Này người trẻ, đi làm hãy nhớ: Đừng vội đòi hỏi, tránh than vãn và nói xấu cấp trên; người nên gây thiện cảm đầu tiên không phải sếp mà là chú bảo vệ!

01/09/2019 22:30 PM | Sống

Có những điều luật "bất thành văn" mà không phải lính mới nào cũng biết khi mới đi làm. Nếu không chịu khó khắc phục và thay đổi thì nguy cơ bị "ra rìa" hay thậm chí bị đào thải là rất cao.



Để thành công ở môi trường công sở thì không chỉ dựa vào mỗi tài năng mà các kỹ năng mềm cùng những quy tắc ứng xử sao cho thật văn minh cũng là điều vô cùng quan trọng.

Thể hiện mình là một người hòa đồng

Người đầu tiên bạn cần gây thiện cảm không phải là sếp, mà là chú bảo vệ. Điều này không phải có ý nói vị trí của chú bảo vệ cao hơn sếp, mà chỉ muốn nhắc nhở bạn rằng khi mới đi làm, hãy tỏ ra mình là một lính mới hòa đồng và dễ chịu ngay cả với những người hầu như không có mối liên hệ công việc nào với mình. Như vậy sẽ giúp bạn dễ chiếm được cảm tình từ những người khác, nhờ đó khoảng thời gian làm "ma mới" cũng sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Này người trẻ, đi làm hãy nhớ: Đừng vội đòi hỏi, tránh than vãn và nói xấu cấp trên; người nên gây thiện cảm đầu tiên không phải sếp mà là chú bảo vệ! - Ảnh 1.

Cẩn trọng khi có thị phi xảy ra trong công ty

Bất cứ môi trường công sở nào cũng sẽ có chuyện này chuyện kia và khi chưa chắc chắn bên nào đúng thì tốt nhất hãy giữ quan điểm trung lập. Nhớ nhé, là "trung lập" chứ không phải "ba phải". Bởi khi chưa đủ trình để phân biệt đúng sai thì tốt nhất đừng đứng về phe ai cả, tránh việc chọn lộn phe sẽ gây ảnh hưởng đến không nhỏ đến tiền đồ của bạn sau này.

Đừng vội đòi hỏi

Trong thời gian mới ra trường và đi làm, tốt nhất bạn đừng đặt nặng vấn đề tiền bạc. Điều quan trọng nhất lúc này là bạn học hỏi và tích lũy được những gì từ công việc đó. Một công việc tốt và một người sếp tốt sẽ tuyệt vời hơn là một công việc lương nhỉnh hơn nhưng phải làm chung với một người sếp tồi. Hãy nỗ lực hoàn thiện bản thân sao cho thật "ngon lành" trước khi bàn đến các vấn đề khác.

Tránh than vãn và nói xấu cấp trên

Một khi đã đặt bút ký vào thỏa thuận thử việc hoặc hợp đồng lao động thì tức là bạn đồng ý với mọi điều khoản công việc. Việc trách móc khi cảm thấy mình bị bóc lột chỉ chứng tỏ bạn không trân trọng và đánh giá đúng giá trị năng lực của bản thân. Nếu không hài lòng thì thà đừng làm, còn hơn làm với tâm thế dở dở ương ương và chỉ trực nói xấu cấp trên thì về lâu dài bạn sẽ chẳng khá lên nổi.

Này người trẻ, đi làm hãy nhớ: Đừng vội đòi hỏi, tránh than vãn và nói xấu cấp trên; người nên gây thiện cảm đầu tiên không phải sếp mà là chú bảo vệ! - Ảnh 2.

Hiểu đúng vấn đề "chuyên nghiệp"

Trước khi đòi hỏi một môi trường chuyên nghiệp thì bạn hãy nhìn nhận lại xem mình đã chuyên nghiệp trước hay chưa. Bởi một khi bạn có tác phong làm việc năng động và hiệu quả, tự khắc những người xung quanh cũng bị tác động mà thay đổi theo.

Dám nghỉ việc khi thấy công việc dậm chân tại chỗ

Nếu duy trì công việc trong khoảng 1 - 2 năm trở lên mà chẳng có gì phát triển, kể cả kiến thức, kỹ năng, chức vụ lẫn thu nhập thì hãy coi lại bản thân đã cố gắng hết mình hay chưa. Nếu đã nỗ lực hết sức rồi mà vẫn gặp tình trạng như trên, thì bạn có thể suy nghĩ đến việc xin nghỉ và tìm một môi trường mới nhằm phát huy các kỹ năng của mình.

Nghỉ việc một cách văn minh

Nếu muốn nghỉ việc, hãy báo cáo với công ty ít nhất trước 30 ngày để họ có thể sắp xếp nhân sự thay thế vị trí của bạn. Đừng có thích thì làm, hứng lên thì nghỉ sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của tập thể. Ít ra hãy cư xử sao để khi có gặp lại đồng nghiệp cũ thì vẫn vui vẻ được với nhau.

(Theo Ybox/Youth Confessions) 


Trang Đài

Cùng chuyên mục
XEM