img

Một cuộc phỏng vấn và chụp hình được “bẻ lái” thành một cuộc trò chuyện giữa 3 con người chưa từng ngồi xuống với nhau trước đó: Đen, Diệp và Minh. Cuộc trò chuyện không chỉ là nhìn lại hành trình 1 năm với nhiều biến động của Đen Vâu, mà còn là những trăn trở đến từ những người cùng làm sáng tạo và phục vụ khán giả theo những cách của riêng mình.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 1.

Diệp: Thật ra buổi phỏng vấn ngày hôm nay có thêm Minh là bởi em muốn nó giống một cuộc trò chuyện nhất có thể. Dạo gần đây, em tự cảm thấy bản thân mình làm công việc này không còn tốt nữa. Lúc nào em cũng thấy một áp lực trong việc nói chuyện với mọi người và phải hỏi được những câu hỏi thật sắc bén và hiểm hóc. Em không bao giờ thấy hài lòng và bỗng nhiên việc phỏng vấn này biến thành một nỗi sợ vô hình. Dù em vốn là một người rất thích lắng nghe và chia sẻ, nhưng chỉ riêng việc ngồi trước mặt ai đó phỏng vấn cũng khiến em cảm thấy rất căng thẳng và làm mọi thứ không được trọn vẹn.

Điều này cũng khiến em nghĩ đến việc: Mình làm gì mà áp lực quá thì sẽ chẳng còn vui nữa nhỉ?

Minh: Minh rất đồng cảm với Diệp. Mình đã làm công việc này cũng lâu và cũng là một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, thế nhưng vẫn luôn có cảm giác lo lắng trước mỗi buổi chụp. Minh nghĩ, đó là sự trân quý với công việc của mình. Minh có từng đọc một người nghệ sĩ nào đó nói rằng: Trước khi lên sân khấu mà không còn thấy hồi hộp thì đừng nên đi diễn nữa mà hãy tạm nghỉ một thời gian. Đen thì sao? Đen có còn cảm thấy sự bồn chồn ấy?

Đen: Đen thì lúc nào cũng hồi hộp. Tim đập thình thịch và lúc nào lên sân khấu cũng phải mất 5 phút để làm quen. Buổi hôm nay thật sự hay, ta có thể biến nó thành cuộc nói chuyện giữa những người làm nghề với nhau, những bạn nghề.

Diệp: Ví dụ như em là một người chẳng ai biết đến, nhưng em vẫn rất áp lực. Nhưng với anh Đen, việc mỗi sản phẩm ra đời đều nhận được sự chờ đợi của đông đảo người nghe thì liệu áp lực ấy có nặng nề hơn không?

Đen: Có em à. Nếu nói không có thì là nói dối. Trước đây, mỗi khi ra sản phẩm Đen được mọi người ủng hộ nhiều quá. Mọi người nói rằng được mình truyền một tí cảm hứng á. Điều đó khiến anh mới có một cái áp lực là: Ôi chết, từ nay mình phải bớt cái phần cho bản thân mình đi và nghĩ cho người nghe nhiều hơn. Với trường hợp của Đen, anh xuất hiện và còn được làm nghề đến giờ là nhờ sự ủng hộ của khán giả. Vậy nên áp lực lắm. Áp lực trong việc phải làm hài lòng khán giả - không khác được, họ ủng hộ mình mà.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 2.

Diệp: Quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện phải phục vụ khán giả trước tiên, anh nhỉ?

Đen: Đúng rồi. Anh thích cái từ “phục vụ” lắm. Anh nhớ lần phỏng vấn trước với anh Bình Bồng Bột, có cả em cùng ngồi nữa, anh cũng nhắc đến từ “phục vụ”. Càng ngày anh càng nhận thấy rõ công việc mình phải làm. Anh nghĩ: Nghệ sĩ không phải là nghề. Phục vụ mới là nghề. Nghệ sĩ là một danh xưng cao quý người ta dành cho mình thôi. Nghề của Đen là biểu diễn, nghề của Minh là chụp hình, nghề của Diệp là tạo ra những bài viết. 

Diệp: Năm vừa rồi em cũng thấy anh cho ra mắt rất nhiều sản phẩm. Vậy năng lượng sáng tạo dồi dào đó đến từ đâu để anh miệt mài “phục vụ” như vậy?

Đen: Năm vừa rồi, thật ra anh không hài lòng với bản thân mình đâu. dongvuiharmony là sản phẩm của năm ngoái và cho ra mắt vào năm nay. Hơn nữa, dongvuiharmony là sản phẩm của những người đứng sau, những người thầy. Đen chỉ làm công việc quen thuộc của mình, đó là rap. Nhưng được cái, năng lượng lại đến từ việc học. Anh thấy rằng mình đã dùng hết những thứ mình có rồi và mỗi dự án như thế này trong quá trình làm nghề lại là cách để ta không ngừng đào tạo.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 3.

Diệp: Em thấy cảm giác ấy của em hiện lên rất rõ. Em vốn là đứa rẽ ngang và chẳng có học hành gì khi theo đuổi công việc này. Dạo gần đây, em thấy rằng mình có gì thì cũng dùng hết rồi và muốn giỏi hơn thì chẳng biết phải xài cái gì nữa. Vậy nên, lúc nào em cũng muốn mình phải học thêm.

Minh: Minh nghĩ ở đây, ai cũng là một người giỏi trong lĩnh vực của họ và theo cách riêng của từng người. Ai cũng ít nhiều có sự đón nhận từ cái người mà mình phục vụ. Minh nghĩ, cái khó và cái cần học của chúng ta là cảm xúc. Đôi khi, ta phải tạo ra nhiều cảm xúc hơn và đừng biến công việc mình yêu trở thành một thứ trách nhiệm. 

Diệp: Nhưng đôi khi lằn ranh đấy rất mong manh. Vậy trong những năm tháng học của anh Đen thì hẳn anh cũng đã học được cách kiểm soát cảm xúc của mình. Anh có từng nói rằng anh là người dễ bị… tụt mood, hay hồi hộp và lo âu nơi đông người. Anh đã học cách đối mặt với những cảm xúc đó chưa và quá trình học ấy diễn ra như thế nào? 

Đen: Nhiều khi anh nghĩ mình kiểm soát được đấy, nhưng hóa ra lại không. Khi gặp đúng một thứ mà chạm vào thấy đau thì anh lại giở ngay cái bản tính của mình ra. Đúng là chỉ đợi một cái gì đó chọc vào thôi. 


Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 5.

Diệp: Vậy ý tưởng về dongvuiharmony đến với anh từ lúc nào, và điều gì thôi thúc anh thực hiện nó? 

Đen: Như đã nói ở trên, mỗi khi làm một bài hát nào đó thì Đen luôn muốn tìm cách đưa cái gì đó mới mẻ vào. Có khi là một loại nhạc cụ mới thôi. Vậy là anh mới nghĩ: Thay vì chọn nhạc cụ này hay nhạc cụ kia, ta gom nó vào một cái thì hẳn sẽ dã man lắm. Nhưng cho đến lúc anh xem được clip của James Brown - ông hoàng nhạc soul, Rn’B và funk - kết hợp với huyền thoại opera là Pavarotti, hát cùng nhau trên sân khấu trước dàn nhạc. Khi đó anh mới nhận ra rằng hóa ra thính phòng không chỉ dành cho opera mà mình muốn hát gì trên đó cũng được, miễn sao nó hòa hợp. dongvuiharmony ra đời từ ý tưởng đó.

Ban đầu, anh không dám nghĩ đến cuộc chơi lớn và đông người như thế này đâu. Đơn giản chỉ là 20-30 cây nhạc cụ, 20-30 người hát đồng thanh cùng mình là vui rồi. Nhưng chính những người anh em bên cạnh đã cổ vũ mình: Chơi lớn luôn chứ còn gì nữa! Và thế là sản phẩm cuối cùng đông vui như vậy thật. 

Minh: Minh rất thích cái từ “đông vui”. 

Đen: Đen cũng nghĩ nhiều để tìm một cái tên cho nó. Cái gì đấy ghê gớm kiểu rap acoustic, rap & orchestra? Nhưng rồi Đen nghĩ lại: Mình làm cuộc chơi này để làm gì? Để vui thôi, và có đông người? Thế là đông vui chứ còn gì nữa. Khi mình làm mình thấy vui và mình tin là khi chia sẻ hình ảnh bản thu này thì khán giả cũng sẽ thấy vui thêm giống mình. Vậy là đủ. 

Minh: Ý tưởng để tất cả nghệ sĩ cùng mặc hoodie đến từ đâu? Có phải Đen muốn cân bằng giữa rap và nhạc cổ điển? 

Đen: Cũng không phải đâu. Quá trình ghi hình chỉ diễn ra trong một ngày vậy nên chẳng có thời gian để chuẩn bị trang phục, tất cả cùng mặc một màu và chọn hoodie cho… nhanh.  Quan trọng là ai cũng như ai, kể cả Đen hay mọi nhạc công khác. Người đặc biệt nhất là nhạc trưởng, anh ta là người chỉ huy và điều phối tất cả Đen cũng là một thành viên phải lắng nghe sự hướng dẫn mà thôi, chẳng khác gì các nhạc công và nghệ sĩ khác. Chỉ đơn giản là phần của Đen xuất hiện dài hơn một chút. Nhưng đặt mình vào bên trong thì tổng thể cuối cùng không phải Đen mà bài hát mới là thứ nổi bật.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 6.

Diệp: Anh hướng về điều gì khi thực hiện sản phẩm này? Anh muốn thỏa mãn con người nghệ sĩ trong mình? Anh muốn chứng minh rằng rap có thể rất sâu sắc và hàn lâm? Hay chỉ đơn giản là muốn tìm một cách nào đấy để những người nghe trẻ cũng có thể tiếp cận được với nhạc thính phòng?

Đen: Câu hỏi hay. Câu hỏi này khiến anh phải nhìn lại xem mình có tham vọng gì không? Liệu mình có phải một thằng tính toán nhiều không? Hồi hộp ù hết cả tai. Anh cũng muốn nhân lúc này để tự vấn bản thân xem liệu mình có muốn tỏ ra là mình ghê, mình kinh không?

Nhưng đúng là điều quan trọng nhất đó là anh muốn mang đến một món ăn mới cho khán giả của mình. Khi đi hát mà có band nhạc, anh luôn muốn mọi show đều có một bản phối mới. Với cái này cũng vậy, anh muốn một món ăn mới lạ và muốn một lần được chơi thử xem nó thế nào, chứ thực ra anh không dám và cũng không thể chứng minh điều gì. Thẳng thắn một điều, anh không có học. Khi mới bước chân vào phòng tập, lần đầu được lắng nghe nhạc giao hưởng vang lên, anh nói với mọi người: Đúng là… có học vẫn hơn. Nếu ai nghe nhạc thính phòng thì hẳn cũng biết dongvuiharmony phá vỡ những quy tắc vốn có của giao hưởng, vậy nên anh đâu thể chứng minh điều gì? Nó chỉ đơn giản là một cuộc vui, một màu sắc mới lạ cho người ta thưởng thức. Mình đã có những bản nhạc cao trào, nhộn nhịp rồi thì hẳn một lúc nào đó cũng sẽ có người muốn nghe gì đó du dương trên nền rap của mình. Vậy thì thử để mọi người có thêm lựa chọn thôi.

Diệp: Em có từng đọc một bài báo cho rằng nhạc rap của Đen khi đặt trên nền nhạc giao hưởng thì giống như là nấm truffle đặt cạnh canh rau muống. Anh có nghĩ đánh giá như vậy là nặng nề không?

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 7.

Đen: Anh nghĩ là chẳng nặng nề đâu. Bởi người ta không ở gần mình và cũng không hiểu thứ mà mình muốn lao vào. Họ có quyền được đánh giá, bởi điều đó chứng tỏ khao khát về âm nhạc và món ăn tinh thần mà họ muốn luôn phải tốt hơn. Đó cũng là thứ để mình hiểu rằng: Có những vị khán giả như thế. Họ am hiểu và họ mong muốn một tiêu chuẩn cao hơn.

Diệp: Anh có bao giờ phải đau đầu vì việc luôn muốn làm mới mình không? Như anh vừa nói, không chỉ làm sản phẩm mà mỗi lần đi diễn anh cũng muốn một bản phối mới?

Đen: Có. Trả lời luôn là có. Có đau đầu. 

Diệp: Đôi khi nó có khiến anh mệt mỏi không? 

Đen: Có. Mệt mỏi lắm. Có đau đầu, có mệt mỏi. 

Diệp: Đó có phải lý do khiến anh không muốn nhận quá nhiều show diễn? 

Đen: Không, show lại là một vấn đề khác. Nó là cơm áo gạo tiền, là tích lũy để cho những dự án tiếp theo. Anh hiểu vấn đề Diệp hỏi ở đây chỉ là khi mình đặt bút xuống để viết về một cái gì đó mới thì mình có áp lực không? Có mệt mỏi không khi luôn tìm cách làm mới mình? Hẳn nó sẽ giống lúc Minh bấm nút chụp. 

Minh: Lúc bấm nút chụp thì Minh lại rất thăng hoa, giống như khi Đen đứng trên sân khấu là sẽ chơi với tất cả mọi thứ xung quanh. Nhưng để diễn ra khoảnh khắc đó lại là hàng tỉ thứ đến trước. Giống như trước khi chụp Đen, Minh phải vẽ ra trong đầu rằng phải có cái này, phải có cái kia, làm thế nào để hòa hợp và cả hai cùng cho ra một tổng thể tốt nhất. Minh nghĩ rằng mình có sự đồng cảm với Đen ở đây.

Diệp: Đứng ở vị trí của Đen thì rõ ràng khán giả sẽ chia làm hai. Một bên vừa muốn mình làm mới, nhưng nếu làm mới thì sẽ lại có một bên nói rằng mình mất chất. Đứng giữa hai thái cực đấy, anh sợ điều gì hơn? Sợ bị mất chất hay sợ bị một màu? 

Đen: Anh nghĩ quan trọng nhất chính là sự hòa hợp. Nếu ta tìm được điểm hòa hợp thì mất chất hay một màu cũng chẳng còn quan trọng. Thậm chí, ngay cả việc làm mới mình cũng không quan trọng nữa. Làm sao để tìm ra cái hòa hợp, làm sao để tìm thấy điểm cân bằng mới là điều khó nhất. 

Diệp: Đâu đấy câu trả lời là sợ đánh mất mình nhỉ.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 8.

Đen: Đúng rồi. Từ chính bản thân mình mà rút kinh nghiệm thì đúng là đánh mất mình là điều nguy hiểm nhất. Đến tận bây giờ, mọi người ở lại và ủng hộ Đen cũng bởi Đen là bản thân mình thôi mà.

Minh: Có thể làm mới mình nhưng hãy đừng đánh mất mình. Khán giả của Đen cũng lớn lên và mọi người cũng sẽ phát triển. Vậy sau nhiều năm “phục vụ”, Đen thấy mình có thay đổi không? 

Đen: Chắc chắn rồi. Đen đã có sự thay đổi, làm sao có thể chối bỏ được điều đó. Đen thay đổi do tuổi đời, do trách nhiệm. Và khán giả cũng thay đổi, mỗi người có một đời sống và ở một độ tuổi nào đó thì họ cũng mong cầu một cái gì đó khác hơn. Khó nói quá, cái này thật sự vĩ mô bởi mình không thể biết được hết tất cả những người ủng hộ mình ngoài kia đang mong muốn điều gì? Liệu ta có thể chia họ ra từng nhóm không? Nhóm ở lại với âm nhạc của mình từ ngày đó, nhóm lại mong muốn mình trưởng thành và đi cùng với họ? Đen thì không chia ra như vậy và cũng chẳng nghĩ được nhiều về điều đó. Đen chỉ biết cắm đầu vào viết thôi à.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 9.

Diệp: Em thấy ở mỗi giai đoạn, người nghệ sĩ sẽ có một mục tiêu riêng để theo đuổi. Có giai đoạn mình muốn có được sự công nhận. Có giai đoạn lại muốn mình nổi tiếng và được yêu mến. Có giai đoạn lại muốn kiếm được rất nhiều tiền.

Minh: Đến một giai đoạn sẽ lại chỉ muốn làm những thứ mình thích. 

Diệp: Em thấy bây giờ anh Đen gần như đã có tất cả những điều ở trên rồi. Vậy trong chặng đường tiếp theo, anh sẽ tìm kiếm điều gì? 

Đen: Em hỏi câu khó thật đấy. Anh mong Diệp hiểu là anh chưa bao giờ đặt ra cho mình một mục tiêu nào đó. Những thứ mà anh có như Diệp nói, anh thấy nó tạm bợ lắm. Quay trở lại suy nghĩ của Đen, đó là nghệ sĩ không phải là nghề. Ngay cả những thứ như sự ủng hộ của khán giả, vị trí mình đang có, số tiền mình kiếm được… tất cả đâu phải là những giá trị bất biến? Ta có thể có tất cả hôm nay nhưng cũng có thể mất đi hết vào ngày mai.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 10.

Diệp: Sự tìm kiếm ấy đôi khi chẳng phải là một mục tiêu đâu.

Đen: Thế thì là thế này: Có cơm ăn áo mặc. Đó là điều chưa bao giờ anh bỏ ra khỏi đầu. Nó đồng nghĩa với sự an tâm, bởi mình đã có quá nhiều ngày phải lao đao rồi. Anh phải thú thật là mình sợ bị đói, và cái đói này không chỉ là đói ăn đâu mà còn là nhiều thứ khác nữa: Trách nhiệm với gia đình - liệu mình có lo lắng được cho họ không? Cuộc sống này thật vô thường và ta chẳng thể biết trước được điều gì sẽ đến. Liệu có biến cố xảy ra, ta có lo được cho những người thân yêu? Lúc chưa đi hát, anh luôn đau đáu rằng liệu ba mẹ đi bệnh viện thì tiền đâu ra? Bây giờ ta chỉ phải lo cho mình thôi, nhưng đến khi có gia đình thì ta lo cho họ kiểu gì? Hành trình của Đen cho đến tận bây giờ là chỉ đủ sống. Mà “đủ” nghe thì đơn giản nhưng cũng vĩ mô lắm đó nha. 

Minh: Minh nghĩ rằng ta hạnh phúc khi ta biết đủ. Và chừng nào chưa thấy đủ thì ta chưa hạnh phúc đâu. 

Diệp: Anh thấy cái đủ của mình ở thời điểm hiện tại đã nâng lên nhiều hạn mức so với ngày xưa chưa?

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 11.

Đen: Trong sinh hoạt bình thường thì anh thấy đủ lắm rồi á, anh không còn mong gì hơn. Nhưng còn trong công việc thì do mình xuất hiện ở nhiều nơi hơn đồng nghĩa với việc phải đầu tư hơn. Âm nhạc của mình phải tiến lên, và tiến lên theo cách là mình phải làm việc với nhiều người giỏi hơn. Anh luôn tâm niệm rằng mình có bao nhiêu thì mình phải chơi với âm nhạc bấy nhiêu. Tạm thời thì cũng thấy… đủ. Nhưng anh hiểu ý của Diệp về sự tìm kiếm nha. Nếu là về nghệ thuật dành cho công chúng thì anh từ trước đến giờ anh luôn kiếm tìm một điều: Đó là viết được nhiều nhạc. Nhạc thế nào, tính sau. Cứ viết được đã. Cảm giác không viết được thấy bực lắm luôn á.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 12.

Diệp: Anh có thấy sự sáng tạo của mình lúc mới vào nghề dạt dào hơn bây giờ không? 

Đen: Cũng không phải là dạt dào hơn mà do hồi đó mình chẳng nghĩ gì nhiều. Còn bây giờ thì không thể nào mà không nghĩ được.

Minh: Bây giờ có quá nhiều thứ chi phối. 

Đen: Ngày xưa, lượng người nghe của mình nhỏ thôi, vậy nên quan điểm cũng sẽ có nhiều sự tương đồng. Bây giờ, lượng người nghe nhiều hơn thì quan điểm của mình chưa chắc đã đúng với chính những người ủng hộ mình nha. Nói gì đến những người không ủng hộ mình. Hãy hiểu là mọi quan điểm đều có thể bẻ được, chuyện gì cũng sẽ có mặt đúng và sai thôi à.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 13.

Diệp: Đến ông trời mà còn có người ghét mà, phải không? Ngày buồn thì bạn trách ông trời bất công, ngày nào vui thì chẳng bất công nữa. Nhưng mà rõ ràng khi bắt đầu với âm nhạc thì trái tim và tâm hồn của anh hẳn nhiên sẽ trong sáng hơn. Sau nhiều năm, cái cách anh nhìn về âm nhạc có còn vẹn nguyên như ban đầu?

Đen: Tự vấn, tự vấn. Bây giờ có còn trong sáng không ta? Ngày xưa viết nhạc chẳng có ai nghe, vậy nên anh chẳng có gì để mưu cầu cả. Mọi thứ cũng hồn nhiên hơn. Bây giờ viết là biết mọi người đều trông đợi vào đó, vậy nên bớt thoải mái hơn, nhưng cũng chỉn chu và chọn lọc hơn. 

Minh: Nhưng mà nhé, mọi người nói rằng nghệ sĩ khi sáng tác để có cảm xúc thì phải hồn nhiên. Đen nghĩ ở giai đoạn này, Đen có bị thiếu đi sự hồn nhiên đó không? Sự hồn nhiên đó còn bao nhiêu phần trăm? Lúc ban đầu 10 ngàn view đã là vui lắm rồi thì hẳn sự hồn nhiên sẽ nhiều hơn. Còn bây giờ, một sản phẩm có thể lên tới cả trăm triệu view thì sự hồn nhiên đó có giảm sút? 

Diệp: Như ngày xưa, Minh post ảnh mà được 100 likes là thấy rất vui rồi nhỉ? 

Minh: Minh biết rằng mình khác với những ca sĩ hay người trình diễn. Bây giờ, Minh chỉ làm những thứ mình thích. Up  ảnh 10 likes cũng ok, quan trọng là mình có thích hay không. Nhưng người ca sĩ hay làm về âm nhạc thì lại là chuyện khác. 

Diệp: Đôi khi, sự hồn nhiên đến từ việc mình muốn nghĩ thế nhưng mọi người lại không cho rằng như thế.

Đen: Đó, không hồn nhiên ở điều đó đó. Khi viết xong một câu, mình lại phải tự hỏi: Ôi chết rồi, câu này mọi người sẽ hiểu theo kiểu gì ta? Vậy là lại phải sửa, phải tính lại. Vậy là bớt hồn nhiên rồi đó. Sự bớt hồn nhiên đó nhiều khi đến từ nỗi sợ nữa Minh à. Sợ bị công kích, sợ bị bẻ.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 14.

Diệp: Nhưng điều ấy tốt hay không tốt với việc sáng tác?

Đen: Tốt hay không thì anh nghĩ còn phải xem đến đối tượng mình hướng tới. Bây giờ đối tượng âm nhạc của mình là thanh niên, là người lớn, thậm chí cả trẻ em. Bắt buộc mình phải có sự bớt hồn nhiên và sự điều tiết đó, không có không được em à. Chỉ cần mình nói sai đi một chút…

Diệp: Em thấy rằng năm vừa rồi cũng là năm mà anh đón nhận nhiều ý kiến trái chiều hơn. Là năm đầu tiên mà anh cứ ra sản phẩm nào là lại bị soi đến từng câu và phản biện liên tục. Từ một người làm gì cũng được khen, rồi bỗng trở thành một người làm gì cũng bị đặt dấu hỏi - cảm giác của anh như thế nào?

Đen: Giật mình. Liệu mình có đang hồn nhiên quá không? Những thứ mình đang thấy là vui thì liệu mọi người có thấy vui không? Liệu mình có nên tính toán thêm? Thật ra, Đen không bao giờ ngại việc bị chê. Bản chất anh là một thằng tự ti nên cái việc bị chê, anh chẳng lạ gì. Khen nhiều quá thậm chí còn thấy… sợ sợ. Anh chỉ buồn vì những miệt thị. Ví dụ, Diệp hay Minh góp ý: “Đây chỗ này chưa được, mình nên sửa để thú vị hơn” - đó là góp ý tích cực. Còn sự miệt thị, cố tình bẻ lái để gây nên sự chia rẽ giữa Đen và fan của mình, đó là thứ khiến mình buồn. 

Diệp: Anh có bao giờ bị tổn thương vì những sự chia rẽ đó?

Đen: Có. Anh thấy lạ là có những điều hiển nhiên lắm mà người ta vẫn bẻ lái được. Ví dụ như “Mang tiền về cho mẹ”. Tất nhiên là sẽ có những trường hợp khác trong cuộc sống mà mình chẳng thể đại diện được. Trong khi, anh lại chỉ muốn kể câu chuyện của chính bản thân mình. 

Minh: Nghe bài đó Minh rất là cảm động. Minh về Việt Nam từ năm 2015. Khi đó, mẹ không có cho Minh về, nhưng Minh có hứa với mẹ rằng: Mẹ yên tâm, mỗi Tết con sẽ đều bay về Mỹ với một nửa số tiền con kiếm được trong tài khoản. Mỗi năm Minh đều làm được điều đó, đều đặn cho đến năm Covid vừa rồi. Và khi quay lại Mỹ vào năm đó, cái Minh gửi cho mẹ chỉ là một cái ôm thôi nhưng thật sự mẹ cũng rất cảm động. 

Đen: Đâu có mẹ nào muốn lấy tiền của con đâu. Chỉ là mình muốn, nếu có điều kiện, sẽ đỡ đần mẹ trong khả năng. Thế là bữa giờ, anh mới nghĩ ra rằng: Có những thứ mình thấy nó đúng nhưng lại chẳng đúng với tất cả mọi người. Chắc là mình nên sắp xếp lại nó thôi. 

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 15.

Diệp: Hình như nổi tiếng là một sự đánh đổi nhỉ?

Đen: Mình chấp nhận được nó đến đâu thôi. Nhưng anh không nghĩ nó là sự đánh đổi đâu. Nghe giống như bị ép lấy đi ấy. Với trường hợp của Đen, sự nổi tiếng đem lại nhiều thứ hơn là lấy đi. Đen không thấy mình phải đánh đổi điều gì.

Diệp: Một sự thỏa hiệp chăng?

Đen: Hãy gọi đó là việc trao đi thời gian và đời sống cá nhân, trao hành động và cả đầu óc. 

Diệp: Trong cuộc sống anh vẫn là người… 

Đen: Cũng vẫn vậy thôi mà. 

Minh: So với 3 năm trước, khi Minh chụp Đen, Minh cũng thấy được điều Đen nói. 

Đen: Đen muốn Minh đánh giá Đen đi, cả bên trong lẫn bên ngoài. Bằng một con mắt của người chuyên về hình ảnh. 

Minh: Bên trong của Đen, Minh thấy vẫn y chang à, chẳng khác gì. Bên ngoài Đen có sự thay đổi, không phải là cầu kỳ, nhưng đó là sự chăm chút cần thiết. Còn nếu để nói về tinh thần con người thì Minh thấy vẫn vậy. 

Đen: Minh có nghĩ Minh là một người đơn giản không? 

Minh: Hồi xưa Minh phức tạp hơn bây giờ. Càng lớn, Minh càng đơn giản hơn rất nhiều. Tại vì Minh thấy rằng, không tính đến việc ta làm công việc gì nha, thật sự càng lớn tuổi thì đường sống… ngắn lại, ít cơ hội tận hưởng đi. Vậy nên nếu ta cứ khó khăn quá thì cái cơ hội được hạnh phúc lại càng thu hẹp. Phải biết bỏ cái tôi của mình về tinh thần xuống, con người càng dễ chịu, càng đơn giản bao nhiêu thì sẽ dễ tìm thấy niềm vui hơn bấy nhiêu. 

Đen: Em thì sao? Diệp cách đây 10 năm như thế nào? Em có nhiều mong muốn trong đời sống và các mối quan hệ hay không? 

Diệp: Chắc là 10 năm trước em không phải người đặt quá nhiều kỳ vọng vào cuộc sống và cả các mối quan hệ xung quanh. Còn bây giờ em lại là một người hơi khắt khe với bản thân. Nhưng áp lực của em thường đến từ việc em muốn phải làm cái này thật tốt và hoàn hảo, nhưng khi em không làm được chúng, em sẽ tự trách mình rất nhiều và thất vọng vì bản thân. Điều đó vô hình khiến em cảm thấy mệt mỏi.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 16.

Minh: Bây giờ Đen có phải một người đơn giản không?

Đen: Trước đây Đen nghĩ mình là người đơn giản. Nhưng càng sau này, Đen càng nhận ra là phải trải qua cả một quá trình phức tạp thì ta mới có thể đơn giản. Anh em mình thì đều ở ngưỡng 30, vẫn đang trong quá trình thu nhận. Đen nghĩ phải đến 40-50 mới bắt đầu lọc bớt, hoặc vẫn có thể vừa nhận, vừa thanh lọc. 

Minh: Mối quan tâm lớn nhất của Đen trong thời điểm hiện tại là gì? 

Đen: Mọi thứ của Đen đều đến từ âm nhạc. Vậy nên không viết được nhạc nữa là Đen… toi luôn. Toi từ chính sâu bên bên trong ấy, vì nó là thứ để Đen giải trí nữa mà. Sở thích của Đen là viết rap, và đó cũng chính là mâu thuẫn lớn nhất của bản thân Đen. Vừa là áp lực, vừa là sở thích. Người ta chơi cầu lông hay đá banh để giải trí, nhưng với Đen, viết nhạc là giải trí. Ngày xưa cứ đi làm về mệt mỏi nhưng chỉ mệt tay chân thôi vì mình lao động mà, đầu óc lại cực kỳ thanh tịnh. 5 giờ chiều tan làm là ngồi vào bàn viết nhạc luôn, đó chính là sự giải trí của riêng Đen. Nói để mọi người hiểu, tại sao Đen lại thấy bực vì không viết được nhạc.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 17.

Diệp: Nhưng có một sự mâu thuẫn nào khi anh vừa thấy mình là một người đơn giản, nhưng anh cũng là một rapper - vốn là những người cũng đầy những trăn trở về cuộc sống.

Đen: Ôi, nhiều chứ. Anh nghĩ bản chất con người là tập hợp của những mâu thuẫn. Ta nghĩ rằng mình chẳng cần gì cả nhưng thật ra lại cần rất nhiều thứ. Ta nghĩ mình chẳng chờ đợi gì nhưng khi nó đến đúng như kỳ vọng thì ta lại thích thú biết bao. 

Thật ra, những ai nghe nhạc của Đen nhiều hẳn cũng sẽ nhận ra sự mâu thuẫn ấy. Kiếm cơm ở thành phố nhưng cũng muốn rời xa thành phố. Muốn lo cho gia đình nhưng lại dành hết tâm sức cho cuộc chơi của bản thân.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 18.


Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 19.

Diệp: Anh luôn rap về những gì lạc quan của con người, vậy có khi nào anh nghĩ mình sẽ cho khán giả nhìn thấy một góc nào đó muộn phiền và mong manh hơn của mình không?

Đen: Thật ra trong nhạc của Đen đã có rồi đó! Nhưng vì anh biết đẩy những gì tích cực trong bài nhạc của mình lên thôi.

Minh: Có điều gì mà Đen chưa làm được nhưng vẫn luôn đau đáu làm trong âm nhạc của mình?

Đen: Năng lượng và sự động viên. Đen muốn động viên mọi người bởi đó cũng là động viên chính bản thân mình, Đen chưa làm được Minh à. Trước đây, Đen mới chỉ xoa dịu mọi người thôi. Tất cả mới chỉ là “Ok, không sao đâu”. Nhưng sự động viên cần nhiều năng lượng hơn. Nó cần phải: “Cố lên! Cố lên!”. Nó cần phải mãnh liệt và thôi thúc hơn nữa. 

Diệp: Nhưng mới xoa dịu thôi mà cũng có người gán mác là “tích cực độc hại”, chill quá thì lại là “cổ vũ sự lười”. Hình như bây giờ làm một người lạc quan, sống vui vẻ đơn giản cũng… hơi khó. 

Đen: Nhưng đó lại chính là những kiến thức mới thì phải. Hóa ra cái văn hóa, học vấn và ý thức của thời đại này khác xưa nhiều lắm. Cái thời tụi mình đơn giản hơn rất nhiều. Bây giờ có biết bao luồng tri thức mới, và riêng việc xem xem ngoài kia người ta tiếp thu chúng như thế nào cũng rất hay.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 20.

Diệp: Những thảo luận ấy cũng mang đến cho ta nhiều giá trị. Có những tư tưởng ấy thì ta cũng cởi mở dần lên. Em học được rằng: Một vấn đề có nhiều chiều, đôi khi ta thấy nó đúng, nhưng đến một thời điểm nó lại sai. Và nó đòi hỏi ta cũng phải có sự cởi mở nữa.  

Đen: Khi cởi mở anh học được nhiều thứ lắm! Ngày xưa, ai mà phán xét hay chê bai, anh sẽ khó chịu. Nhưng bây giờ, anh học cách dừng lại 1 nhịp, tự hỏi bản thân rằng: “Tại sao họ lại nghĩ thế?”. Anh xem lại mình trước. Chắc có lẽ là do tuổi đời, mình biết cách lắng nghe hơn. Bản thân anh cũng là một thằng chậm thích nghi, vậy nên nhiều khi cũng hơi shock trước những luồng tư tưởng mới. 

Nhiều khi anh cũng sợ mình sẽ phán xét những người không ủng hộ mình. Mà đúng là mình cũng từng như vậy thật. Mình cứ nghĩ là mình đã cởi mở rồi nhưng sự cởi mở của tuổi 30 lại khác với sự cởi mở của người 12, 15. 

Minh: Minh nghĩ rằng ta không nên đánh giá bất cứ ai bởi ta không sống cuộc đời của họ. Nhưng ta có quyền được chọn lựa rằng mình có đồng cảm hay không. Ngay kể cả với một bài hát, Minh có thể thích một bài hát của Đen và chọn chia sẻ nó. Nhưng nếu Minh không cảm nhận được, Minh sẽ không nghe chứ không chọn việc đả kích.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 21.

Đen: Đen hiểu ý của Minh. Hay á! Quan điểm này cực hay. Thích hay không hãy để sang một bên để đặt câu hỏi: “Tại sao người này viết như vậy? Tại sao người này hành động như vậy?” Quan điểm này hay thật.

Minh: Khi để cái tôi của mình xuống, cái nhìn của ta về mọi thứ trở nên rõ ràng và đa diện hơn.

Đen: Sau khoảng thời gian vừa rồi, Đen tự vấn bản thân nhiều lắm. Liệu mình có đang làm đúng không? Mọi thứ quay lại cái thời mà mình hoài nghi về bản thân rất nhiều. Nhạc của mình liệu có tốt cho mọi người? Liệu nó còn có ích? Tự vấn, đôi khi chẳng phải để đưa ra câu trả lời đâu mà chỉ là một dịp để ta đối thoại và ngẫm nghĩ lại thôi. 

Diệp: Câu hỏi cuối nhé: Từ trước đến nay, mọi người thấy ngày nào là ngày tuyệt vời nhất của mình? 

Minh: Mỗi ngày thức dậy, Minh sẽ tìm cho mình một lý do để hạnh phúc. Được uống một ly cafe ngon, nghe một bài nhạc, thấy cây trúc mọc lên đẹp ghê, vậy là Minh lại cảm nhận cái đẹp và cái hay xung quanh để thốt ra bằng miệng bằng cả tấm lòng. Minh khen cuộc sống nhiều hơn và nói ra nhiều sự tích cực hơn, tự nhiên mình cũng cảm thấy vui hơn.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 22.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 23.

Đen: Khi Diệp hỏi câu đó thì trong đầu anh có rất nhiều thứ đang lướt qua, thật khó để chọn cái nào là nhất. Anh nhớ ngày quay bài “Đi theo bóng mặt trời” ở Tà Năng - Phan Dũng. Khi ấy băng rừng, chân thì đau, vai thì mỏi, mồm thì khát khô. Điều mong nhất là vượt qua được khu rừng này sẽ có một lon nước đá mát lạnh để uống và một cái giường để nằm . Khoảnh khắc ấy đúng là tuyệt vời thật. Ngày hôm qua thì anh mất ngủ, mãi đến 5h sáng mới chợp mắt được, từ sáng đến giờ rất mệt mỏi. Nhưng vừa nãy khi chụp ảnh và nằm dưới bầu trời, ánh nắng phả vào mặt, anh thấy thật tuyệt vời.

Minh: Thật sự nha, cuộc sống bây giờ có thật nhiều điều khiến mình phải phân tâm. Nhưng mỗi ngày, khi đặt lưng xuống giường và chuẩn bị đi ngủ, Minh biết rằng mình vẫn còn ở đó là đã thấy rất hạnh phúc rồi. Sáng thức dậy, được nằm ở cái giường đó, ngắm mặt trời lên và biết rằng mình bắt đầu một ngày mới với sức khỏe - nhiêu đó cũng khiến ngày hôm ấy trở nên tuyệt vời. 

Diệp: Với Diệp, buổi trò chuyện hôm nay cũng rất tuyệt vời và lâu lắm rồi Diệp mới cảm thấy thật sự thoải mái và nhẹ nhõm khi hoàn thành nó. Cảm ơn tất cả mọi người đã cùng ngồi ở đây ngày hôm nay và chúc cho mỗi ngày về sau của anh Đen, của Minh hay Duy cũng đều bắt đầu với những điều tuyệt vời như thế.

Một cuộc trò chuyện với Đen Vâu - Ảnh 24.



Tổ Quốc