Mối quan hệ giữa học giỏi và thành công: Lời nhắc không nên xem nhẹ dành cho bậc cha mẹ

05/07/2017 10:17 AM | Sống

Người Nhật thường nói, giai đoạn quan trọng nhất trong việc hình thành bản chất con người là ba năm đầu tiên của cuộc đời. Vì vậy, thành bại trong đời người đều bắt nguồn từ thời thơ ấu.

Tôi nghĩ ký ức đầu tiên của tôi về căn phòng nhỏ bé trên tầng ba ngôi nhà phố Cầu Đất, Hải Phòng là cái tủ sách.

Như mọi gia đình Việt Nam thời bao cấp, cả gia đình gồm bố mẹ và ba chị em tôi chen chúc trong một căn phòng hơn 20 mét vuông và một khoảng sân thượng chừng 15 mét vuông làm công trình phụ.

Trong khoảng không bé nhỏ ấy, đồ đạc quan trọng nhất có lẽ là cái tủ sách từ chân tường đến trần nhà. Trong tầm tay chúng tôi, bố tôi sắp sách thiếu nhi, sách giáo khoa, còn các tầng trên cùng là tiểu thuyết và những sách dành cho người lớn.

Những quyển sách "gieo mầm" tri thức. Ảnh: Huffington Post

Giường tôi kê ngay cạnh tủ sách, khi nằm xuống tôi thường rút một cuốn sách để đọc cho đến khi bố mẹ bắt tắt đèn đi ngủ.

Sáng mở mắt ra, thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là cái tủ sách, trước khi đi ngủ chị em tôi cùng nói chuyện về những quyển sách chúng tôi đã đọc hay muốn mua và sau khi bị tắt đèn tôi nằm nhìn tủ sách, ước ao sẽ có ngày mình đọc được những cuốn sách đẹp đẽ tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh của bố mẹ tôi trong tủ.

Kỷ niệm êm đềm nhất của tôi có lẽ là những buổi tối thứ Bảy, khi bố tôi không phải đi dạy và nằm dịch vài chương Ba chàng lính ngự lâm hay Bá tước Monte Cristo cho chúng tôi.

Trong hoàn cảnh sống nghèo nàn của đất nước thời chiến tranh, bị tách rời với cả thế giới, những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú đó đã nuôi dưỡng ước mơ về những vùng đất xa xôi, đẹp đẽ trên thế giới, những con người tài giỏi, kiên cường để mình vươn tới.

Tôi cũng ao ước lớn lên sẽ học thật nhiều ngoại ngữ để có thể dịch sách như bố mẹ tôi. Những buổi tối mất điện, cả nhà trải chiếu nằm ngoài sân thượng, ngửa mặt ngắm vầng trăng vằng vặc trên trời, bố mẹ tôi kể về kỷ niệm thời thơ ấu.

Mẹ tôi kể chuyện về ông ngoại tôi, một người rất uyên bác, giỏi cả chữ Nho và tiếng Pháp (ông tôi là một trong các dịch giả của tập thơ Đường ở Việt Nam, từng có sách giới thiệu về tác phẩm và cuộc đời ông).

Bác cả của tôi cũng học rất giỏi, được học bổng đi học ở Pháp rồi được giác ngộ cách mạng bên ấy, trở về Việt Nam theo đoàn quân về giải phóng thủ đô. Bố tôi kể chuyện ông nội tôi dù chỉ là một trung nông trong làng nhưng rất trọng việc học.

Gia đình là nền tảng tạo nên sự thành công. Ảnh: Internet

Ông luôn nhắc nhở bố tôi và bác tôi phải đi học để được hiểu biết, tiến xa hơn đời ông bà tôi, chỉ biết gắn với mảnh ruộng sau lũy tre làng.

Chính vì thế bố tôi đã chăm chỉ học tập để luôn đạt loại ưu và được học bổng vào học ở trường Albert Sarraut, là ngôi trường chỉ dành cho người Pháp và con cái quan lại Việt Nam.

Bố mẹ tôi đều đỗ vào đại học, việc khá hiếm hoi thời những năm 60 và trong suốt thời gian làm giáo viên, bất chấp đời sống khó khăn, bận bịu con cái, cả hai đều không ngừng bồi bổ kiến thức của mình.

Chính nhờ chuyên môn vững vàng và lối sống trung thực, nhân ái, bố mẹ tôi được rất nhiều đồng nghiệp, sinh viên yêu quý. Những dịp lễ tết, 20 tháng Mười một nhà tôi luôn đông nghịt học sinh cả cũ và mới đến thăm hỏi.

Chúng tôi rất hãnh diện vì được nhiều anh chị học sinh quan tâm, nhiều người còn thân thiết như anh chị của chúng tôi. Vì thế, mặc dù phải sống xa ông bà, các cô dì chú bác nhưng chúng tôi không cảm thấy cô đơn.

Mãi sau này khi đã làm giáo viên, tôi mới hiểu bố mẹ tôi đã cho chúng tôi một di sản quý báu thế nào qua cách sống của mình. Tôi là chị lớn trong nhà, sau tôi là hai đứa em một trai một gái.

Sống trong gia đình có truyền thống học tập, việc yêu thích sách vở, kiến thức đến với tôi một cách rất tự nhiên.

Từ khi tôi bắt đầu đi học, bố tôi đã luôn dặn dò: "Con ơi, nhà mình không giàu cũng không có thế lực gì nên điều duy nhất bố mẹ cho con được là học vấn. Con phải cố mà học vì chỉ có học mới có thể giúp con mở mang tầm mắt, có được cuộc sống tốt sau này.

Con là chị lớn, con phải làm gương cho các em con vì "đầu xuôi, đuôi lọt", con mà học hành giỏi giang thì các em con mới tiến bộ được".

Những lời dặn dò ấy đã luôn là động lực giúp tôi cố gắng nhưng đồng thời cũng gây sức ép cho tôi, làm tuổi thơ tôi khá đơn điệu, chỉ loanh quanh giúp bố mẹ việc nhà, đi học và dạy các em học.

Các em tôi cũng vì vậy mà thích đọc sách, chăm chỉ học tập từ nhỏ và cũng có kết quả học tập khá tốt. Khác với đa phần trẻ em các gia đình khác, tôi rất yêu thích kiến thức, thích sách vở, học hỏi nên việc học tập với tôi khá dễ dàng.

Nhưng cá tính tôi chỉ hợp với việc học tự nhiên, không hợp với những cách học ép buộc nên tôi không bao giờ quá xuất sắc. Sau này khi đi ra nước ngoài, tôi cũng cảm thấy hoàn toàn thoải mái vì họ không yêu cầu học nhồi nhét như Việt Nam.

Thời gian học đại học ở nước ngoài đã mở mang tầm mắt cho tôi, giúp tôi hiểu không nên chỉ tập trung vào học kiến thức như nhà trường và bố mẹ tôi luôn hướng tới mà cần học cả những kỹ năng sống như biết ăn mặc, trang điểm, quản lý tiền bạc, biết giao tiếp, vui chơi…

Chỉ khi con người có hiểu biết toàn diện thì cuộc sống mới có ý nghĩa và giúp được mọi người xung quanh.

Thành tích học tập không phải là yếu tố quyết định đến hạnh phúc sau này của con trẻ

Sau này khi đi làm, chứng kiến sự trưởng thành của sinh viên và gặp lại bạn bè cũ, tôi mới nhận ra thành tích học tập có nhưng không phải là yếu tố quyết định đến hạnh phúc sau này của con trẻ.

Một người thành công, trước hết phải là người hài lòng với cuộc sống của mình và được sống vừa với sức mình. Nếu bị thúc ép, trẻ có thể đạt được một thành tích cao hơn trong ngắn hạn nhưng cả đời sẽ căng thẳng, không có hạnh phúc.

Theo viện Công nghệ Carnegie, nhân cách và kỹ năng mềm chiếm tới 85% thành công của con người, kiến thức chuyên ngành chỉ chiếm 15%. Đáng tiếc là cả giáo dục trường học và giáo dục gia đình ở Việt Nam đều quá chú trọng vào 15% mà bỏ qua 85% cần thiết ấy.

Theo thời gian, ba chị em tôi đều lập gia đình, có con cái. Chúng tôi luôn ý thức dạy con tiếp tục truyền thống học tập của gia đình. Tuy nhiên tôi cũng rất quan tâm dạy con những kỹ năng cần thiết để con có thể sống tự lập và có đời sống phong phú.

Dù các cháu đều học chuyên nên khá bận bịu nhưng tôi vẫn thu xếp cho các cháu học đàn, học nấu ăn, khiêu vũ… Hằng ngày các cháu phải tự dọn dẹp phòng mình, gấp cất quần áo cho cả nhà và giúp mẹ nấu ăn.

Chính vì vậy, mặc dù hai vợ chồng tôi thường xuyên phải đi công tác xa nhà lâu ngày nhưng các cháu đều có thể tự lo liệu. Việc chia sẻ nội trợ làm mẹ con gần gũi, thông cảm với nhau hơn dù thời gian đầu các cháu không vui vì bạn bè không ai phải làm cả.

Nhưng những kỹ năng này đã giúp các cháu rất nhiều khi đi học ở nước ngoài và khi lập gia đình.

Nhìn lại, tôi rất cảm ơn bố mẹ đã truyền cho chúng tôi tinh thần yêu thích học tập, sách vở, đã chuẩn bị cho chúng tôi một hành trang học vấn vững vàng để bước vào đời và quan trọng hơn là dạy chúng tôi tự lập, phấn đấu vươn lên trong đời.

Trong khả năng của mình, bố mẹ cũng đã trang bị cho chúng tôi một số kỹ năng sống ban đầu. Tôi may mắn có được một thời gian học tập ở nước ngoài để hiểu sự khác biệt giữa học giỏi và thành công để trang bị lại cho các con sau này.

Chìa khóa của thành công xuất phát từ những điều giản đơn. Ảnh: Internet

Học giỏi là trang bị nền tảng kiến thức để giúp bạn tìm được nghề nghiệp nuôi sống bản thân nhưng nó sẽ không có ý nghĩa nếu không giúp bạn đóng góp cho xã hội, qua đó tìm được chỗ đứng trong đời.

Chỉ khi bạn được trang bị những kỹ năng sống như giao tiếp, quản lý tài chính cá nhân, chăm sóc bản thân và người khác, đặc biệt là biết quan tâm đến những người xung quanh bạn mới có thể trở thành người thành công.

Những kiến thức trên được trích từ cuốn sách " Born to be happy? – Sống để hạnh phúc? " do Alphabooks mua bản quyền từ tác giả Nguyễn Hoàng Ánh. Cuốn sách là một chuỗi những cuộc trò chuyện của cô Nguyễn Hoàng Ánh về nỗi bất an của xã hội này: Trăn trở làm người, tìm ra được giá trị của bản thân, và mục đích chúng ta sống. Sách đã được phát hành trên toàn quốc.

Theo Nguyễn Hằng

Cùng chuyên mục
XEM