Một công việc từng là “vua của mọi nghề”, kiếm đến hơn 3 tỷ đồng/năm nhưng nay ảm đạm, người trẻ ngày càng ít mặn mà

23/05/2023 19:25 PM | Sống

Việc làm trong ngành này từng được mệnh danh là “vua của mọi nghề” bởi mức lương cao, đãi ngộ tốt và luôn khát nhân lực. Tuy nhiên, sinh viên và người mới vào nghề hiện nay cũng không còn quá hứng thú với việc làm đúng ngành vì nhiều nguyên nhân.

Big Tech (công ty công nghệ lớn) đang mất đi sức hấp dẫn với sinh viên mới tốt nghiệp và nhân viên trẻ, dù công việc trong lĩnh vực công nghệ tại thung lũng Silicon (Mỹ) từng đem đến mức lương trung bình 133.000 USD/năm (tương đương 3,1 tỷ đồng), theo hãng nghiên cứu thị trường Statista.

Các công ty công nghệ lớn bao gồm Meta, Google, Amazon, Microsoft cùng nhiều công ty nhỏ hơn như Twitter và Snap dành cả năm 2022 để cứu vãn tốc độ tăng trưởng bị chậm lại nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan. Hệ quả là hàng trăm nghìn nhân viên công nghệ đã mất việc đầu năm nay và chật vật để tìm kiếm công việc mới.

Một kỹ sư cấp trung cho biết anh phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn tại 2 Big Tech nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối do những công ty này tiếp tục sa thải nhân viên. Kỹ sư này buộc phải làm tại một công ty trong ngành khác với mức lương chỉ bằng một nửa so với trước đây. “Tôi đã mất rất nhiều niềm tin vào ngành công nghệ trong một năm qua. Tôi cũng không hiểu vì sao từ đầu mình lại chọn ngành này nữa”, người này nói.

Công nghệ không còn quá hấp dẫn với người trẻ

Sinh viên và những người mới tốt nghiệp các chuyên ngành như khoa học máy tính - kỹ thuật thường xuyên nghe những câu chuyện xoay quanh tương lai mù mịt của họ. Nhiều cố vấn cảnh báo họ những cạm bẫy khi dấn thân vào các công ty lớn, nơi trước đây luôn được ca ngợi là một trong những lĩnh vực ổn định nhất, nhiều đặc quyền và trả lương cao. Không những vậy, các công cụ AI sáng tạo như ChatGPT hiện nay thậm chí có thể loại bỏ nhu cầu về kỹ sư nhờ khả năng viết code tốt.

“Đây là thời điểm tồi tệ nhất với một kỹ sư mới vào nghề kể từ năm 2000, khi bong bóng Dot Com bùng nổ”, Aline Lerner, CEO nền tảng Interviewing.io có kết nối với các Big Tech, cho biết.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Economist

Tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), lượng sinh viên theo học chuyên ngành khoa học máy tính và kỹ thuật tăng 5% từ năm 2020, từ 735 lên 774 sinh viên, theo dữ liệu tuyển sinh mà trường công bố. Tuy nhiên, MIT đang ghi nhận số lượng sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng này ngày càng ít đi, giảm 12% vào năm ngoái xuống còn 260 sinh viên, so với 297 sinh viên vào năm 2020.

ĐH Princeton (Mỹ) cũng ghi nhận thực trạng tương tự khi số lượng sinh viên theo học khoa học máy tính giảm xuống, từ 12% trên tổng số sinh viên còn 9%.

“Số lượng sinh viên và kỹ sư cấp thấp sử dụng Interviewing.io trong quý đầu tiên của năm nay đã giảm xuống còn 1/10 so với một năm trước. Tôi nhận thấy ngay cả sinh viên từ các trường hàng đầu như Stanford hay MIT cũng đều thấy khủng hoảng”, CEO Lerner nói. “Khi hoạt động kinh doanh bị siết chặt và việc tuyển dụng chậm lại, những vị trí cấp thấp bị cắt giảm đầu tiên. Thêm vào đó, các công cụ AI hữu ích có thể thay thế những vị trí này và các kỹ sư thực tập, điều này mới đáng sợ”.

Chuyển ngành để tìm “lương cao, công việc ổn định”

Theo một nghiên cứu khảo sát gần 2.000 sinh viên trong năm nay từ startup tuyển dụng Handshake (Mỹ) cho thấy, mối quan tâm đến các ngành khác đang tăng vọt. Đơn xin việc cho các tổ chức chính phủ đã tăng 104%, trong khi đơn xin việc cho các tổ chức phi lợi nhuận tăng 44%. Handshake cũng phát hiện ra mức độ chú ý của sinh viên đến các công ty có thương hiệu lớn và phát triển nhanh đã giảm 10-15%.

“Trên hết, sinh viên muốn một công việc ổn định với mức lương cao. Họ sẵn sàng bỏ qua các yếu tố như danh tiếng và tốc độ tăng trưởng của công ty để làm việc từ xa và đạt được mục tiêu”, nghiên cứu viết.

Sinh viên trong các lĩnh vực kỹ thuật máy tính cũng muốn áp dụng những gì họ đã học để tác động tích cực đến xã hội, chứ không đơn giản là kiếm được một công việc lương cao trong Big Tech.

Stephen Pultz, người đứng đầu bộ phận quản lý tuyển sinh tại Đại học San Diego (Mỹ), cho biết các chuyên ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) của trường vẫn được quan tâm. Nhưng sinh viên đang bắt đầu đặt câu hỏi về trách nhiệm xã hội của bản thân họ.

“Tôi thấy ngày càng nhiều sinh viên mong muốn và nghĩ cách áp dụng kiến thức của mình vào những vấn đề lớn hơn, như năng lượng và tính bền vững”, Pultz nói. "Họ muốn sử dụng những chuyên ngành này để làm việc tốt cho xã hội, bên cạnh việc kiếm tiền”.

Theo Business Insider

Theo Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM