Một liên minh muốn trở thành bà mai, bà đỡ cho nông dân, sẽ mở 200 siêu thị rau quả an toàn ở HN và TP.HCM

09/01/2017 09:50 AM | Kinh doanh

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ mở 200 siêu thị tại TP HCM và Hà Nội cho tới năm 2020. Nguồn thực phẩm sẽ được sản xuất an toàn, có truy xuất nguồn gốc đầy đủ.

Đó là chia sẻ của ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, tại một sự kiện diễn ra tại TP HCM mới đây.

200 siêu thị mà ông Tuấn nhắc tới là UCA Mart. Liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam (UCA) là đơn vị chủ quản và đã có 4 siêu thị tại Hà Nội. Dự tính UCA sẽ mở 5 siêu thị tại TP HCM trong 6 tháng đầu năm 2017. Đến năm 2020, tức là trong 5 năm nữa, con số sẽ nâng lên 200 cửa hàng, trung bình mỗi năm mở 50 siêu thị.

Được thành lập hồi tháng 9/2016, UCA thành lập hồi tháng 9/2016 để xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn Việt Nam trong bối cảnh thực phẩm bẩn là vấn đề nhức nhối của xã hội.

UCA vừa là đầu tàu, vừa là bà đỡ, vừa là bà mai cho các thành viên

Chia sẻ với chúng tôi, ông Tuấn cho biết từ 2016 đến 2020, UCA sẽ có 200 siêu thị tập trung trước mắt ở TP HCM, Hà Nội và các trung tâm thu mua ở các tỉnh phía Nam để xây dựng đặc sản vùng miền, cung ứng đặc sản vùng miền trên toàn quốc đồng thời tích tụ quy mô hàng hóa lớn, phục vụ cho xuất khẩu ở thị trường thế giới. UCA vừa là đầu tàu, vừa là bà đỡ, vừa là bà mai cho các thành viên

Ông Tuấn đã giải thích về các từ đầu tàu, bà đỡ, bà mai.

Đầu tàu: “Đầu tàu là anh đi từ sản xuất, mời các hợp tác xã đến để xem quy trình sản xuất, chuyển giao quy trình công nghệ. Thứ hai, anh đi trước và là đầu kéo cho phát triển hàng hóa”, ông Tuấn nói.

Bà Đỡ: “Bà đỡ là không như siêu thị. Siêu thị là phải vào đó chào hàng, đạt tiêu chuẩn rồi mới mua. Nhưng ở đây, các hợp tác xã trình bày với UCA rằng tôi mong muốn sản xuất đồ này, có quy trình tham gia như thế này, có số hộ tham gia ra sao, vùng đất đó sản xuất được gì và nhờ UCA giúp đỡ. UCA cho cán bộ xuống để kiểm tra nước, không khí, đất và xây dựng xem ở đó phát triển cây gì, giống gì tốt nhất. Sau đó là xây dựng tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn khác và bao tiêu sản phẩm cho người dân”, ông Tuấn giải thích.

Bà mai: “Là giới thiệu, kết nối giữa hợp tác xã này với hợp tác xã kia. Hợp tác xã này này cần gì, hợp tác xã kia cần cái khác thì chúng tôi kết nối. Hiện giờ, chúng tôi kết nối những người sản xuất giống. Nhưng qua chúng tôi thì giá hợp tác xã phải có giá tốt nhất. Không có chuyện được chèn ép nông dân. Liên hiệp vừa là tổ chức kinh tế, vừa là tổ chức chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ bằng những người nông dân góp công sức lại để xây dựng các vùng sản xuất lớn. Lấy thị trường làm mệnh lệnh sản xuất và cung cấp thông tin cho người sản xuất”, người đứng đầu Liên minh hợp tác xã Việt Nam diễn giải.

Người đứng đầu UCA đưa ra ví dụ, liên mình gửi thông tin xuống cho hợp tác xã rằng sản xuất cho 10 tấn chôm chôm, 10 tấn sầu riêng, 10 tấn thanh long thì liên minh tiêu thụ hết cho hợp tác xã. Chứ không có chuyện, thanh long được giá thì tất cả cùng làm thanh long. Hoặc Bình Thuận sản xuất thanh long rồi thì các tỉnh khác giảm thanh long, tập trung thế mạnh. Liên minh hợp tác xã sẽ điều phối sản xuất, tránh trường hợp chồng chéo.

“Các bạn đã chứng kiến thanh long cho bò ăn, dưa hấu cho bò ăn. Bài toán dưa hấu là cả nước đua nhau vì trồng quá dễ. Thấy giá bán 10.000 đồng/kg là đua nhau làm, đến khi 1.000 đồng/kg cũng không bán được và phải cho bò ăn không hết, vứt ra đường gây ô nhiễm môi trường”, ông Tuấn nói về chuyện thiếu bài bản trong sản xuất nông nghiệp.

“Liên hiệp sẽ cùng với các tỉnh để thành lập liên hợp tác xã của từng tỉnh, phối kết hợp với nhau, đó là mục tiêu lớn của chúng tôi”, lãnh đạo UCA nhấn mạnh.

Vốn cho UCA thì sao

Trong cuộc trò chuyện với ông Tuấn, chúng tôi có đề cập đến việc mở 200 siêu thị trong vòng 4 năm không phải câu chuyện đơn giản về vốn về mặt bằng và những vấn đề liên quan khác.

“Liên minh hợp tác xã, đặc biệt là chính phủ, đã có các động thái quan tâm đến thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam thì đã có các cơ chế ngách nhưng mới đang soạn thảo hoặc đã ra nhưng chưa có nguồn. Hiện tại, chúng tôi với mục tiêu như vậy đã vận động hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết”, ông Tuấn cho biết.

Ông giải thích thêm rằng liên hiệp là tổ hợp các hợp tác xã tham gia góp vốn để làm. “Đương nhiên là chúng tôi cũng phải có lợi, đó là sau 5 năm, 3 năm chúng tôi sẽ là người điều phối nông sản. Chúng tôi lấy lãi của bà con là 100 đồng/kg rau chẳng hạn nhưng số lượng hàng triệu tấn thì cũng ra tiền. Hoặc phía phân bón bán cho chúng tôi hàng nghìn tấn thì cũng khác với bán lẻ. Phía phân bón bán cho chúng tôi 8.500 đồng/kg thì chúng tôi bán cho bà con 8.600 đồng/kg, tức là chúng tôi cũng được lãi 100 đồng/kg."

"Cách hoạt động của liên hiệp là như vậy, vừa là đơn vị kinh doanh, vừa là đơn vị chính trị, không đơn thuần như các đơn vị kinh doanh. Đơn vị kinh doanh có thể mua của bên này nhưng khi thấy giá thị trường giảm, họ có thể mua ở ngoài. Biến nông dân thành một công nhân nông nghiệp”, người đứng đầu UCA nói.

Theo ông Tuấn, một năm hỗ trợ 200 triệu/một siêu thị nhưng không đủ. Tuy nhiên, đó cũng là động lực. Vấn đề mặt bằng thì phải phù hợp. “Anh làm uy tín thì doanh thu anh cao. Doanh thu cao không phải lợi nhuận quá nhiều mà lợi nhuận vừa phải. Doanh thu cao thì lợi nhuận tăng lên, thì sẽ đủ bù chi. Vấn đề là làm uy tín, khách hàng của anh là tăng hàng ngày, chứ không giảm”, ông Tuấn nói thêm.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM