Món Huế, The Kafe và những ông lớn F&B từng 'ngã ngựa' tại thị trường Việt Nam

24/10/2019 10:27 AM | Kinh doanh

Người đến, kẻ đi nhưng thị trường F&B Việt Nam chưa bao giờ hết hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Với khoảng 100 triệu dân, Việt Nam được coi là thị trường giàu tiềm năng cho ngành F&B. Theo nghiên cứu Toàn cảnh ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam năm 2018 của Vietnam Report, ngành này hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên; đồng thời đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu).

Hấp dẫn như vậy nhưng thực tế, tồn tại và phát triển trên một thị trường đầy rẫy đối thủ cạnh tranh, trong khi nhu cầu người dùng liên tục thay đổi, chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng.

Mới đây nhất, chuỗi nhà hàng Món Huế của công ty Huy Việt Nam bất ngờ đóng cửa các cơ sở tại TPHCM, đi kèm với đó là khoản nợ hàng chục tỷ đồng chưa thanh toán cho phía các nhà cung cấp. Gần như ngay lập tức, các chuỗi đồ ăn cùng công ty mẹ với Món Huế như phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy, Great Bánh Mì,…rơi vào thảm cảnh tương tự.

Và thực tế, Món Huế cùng những người "anh em" của mình không phải chuỗi F&B đầu tiên bất ngờ đóng cửa tại Việt Nam. Trước đó, nhiều chuỗi nhà hàng, đồ uống đình đám một thời cũng phải đầu hàng trước sự khắc nghiệt của thị trường.

The Kafe

Món Huế, The Kafe và những ông lớn F&B từng ngã ngựa tại thị trường Việt Nam - Ảnh 1.

The Kafe được founder Đào Chi Anh thành lập từ năm 2013 với mục tiêu đi tiên phong trong việc mang đến những món ăn mới lạ của ẩm thực Âu-Á kết hợp lối thiết kế sang trọng, đẹp mắt.

Chuỗi cà phê theo phong cách độc đáo này đã bước đầu thành công khi chỉ sau một tháng hoạt động, cửa hàng thu về lợi nhuận đủ để trả cho nhân viên và duy trì chi phí hoạt động. Trong tháng 10/2015, startup của Đào Chi Anh cho biết đã huy động thành công 5,5 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông.

Liên tiếp sau đó là sự mở rộng phạm vi kinh doanh của 4 thương hiệu The KAfe, The KAfe Village, The KAfe Box và The Burger Box, với 26 chi nhánh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên mọi chuyện không hề suôn sẻ khi người tiêu dùng bắt đầu quay lưng vì thực đơn của quán không quá đặc sắc trong khi nhiều lựa chọn khác đã xuất hiện trên thị trường. Đến tháng 8/2016, The KAfe bị tố cáo chây ì, không chịu thanh toán khoản nợ lên tới hàng tỷ đồng cho một công ty thực phẩm. Tháng 10/2016, Đào Chi Anh không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của KAfe Group, doanh nghiệp chuyển thành 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, chỉ sau nửa năm cựu CEO dứt áo ra đi, The Kafe đóng toàn bộ cơ sở tại Hà Nội và Sài Gòn, chấm dứt hoạt động vào tháng 4/2017.

Tenren

Món Huế, The Kafe và những ông lớn F&B từng ngã ngựa tại thị trường Việt Nam - Ảnh 2.

Ten Ren được mang về Việt Nam năm 2017, khi cơn sốt kinh doanh trà sữa lên cao. Thương hiệu trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan và được Công ty CP TMDV Trà Cà Phê Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi The Coffee House) mua nhượng quyền kinh doanh tại Việt Nam.

Đơn vị này từng tham vọng sẽ đổ khoảng 100 tỷ đồng để đạt mục tiêu có 30 đến 40 cửa hàng trong năm 2018. Họ cũng từng kỳ vọng trong năm 2018 sẽ tìm cho mình được công thức thành công nhằm chinh phục khách hàng, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh từ năm 2019 về sau, trở thành thương hiệu trà - trà sữa được yêu thích nhất Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế phát triển lại không được như kỳ vọng. Đến hết 2018, Ten Ren có 23 cửa hàng và trong năm 2019, họ không khai trương thêm bất cứ cửa hàng nào nữa để tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh kinh doanh.

Giữa tháng 7 vừa qua, phía The Coffee House bất ngờ gửi thông cáo báo chí, công bố toàn bộ 23 cửa hàng chuỗi trà sữa Tenren sẽ đóng cửa, ngày hoạt động cuối cùng của các cửa hàng là 15/8.

"Chúng tôi nhận thấy mô hình kinh doanh hiện tại chưa phù hợp với nhu cầu khách hàng. Với kết quả chưa đạt như kỳ vọng, chúng tôi sẽ ngừng kinh doanh chuỗi cửa hàng Ten Ren và hoạch định lại chiến lược phù hợp cho lĩnh vực này", thông báo của đơn vị quản lý cho biết.

Phần lớn mặt bằng của cửa hàng Ten Ren sau đó được chuyển nhượng cho một chuỗi trà sữa khác là Toocha.

Gloria Jean's Coffees

Món Huế, The Kafe và những ông lớn F&B từng ngã ngựa tại thị trường Việt Nam - Ảnh 3.

Cùng thời The Kafe đóng cửa, một chuỗi F&B khác cũng rút lui khỏi thị trường Việt Nam, đó là Gloria Jean’s Coffees. Thương hiệu cà phê phổ biến tại Úc đã "ngậm ngùi" đóng cửa quán cà phê cuối cùng tại Grand View, Phú Mỹ Hưng, trong tháng 4/2017, chấm dứt 10 năm thăng trầm tại thị trường Việt Nam.

Năm 2006, tập đoàn cà phê đa quốc gia Gloria Jean's Coffees đến Việt Nam thông qua hợp đồng nhượng quyền (franchise) với một công ty trong nước.

Khi đó, ông Billy Sin, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á khẳng định Việt Nam, cũng giống một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... là thị trường tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ đồ uống. Dù là nước xuất cà phê lớn nhất, nhì thế giới, Việt Nam chỉ có thế mạnh về cà phê robusta, còn Gloria Jean's tập trung phát triển cà phê arabica nên "cũng không ảnh hưởng gì".

Tuy nhiên mọi chuyện không dễ như tưởng tượng của ông Billy Sin. Sau gần 6 năm tiến vào Việt Nam, Glorian mới chỉ mở được 6 cửa hàng tại khu vực thành phố Hồ Chí Mình, tốc độ phát triển khá chậm so với các chuỗi còn lại.

Đến năm 2012, "biểu tượng" của Gloria Jean’s trên đường Đồng Khởi đã bị đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng quá cao trong khi lợi nhuận từ kinh doanh không đáp ứng nổi. Đến cuối năm 2015, số chuỗi cà phê Gloria tại thành phố Hồ Chí Minh giảm một nửa và tiếp tục giảm xuống còn 2 cửa hàng vào cuối năm 2016, trước khi bị xóa sổ hoàn toàn vào 2017.


Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều thương hiệu F&B đã từng tồn tại trên thị trường Việt Nam nhưng sau đó phải rời đi vì làm ăn thua lỗ. Có thể kể đến một số cái tên khác như chuỗi Phở 24 của doanh nhân Lý Quí Trung, chuỗi cà phê New York Dessert Café - NYDC; Coffee Bar,...

Nhật Anh

Cùng chuyên mục
XEM