Môi trường kinh doanh: "Bên cạnh lời cảm ơn còn có nhiều tiếng khóc"

01/08/2018 08:27 AM | Xã hội

Trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp "chết" thì nguyên nhân từ môi trường kinh doanh chiếm khoảng 50%...

Hội thảo đã nghe rất nhiều lời cảm ơn, nhưng nên có lời điếu, có tiếng khóc cho những doanh nghiệp đã "chết" vì những vô lý của điều kiện kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người được Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn giới thiệu là "theo dõi từng nhịp thở của doanh nghiệp" đã nói như thế trong hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội.

Tại đây, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp đã nói lời cảm ơn với VCCI và nhiều cơ quan liên quan vì những đóng góp, những quyết định cắt giảm điều kiện kinh doanh mà điểm sáng được nhấn đi nhấn lại là nghị định mới về kinh doanh khí, về an toàn thực phẩm... Dù quá trình thay thế được tính bằng nhiều năm và chất chứa nỗi thống khổ của các doanh nghiệp.

Tạm thở phào với một số sửa đổi, cắt giảm về điều kiện kinh doanh, song hội thảo vẫn tiếp tục ghi nhận những vô lý, những tréo ngoe đang hiện hữu, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Vì thế, các doanh nhân đều đánh giá cao việc từ nay cứ mỗi 6 tháng VCCI sẽ có báo cáo điểm lại những quy định pháp luật có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, từ đó đưa ra những đánh giá về xu hướng của dòng chảy chính sách kinh tế trong từng giai đoạn.

Mặc dù không giải lao giữa giờ nhưng cũng đến tận 11h30 các chuyên gia mới "đến lượt" phát biểu, bởi thời gian trước đó được ưu tiên cho tiếng nói của doanh nghiệp.

Chăm chú lắng nghe tất cả các phát biểu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận rằng, hội thảo đã nghe rất nhiều lời cảm ơn nhưng chưa ai lên tiếng chia buồn cho những doanh nghiệp đã phải rời khỏi thị trường vì những đòi hỏi vô lý trong điều kiện kinh doanh.

Như đã nói ở trên, trong những sửa đổi được cho là rất tích cực thì quá trình bãi bỏ những quy định vô lý cũng kéo dài vài ba năm.  Trong khi, đó là thời gian đủ giết chết hàng ngàn doanh nghiệp, theo bà Phạm Chi Lan.

Lấy ngay số liệu 6 tháng đầu năm nay, vị chuyên gia rất gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp Việt phân tích: số doanh nghiệp đăng ký mới trên 64 ngàn, tăng 5,3% cùng kỳ nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động lên tới gần 53 ngàn tăng 34,7% cùng kỳ năm ngoái. Chưa bao giờ khoảng cách lớn đến thế, số doanh nghiệp "chết" bằng 80% đăng ký mới, bà Lan nhấn mạnh.

Từ "sức khoẻ" của cộng đồng doanh nghiệp như thế, theo chuyên gia Phạm Chi Lan là rất đáng lo khi mà quý 2/2018 chỉ có 283 ngàn việc làm mới được tạo ra, giảm 15,7% so với quý 2 năm trước.

Doanh nghiệp đăng ký mới thì chưa biết thế nào, nhưng những doanh nghiệp "chết" là chết thật, mà trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp "chết" thì nguyên nhân từ môi trường kinh doanh chiếm khoảng 50%, bà Lan nhấn mạnh.

Bởi thế, bên cạnh những lời cảm ơn của những doanh nghiệp được "cởi trói", thì theo bà nên có lời điếu cho những doanh nghiệp đã không còn cơ hội tham gia cuộc hội thảo này, khi đã phải rời thị trường vì chính sự vô lý của điều kiện kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng chia sẻ với khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp khi mà hệ thống quản lý xã hội đang dựa trên sự nghi ngờ, đi ngược lại nguyên lý nắm lớn buông nhỏ, quản lý doanh nghiệp nhà nước lỏng lẻo hơn nhiều quản doanh nghiệp tư nhân.

Đồng tình với nhận xét của bà Lan, luật sư Trương Thanh Đức nhận xét, khó có thể có môi trường kinh doanh cởi mở khi mà nhà nước coi dân lành và doanh nghiệp như "tội đồ".

Ở góc nhìn khác về nghị định 87/2018/NĐ - CP thay thế nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí gỡ bỏ quy định điều kiện kinh doanh về số lượng bình ga và dung tích bồn chứa, ông Đức nói khen 1 thì nên trách 10. Bởi những quy định của nghị định 19 vô lý lè lè và được phản ánh từ trước 2016 rất lâu cơ quan có trách nhiệm cũng không chịu tiếp thu. Tại sao đến 2018 mới thay đổi? trước đó thì những ai đã phải trả giá?, ông Đức đặt vấn đề.

Lấy ví dụ tiếp theo về nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo có những quy định cản trở trực tiếp việc gia nhập thị trường của các doanh nghệp nhỏ, ông Đức sốt ruột "kiến nghị 8 năm trời rồi mà không thấy tăm hơi gì, Chính phủ hành động gì mà chậm chạp thế".

Phát biểu sau cùng, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói ông rất thấu hiểu sự vất vả của cộng đồng doanh nghiệp. Và ông đã  từng đưa ra lời khuyên ai đó muốn kinh doanh thì đừng đọc điều kiện kinh doanh mà cứ bắt tay vào kinh doanh đã, bởi đọc rồi thì không có ý chí để vượt qua sự ức chế của các quy định về điều kiện kinh doanh để đi làm kinh doanh.

Nhấn mạnh đầu tư làm chính sách chính là đầu tư cho phát triển, ông Hiếu nhận xét năng lực làm chính sách hiện nay đang có vấn đề và giải pháp phải là thay thế cán bộ chứ không phải tinh giản biên chế.

Đồng tình cắt giảm điều kiện kinh doanh chẳng hề dễ dàng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI ví von với việc rời núi, không thể bê cả quả núi đi chỗ khác được ngay mà phải cần mẫn nhặt từng hòn đá.

Nhìn ở mức độ nào đấy thì tương đối bi quan nhưng xu thế thay đổi là không thể đảo ngược, ông Tuấn nhìn nhận.

Theo Nguyên Vũ

Cùng chuyên mục
XEM