Một kiểu ăn gây kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần – Đáng buồn là nhiều người trẻ mắc phải, đặc biệt là dân văn phòng

07/05/2023 14:50 PM | Sống

"Ăn chậm, nhai kỹ" là quy tắc sức khỏe nhiều người biết nhưng không thực hiện được.

Nhịp sống hối hả khiến việc ngồi xuống, dùng bữa chậm rãi trở thành điều khó khăn đối với nhiều người. Họ ăn nhanh, ăn vội vàng để tiết kiệm thời gian, làm những việc khác. Nhưng kiểu ăn uống này đem lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây hại cho dạ dày, không tốt cho sức khỏe.

Quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là đối với tinh bột bắt đầu từ miệng. Nước bọt tiết ra trong quá trình nhai có chứa amylase ban đầu có thể phân hủy carbonhydrat trong thức ăn. 

Nhai chậm sẽ giúp thức ăn lưu lại trong miệng lâu hơn, nghiền mịn thức ăn và tăng tiết nước bọt để thức ăn đã xay cùng nước bọt được trộn lẫn hoàn toàn. Quá trình nhai kích thích đại não truyền tín hiệu đến đường tiêu hóa, tăng tiết dịch vị và các dịch tuyến tiêu hóa khác, chuẩn bị cho việc hấp thu hoàn toàn thức ăn sau khi vào đường tiêu hóa.

Ngược lại, nếu ăn ngấu nghiến, không nhai kỹ thức ăn, thức sẽ sẽ to gây kích thích cơ học mạnh với đường tiêu hóa, dễ làm tổn thương niêm mạc bề mặt. Từ đó gây viêm nhiễm mãn tính, thậm chí lâu ngày dẫn đến ung thư. Hơn nữa, nếu chẳng may nuốt phải xương cá hay thức ăn sắc nhọn càng gây đau đớn. 

Tuy nhiên, khi thức ăn chưa được xay nhuyễn đi vào dạ dày, tất cả các chất bột đường, protein, chất béo và chất xơ sẽ chưa được trộn lẫn với nhau. Như vậy, dạ dày phải làm việc nhiều hơn, cần thời gian để nghiền nhỏ thức ăn. Từ đó, bạn có thể mắc bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày. 

Một kiểu ăn gây kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần – Đáng buồn là nhiều người trẻ mắc phải, đặc biệt là dân văn phòng - Ảnh 2.

Hơn nữa, những thực phẩm chưa được xay nhuyễn cần nhiều enzyme tiêu hóa để phân hủy, làm tăng khối lượng công việc của các cơ quan như tuyến tụy. Hay tim cũng sẽ chịu ảnh hưởng dẫn đến rối loạn nhịp tim, bệnh tim mạch vành, đau thắt ngực.

Trong khi ăn, dạ dày sẽ căng và nở theo lượng thức ăn được đưa vào. Chuyển động kéo căng này sẽ gửi tín hiệu no đến não – quá trình này diễn ra trong khoảng 20 phút. Nếu một người ăn quá nhanh, não của người đó không nhận được tín hiệu no kịp thời. Một người sẽ tiếp tục tiêu thụ quá nhiều thức ăn trước khi cảm thấy no. 

Kết quả là một người sẽ không chỉ tiêu thụ quá nhiều thức ăn mà còn hấp thụ một lượng đường và chất béo dư thừa. Điều này sẽ khiến lượng đường trong máu dao động cao hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn quá nhanh có thể gây béo phì, lipid máu cao, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường và các bệnh tim mạch. 

Ăn nhanh tưởng tiết kiệm được thời gian nhưng nếu kéo dài dễ gây ra các bệnh về hệ tiêu hóa. Như vậy chẳng phải chúng ta lại mất thời gian và tốn kém tiền bạc để điều trị. Cơ thể cũng bị bệnh tật hành hạ, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút.

Một kiểu ăn gây kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần – Đáng buồn là nhiều người trẻ mắc phải, đặc biệt là dân văn phòng - Ảnh 3.

Một số mẹo giúp bạn ăn chậm lại

- Không ăn khi đang xem truyền hình hoặc dùng Internet trên điện thoại, máy tính. Những thứ gây xao nhãng như vậy có thể khiến mọi người quên mất việc nhai, họ đã ăn bao nhiêu và thậm chí chẳng còn biết đến mùi vị thức ăn. 

- Đừng đợi đến khi bạn rất đói mới ăn. Đói thường khiến một người ăn quá nhiều hoặc quá nhanh. 

- Nhai thức ăn ít nhất 10 lần, tốt nhất là 15 lần trước khi nuốt.

- Thêm một số trái cây và rau quả giàu chất xơ vào bữa ăn của bạn. Hàm lượng chất xơ cao trong thức ăn đòi hỏi mọi người phải nhai kỹ trước khi nuốt.

- Xen kẽ giữa nhai thức ăn đặc và uống súp có thể làm chậm tốc độ ăn của bạn. 

- Dành 20 – 30 phút cho mỗi bữa ăn để bạn có thể thưởng thức bữa ăn một cách đúng đắn.

Một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Kyushu (Nhật Bản) cho thấy ăn chậm có thể ngăn ngừa béo phì. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người ăn chậm ít có khả năng tăng cân hơn những người ăn nhanh. Ăn chậm có liên quan đến chỉ số BMI thấp hơn và vòng eo nhỏ hơn. 

Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM