Mỗi ngày người dân Sài Gòn mất gần 1 tiếng đồng hồ vì tắc đường

07/11/2017 15:08 PM | Công nghệ

Bên cạnh đó, lượng phương tiện "khổng lồ" còn dẫn đến tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, để đáp ứng nhu cầu đậu xe tại TP. HCM, chúng ta cần một diện tích đậu xe tương đương hai lần sân bay Tân Sơn Nhất.

Vừa qua, Uber Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nhằm đánh giá tác động của công nghệ chia sẻ phương tiện tại Châu Á và những lợi ích tiềm năng đối với việc đi lại của người dân thành phố khi chia sẻ phương tiện được sử dụng rộng rãi hơn.

Theo đó với sự hiện diện của các mô hình chia sẻ phương tiện, TP. HCM chỉ cần 70% số lượng ô tô cá nhân hiện tại để phục vụ nhu cầu di chuyển của người dân.

Đồng thời, thành phố cũng có thể tiết kiệm được diện tích đậu xe tương đương với 17 lần Thảo Cầm Viên, để có thêm không gian cho công viên, bệnh viện, trường học. Kết quả này đã cho thấy vấn nạn ùn tắc và khan hiếm chỗ đậu đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo Uber, thực tế hạ tầng TP. HCM đang bị quá tải với số lượng phương tiện lưu thông lên đến gần 8,2 triệu. Trung bình mỗi ngày, người tham gia giao thông đã tiêu tốn đến 51 phút vì ùn tắc.

Bên cạnh đó, lượng phương tiện "khổng lồ" còn dẫn đến tình trạng khan hiếm chỗ đậu xe. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, để đáp ứng nhu cầu đậu xe tại TP. HCM, chúng ta cần một diện tích đậu xe tương đương hai lần sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện tại, cơ sở hạ tầng của TP. HCM chưa thể đáp ứng yêu cầu này.

Khi người dân tham gia chia sẻ phương tiện nhiều hơn, chỗ ngồi còn trống trên các phương tiện lưu thông sẽ được lấp đầy, qua đó giảm thiểu được số lượng xe trên đường.

Nghiên cứu đã kết luận, nếu chia sẻ phương tiện trở thành hình thức đi lại phổ biến chỉ sau xe cá nhân thì lượng ô tô lưu thông trên đường sẽ giảm đến 27%. Như vậy, áp lực về vấn đề đậu xe cũng theo đó mà giải tỏa phần nào.

Thêm vào đó, hiệu quả tích cực của chia sẻ phương tiện không chỉ dừng lại ở những lợi ích cho giao thông đô thị. Hiện tại, ô nhiễm không khí tại TP. HCM cũng là một vấn đề đáng lo ngại (trẻ em và người có vấn đề về hô hấp cần hạn chế hoạt động ngoài trời).

Số liệu cho thấy tổng lượng khí thải CO2 từ phương tiện giao thông tại TP. HCM hàng năm có thể lấp đầy 8.000 tòa nhà Bitexco. Do đó lượng xe giảm đi sẽ giúp hạn chế khí thải, người dân thành phố sẽ được hít thở trong bầu không khí thoáng đãng và trong lành hơn.

Ngoài TP. HCM, Uber còn tổ chức nghiên cứu ở 8 thành phố lớn khác tại Châu Á, bao gồm Singapore, Kuala Lumpur, Jakarta, Surabaya, Hong Kong, Taipei, Hà Nội và Manila.

Sự tăng trưởng về dân số và mức độ thịnh vượng đã dẫn đến bùng nổ giao thông ở châu Á - điển hình như việc nhu cầu đi lại đã tăng khoảng 4 lần so với năm 1980. Tuy chính phủ các nước đã đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu trên đà gia tăng, cầu vẫn vượt quá cung trầm trọng, dẫn đến tắc nghẽn giao thông.

Kết quả nghiên cứu cho thấy trung bình cư dân tại các thành phố nêu trên mất khoảng 52 phút mỗi ngày vì ùn tắc và tốn 26 phút mỗi ngày chỉ để tìm bãi đậu xe. Vấn nạn này khiến nền kinh tế châu Á chịu thiệt hại ước tính lên đến 2-5% tổng sản phẩm quốc nội của mỗi quốc gia do tổn thất về thời gian và chi phí giao thông.

Để giải quyết vấn đề, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần có biện pháp kết hợp để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tức thời và hiệu quả để thay thế phương tiện cá nhân.

Ước tính nếu như công nghệ chia sẻ phương tiện thay thế được phương tiện cá nhân, 9 thành phố nằm trong diện nghiên cứu có thể loại bỏ khoảng 40 - 70% lượng xe cá nhân trong lưu thông. Điều này sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc tại 9 thành phố, thậm chí giải quyết hoàn toàn vấn đề tại một số khu vực.

- Giải pháp thay thế phương tiện cá nhân: Theo nghiên cứu, khoảng 40% số người có dự định mua xe sẵn lòng từ bỏ ý địn nếu dịch vụ chia sẻ phương tiện có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của họ một cách kịp thời, dễ dàng với giá cả hợp lí. Trong năm vừa qua, trung bình trong 10 người sở hữu ô tô thì có tới 4 người cân nhắc từ bỏ xe. Con số này còn lớn hơn khi khảo sát cụ thể đối tượng thuộc thế hệ millennials (những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000).

- Tăng tỉ lệ lấp đầy chỗ trống mỗi xe: Khi nhiều người di chuyển trên cùng một phương tiện, ước tính tỉ lệ lấp đầy chỗ trống trên xe sẽ tăng lên 1,7 lần, qua đó giảm đi số lượng xe cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân, gián tiếp giải quyết ùn tắc.

- Tối ưu hóa tỉ lệ hiệu suất xe hơi được sử dụng trên mỗi KM: Các nghiên cứu cho thấy, các mô hình chia sẻ xe có thể đáp ứng nhu cầu hiệu quả hơn khi lượng cầu tăng cao, đặc biệt là các khung giờ cao điểm. Đồng thời khi nhu cầu đi lại giảm, chia sẻ xe làm giảm lượng taxi lưu thông trên đường. Ví dụ một nghiên cứu tại San Francisco cho thấy, trung bình quãng đường xe để trống của các phương tiện tham gia chia sẻ xe chỉ bằng một nửa so với taxi thông thường.

- Bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng: Chia sẻ phương tiện có thể hỗ trợ giao thông công cộng bằng cách đưa đón người dân đến hoặc về từ trạm xe. Nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng dịch vụ chia sẻ xe càng nhiều, người dân càng có khuynh hướng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, hạn chế sở hữu ô tô và giảm chi tiêu cho việc đi lại.

"Với đà gia tăng phương tiện cá nhân như hiện nay, chỉ vài năm nữa giao thông tại các thành phố ở Châu Á sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Là giải pháp để nhiều người đi nhưng sử dụng ít ô tô hơn, chia sẻ xe có thể góp phần giải quyết tắc nghẽn giao thông", ông Brooks Entwistle, Tổng Giám Đốc Kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hay.

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM