thuê nhân viên, chuyên gia và cơ sở hạ tầng nhằm quản lý, chăm sóc tất cả các nhu cầu của vận động viên, bao gồm bữa ăn, hoạt động thể chất và cả tổ chức hành vi.

Tạm kết

Mỗi nghề nghiệp, mỗi môn thể thao đều có những điểm sáng và mặt tối riêng. Không có công việc nào chỉ mang toàn lợi ích mà không chứa đựng rủi ro. Tại Việt Nam, những điều tiêu cực đã và đang được bàn luận quá nhiều và lấn át đi tiềm năng, lợi ích của esports, khiến môn thể thao này vẫn chưa nhận được cái "gật đầu" cởi mở từ cộng đồng.

Esports đã bùng nổ ở Hàn Quốc, Trung Quốc và khắp châu Âu, Bắc Mỹ, cũng được đưa vào thi đấu tại Asiad 2018 và Seagame 2019, phải chăng đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn rộng mở hơn với môn thể thao này? Thay vì để nỗi sợ kìm hãm một thị trường tiềm năng, tập trung tổ chức, quản lý và đào tạo bài bản sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho giới mộ game nói riêng và xã hội nói chung.


T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM