Môi giới bán bất động sản triệu đô: Độ khắt khe của nghề đến mức nào?

09/09/2019 17:22 PM | Bất động sản

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam đã xuất hiện nhiều giao dịch giá trị trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, trị giá của nó cũng tỉ lệ thuận với độ khắt khe trong yêu cầu của khách hàng. Theo đó, môi giới bán BĐS cao cấp/hạng sang cũng có sự chọn lọc quyết liệt của nghề cũng như thị trường địa ốc.

Độ khó và sự gắt gao cao gấp nhiều lần

Các chuyên gia trong ngành đã từng cho rằng, bán nhà cho người giàu/siêu giàu là một hành trình không hề đơn giản, làm sao phải đánh đúng vào cảm xúc của họ bởi người giàu rất thông minh. Môi giới - người tư vấn những BĐS triệu đô cho giới nhà giàu càng đòi hỏi cao về kiến thức lẫn kỹ năng, khả năng tư vấn, độ khó và sự gắt gao của nghề cao hơn rất nhiều.

Theo ghi nhận, tới quý 3/2019, thị trường BĐS tại Việt Nam đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Với chính sách mới cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam vào năm 2015 cũng như nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, đã tạo ra nhiều ưu thế khiến Việt Nam trở thành tâm điểm mới của khu vực trong lĩnh vực đầu tư.

Đây cũng là tiền đề khiến nhiều nhà tư vấn BĐS nước ngoài tìm đến thị trường Việt Nam, cũng như mở ra cơ hội để những chuyên viên tư vấn Việt tiếp cận với nguồn khách dồi dào trong khu vực cũng như trên thế giới.

 Môi giới bán bất động sản triệu đô: Độ khắt khe của nghề đến mức nào?  - Ảnh 1.

Thị trường BĐS Việt Nam đã xuất hiện nhiều giao dịch giá trị trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, trị giá của nó cũng tỉ lệ thuận với độ khắt khe trong yêu cầu của khách hàng

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam đã xuất hiện nhiều những giao dịch giá trị trên 1 triệu đô. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trị giá của nó cũng tỉ lệ thuận với độ khắt khe trong yêu cầu của khách hàng - những người giàu/siêu giàu. Trong những sản phẩm thuộc phân khúc hạng sang này, thiết kế, tiện ích, vị trí trung tâm cũng như tiềm năng cho đầu tư dài hạn của dự án là 4 yếu tố tối thượng quyết định một thương vụ thành công. Những nhà tư vấn BĐS cao cấp, hạng sang cũng chịu những khắt khe không kém gì so với yêu cầu của đối tượng khách hàng này.

Rõ ràng, môi giới bán BĐS cao cấp, hạng sang ngoài những kỹ năng đủ của một môi giới, chuyên viên tư vấn thì theo các doanh nghiệp độ khó và chuyên nghiệp phải cao gấp nhiều lần mới thuyết phục được người giàu “bỏ tiền”.

Dù dự án hướng đến đối tượng nào thì vai trò của chuyên viên tư vấn BĐS không thể thiếu. Theo nghiên cứu của JobStreet Việt Nam trên cơ sở bảng “Khảo sát lương của người tìm việc năm 2019 tại Việt Nam” (VietnamWorks), nghề tư vấn trong lĩnh vực BĐS luôn nằm trong top đầu các ngành nghề hấp dẫn nhất. Nhưng bên cạnh sức hút về thu nhập, sự tự chủ về thời gian, thì những áp lực và cạnh tranh gay gắt, cùng các đòi hỏi ngày càng cao về kiến thức, khả năng tư vấn khiến đây trở thành một nghề nghiệp có độ khó rất cao. Đặc biệt, với những môi giới bán BĐS cao cấp, hạng sang, hướng đến những đối tượng khách hàng giàu có thì độ khó càng cao hơn.

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, làm tư vấn ở lĩnh vực bán hàng xa xỉ cho người giàu không dễ dàng. Có người thì nói dễ nhưng có người thấy khó vô cùng. Dễ khi mà sản phẩm của mình đánh được vào đúng lòng kiêu hãnh và sự tinh tế của đối tượng khách hàng giàu.

Nghề môi giới vẫn phải đối diện với cái nhìn thiếu thiện cảm từ xã hội

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, việc tạo dựng uy tín và lòng tin chẳng bao giờ dễ dàng, giữa bối cảnh thực trạng nghề còn tồn tại nhiều phức tạp tiềm ẩn; khi lực lượng môi giới BĐS chưa được đào tạo bài bản, chính quy, và còn phải đối diện với những cái nhìn thiếu thiện cảm từ xã hội.

Đây cũng chính là câu chuyện mà thời gian gần đây, khá nhiều doanh nghiệp, tổ chức “đau đáu” về nó. Tâm huyết muốn gầy dựng nên một đội ngũ tư vấn BĐS chuyên nghiệp, không thể thiếu trong thị trường BĐS và được xã hội công nhận thay vì những từ như “cò”, “chộp giật” đang được doanh nghiệp từng bước thực hiện.

Chẳng hạn, mới đây Alpha King cho ra mắt câu lạc bộ Alpha Star Club, đồng thời phát động cuộc thi tuyển chọn đầu vào, được xem là nơi quy tụ những chuyên viên môi giới hàng đầu trên thị trường. Được biết, ở vòng khởi động đầu tiên, câu lạc bộ này quy tụ 200 chuyên viên môi giới BĐS được tuyển chọn gắt gao từ hơn 16.000 sales BĐS trên thị trường.

Theo đại diện đơn vị này, để bán được những BĐS siêu sang thì phải đầu tư cho đào tạo môi giới bài bản. Theo đó, cách đơn vị này tạo ra những khoá đào tạo chuyên sâu được bảo chứng bởi tên tuổi của những bậc thầy trong các lĩnh vực kinh doanh,BĐS, pháp lí, kiến trúc, kĩ năng giao thiệp ứng xử… không chỉ nâng tầm các môi giới viên lên một đẳng cấp hoàn toàn mới mà còn thể hiện cái nhìn rõ nét của xã hội đối với nghề môi giới BĐS.

Trước đó, một số hội thảo do Hội môi giới BĐS Việt Nam hoặc DKRA Việt Nam tổ chức cũng liên quan đến câu chuyện chuyên nghiệp hóa đội ngũ môi giới BĐS cho thị trường địa ốc. Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam từng cho biết, hiện nay xã hội còn nhìn nhận chưa đúng về nghề môi giới bởi thực tế có những người làm nghề chộp giật, không được đào tạo bài bản khiến những người làm nghề chân chính bị ảnh hưởng. Cần có những tổ chức đào tạo, chương trình đạo tạo bài bản, bắt buộc những người tham gia môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề nhằm minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường.

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), hiện nay trên cả nước có tổng cộng khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100.000 người là môi giới chuyên nghiệp, tức là hoạt động thường xuyên tại các sàn, còn lại đa số là nghiệp dư.

 Môi giới bán bất động sản triệu đô: Độ khắt khe của nghề đến mức nào?  - Ảnh 2.

Cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ môi giới BĐS để xã hội có cái nhìn đúng đắn về nghề này

Đại diện VARS cũng cho rằng, việc nâng tầm chuẩn mực chuyên nghiệp môi giới BĐS sớm muộn cũng phải thực hiện. Bởi khi thị trường bước sang giai đoạn phát triển mới, khách hàng sẽ khó tính hơn buộc môi giới phải chuyên nghiệp hơn. Khi đó, những người môi giới bán chuyên, tự do, kỹ năng yếu sẽ bị đào thải dần dần và sẽ chỉ còn những người môi giới thực sự chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những người làm ăn chộp giật thì khá nhiều môi giới BĐS vẫn nỗ lực bám trụ với lòng yêu nghề, không chỉ bởi những trách nghiệm, bổn phận phải gánh trên vai, mà còn vì giấc mơ sải bước xa hơn trên con đường mà mình đã chọn.

Chia sẻ về nghề, anh Trần Văn Nghĩa, hiện là Giám đốc Công ty Timland, có kinh nghiệm 5 năm sales BĐS trước dó cho hay: Hiện vẫn có người gọi môi giới là cò đất, họ luôn nghĩ môi giới kiếm tiền rất dễ, cứ bán đất là có thể ra tiền. Nhưng thực chất, độ khó của nghề kinh khủng, sàng lọc và thử thách khủng khiếp, nhất là bán BĐS cao cấp/hạng sang cho người giàu độ khó còn cao hơn. Có giao dịch chỉ chốt trong 1-2 tuần nhưng có những giao dịch khách hàng 8 tháng đến 1 năm sau họ mới mua. Rõ ràng để chăm sóc một khách hàng như vậy là quá tốn thời gian và công sức. “Không có nghề nào dễ dàng cả, nhưng có niềm tin sắt đá, nhìn rõ con đường mình đi thì sẽ vượt qua được”, anh Nghĩa chia sẻ.

“Tôi đếm từng căn mà giao dịch bị rớt, con số không chốt được giao dịch lên đến 38 căn. 3 tháng thực tập thêm 3 tháng kí hợp đồng chính thức, tôi vẫn không chốt được giao dịch. Gần hết tháng thứ 7 tôi mới có giao dịch đầu tiên. Lý do duy nhất để bản thân có thể chịu đựng, vượt qua được thời gian 7 tháng đó chính là tôi có niềm tin. Phải đam mê, chịu khó học hỏi, tìm tòi thì dù xuất phát điểm ở đâu, bạn vẫn có thể tiến xa trên con đường này”, đó là chia sẻ của La Kim Mỹ Duyên, sinh năm 1994, hiện là quản lý bán khối căn hộ cao cấp Savills Việt Nam, từng là best seller của đơn vị này trong các năm làm việc.

Theo các chuyên viên tư vấn BĐS, trong mắt xã hội, nghề môi giới chưa hoàn toàn được nhìn nhận đúng mực. Đằng sau những hào nhoáng, thành công của những nhân vật thành đạt trong ngành là cả nỗi lòng khó nói, là những vất vả bon chen đầy thị phi xoay quanh 1 chữ “Cò” mà bản thân họ phải chịu đựng và âm thầm vươn lên bằng chính nỗ lực, sự chuyên nghiệp và có tâm với nghề.

Chia sẻ của các môi giới bán hàng cao cấp, siêu sang, vất vả khó khăn không ít nhưng khi bán được sản phẩm cho khách hàng giàu thì cái thu về không chỉ là hoa hồng “khủng”, đó còn sự chuyên nghiệp, là mối quan hệ đi suốt quãng đường sự nghiệp của mình. Họ cho mình hiểu hơn về giá trị của nghề cũng như học hỏi được rất nhiều kỹ năng “khó” mà không phải ai cũng có được.

Theo Hạ Vy

Cùng chuyên mục
XEM