Mỏ vàng du lịch y tế Việt Nam - Thái Lan

08/05/2017 14:14 PM | Kinh doanh

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2014, người Việt chi bình quân 390 USD cho việc chăm sóc sức khỏe, tương đương 7,1% thu nhập cả năm.

Tiếp xúc với chị Phương Mai – CEO của một doanh nghiệp có tiếng, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ trẻ trung, hoạt bát đó đã từng đối mặt với cái chết khi mắc chứng bệnh hiếm gặp Lupus SLE. Chị là một bệnh nhân cực kỳ kỷ luật, nghiêm túc chấp hành tât cả các phác đồ điều trị do các bác sĩ trên khắp thế giới đưa ra. Nhưng phép màu chỉ thực sự đến khi chị gặp một bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, Tp.HCM.

Trong việc điều trị bệnh, nhiều khi các quốc gia như Anh, Mỹ, Singapore… chưa chắc đã hoàn toàn vượt qua Việt Nam và các nước đang phát triển như Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar… Đó là đối với những căn bệnh hiếm gặp. Với những bệnh thông thường, phổ biến, chất lượng dịch vụ chứ không phải là đỉnh cao công nghệ mới là thứ được bệnh nhân quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó là giá cả. Điều này khởi nguồn cho một ngành kinh doanh đặc thù: Du lịch y tế. Với dịch vụ này, các bệnh nhân từ quốc gia này hoàn toàn có thể thu xếp một lịch trình du lịch tại quốc gia khác để chữa bệnh kết hợp với tham quan, nghỉ dưỡng…

Người Việt chịu chi cho sức khỏe

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2014, người Việt chi bình quân 390 USD cho việc chăm sóc sức khỏe, tương đương 7,1% thu nhập cả năm. So với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Singapore… mức chi này thấp hơn về con số tuyệt đối nhưng lại cao hơn về tỷ trọng thu nhập.

Cụ thể, người Thái Lan chi bình quân 600 USD mỗi năm, tương đương 4,1% thu nhập. Người Singapore chi bình quân tới 4.047 USD trong năm 2014 – tương đương 4,9%. Thế nhưng, so với quốc gia tương đương là Lào, mức chi cho sức khỏe của người Việt lại vượt trội hơn hẳn, cả về con số chi tuyệt đối và tương đối. Cũng theo thống kê của WHO, mức chi chăm sóc sức khỏe bình quân của người Lào chỉ ở mức 98 USD, tương đương 1,9% thu nhập.

Có thể thấy rằng, người Việt dù hạn chế về mặt thu nhập, nhưng chính là đối tượng “chịu chơi” cho vấn đề sức khỏe của bản thân và gia đình. Cũng có một cách lý giải khác, người Việt phải đối mặt với quá nhiều vấn đề về sức khỏe và đó là phản ứng đương nhiên. Theo thống kê cũng từ WHO, tuổi thọ bình quân của người Việt tính đến năm 2015 là 71 đối với nam và 81 đối với nữ. Đây là con số tương đối cao. Tuy nhiên điều đó không phản ánh mức độ nguy hiểm về sức khỏe mà người Việt đang phải đối mặt.


Bình quân mỗi năm người Việt chi 2 tỷ USD cho việc ra nước ngoài chữa bệnh

Bình quân mỗi năm người Việt chi 2 tỷ USD cho việc ra nước ngoài chữa bệnh

Những năm trở lại đây, với sự biến đổi của môi trường cùng với thức ăn độc hại, ung thư luôn đứng đầu danh sách những nguyên nhân gây nên cái chết của người Việt, vượt qua tỷ lệ tai biến mạch máu não. Cứ 100 người chết ở Việt Nam có tới 1/4 là do ung thư, 1/5 do tai biến mạch máu não. Đây cũng là những bệnh dễ gây những biến chứng lâu dài, nếu được chăm sóc tốt bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội hồi phục.

Ở Việt Nam, tình trạng quá tải bệnh viện là một trong những nỗi ám ảnh của bệnh nhân. Quá tải dẫn đến chất lượng dịch vụ y tế luôn bị than phiền. Người ta không khó để thấy những giường bệnh nằm 2, thậm chí 3 người, trong khi người nhà ngồi vạ vật ở hành lang, mệt mỏi, chờ được chăm sóc bệnh nhân. “Vào viện” bao giờ cũng là việc chẳng đặng đừng mà người ta luôn tìm cách né tránh.

Mặc dù khó có thể thống kê đầy đủ, đầu năm 2016 Bộ Y tế đưa ra một con số giật mình: Bình quân mỗi năm người Việt chi 2 tỷ USD cho việc ra nước ngoài chữa bệnh.

Như vậy người Việt hoàn toàn không “keo kiệt” khi chi cho vấn đề sức khỏe. Thị trường Việt Nam vì vậy đang là miếng mồi ngon của các quốc gia lân cận.

Thái Lan và tiềm năng du lịch Y tế

Theo WHO, năm 2016, mảng du lịch y tế toàn cầu mang lại tới 60 tỷ USD lợi nhuận. Mức tăng trưởng ngành này mỗi năm đạt 20%. Thái Lan, Ấn Độ, Mexico, Myanmar… là những điển hình thành công cho mô hình du lịch y tế trên thế giới.

Bộ Thương mại Thái Lan cho biết năm 2006 có khoảng 1,2 triệu du khách đến quốc gia này để chữa bệnh và sử dụng các dịch vụ y tế tại đây. Những vị khách này đóng góp khoảng 1,1 tỷ USD doanh thu – tương đương 9% thu nhập của Thái Lan trong ngành du lịch. Trong giai đoạn từ 2004 – 2008, WHO ước lượng ngành du lịch y tế Thái Lan đạt mức doanh thu 7,5 tỷ USD.

Du lịch y tế đã nhanh chóng trở thành một nguồn thu ngoại tệ đáng kể của Thái Lan. Năm 2011, ngành này đóng góp 0,4% GDP Thái Lan.

Đặc biệt, người ta vẫn gọi Thái Lan là thiên đường chuyển giới, nổi lên như một điểm đến uy tín hàng đầu của những người muốn “chống lại tạo hóa”. Năm 2014, theo ước tính của Bloomberg, phẫu thuật chuyển giới đã mang lại cho du lịch Thái Lan 4 tỷ USD doanh thu, tăng 18% so với năm 2013.

Thành công của ngành du lịch y tế Thái Lan không phải bỗng dưng mà có.

Từ năm 2004, quốc gia này đã đề ra chiến lược trở thành trung tâm Y tế của Châu Á. Chính phủ Thái Lan từ bấy đến nay không ngừng nỗ lực cho chiến lược đầy tham vọng đó. Bộ Y tế Thái Lan đề ra 3 mục tiêu trọng điểm: dịch vụ y tế, dịch vụ sức khỏe bao gồm massage truyền thống, spa, và các sản phẩm dược liệu.

Đầu tư vào lĩnh vực vực du lịch y tế cũng được khuyến khích, đặc biệt tại các vùng du lịch trọng điểm của Thái Lan như Bangkok, Chiang Mai, Phuket, Surat Thani, Pattaya, Hua Hin. Đầu tháng 9/2016, Bộ Y tế Thái Lan phát động chương trình “Đến Thái Lan vì sức khỏe của bạn”.

Chương trình này đã liên kết với các đại lý du lịch cùng với trung tâm chăm sóc sức khỏe tư nhân cung cấp các dịch vụ trọn gói dành cho du khách nước ngoài đến Thái Lan. Bộ Y tế cũng đồng thời giới thiệu ra thế giới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho khách nước ngoài. Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam là các thị trường trọng điểm mà Thái Lan đang hướng tới trong tương lai gần.

Với người Việt, Thái Lan không chỉ hấp dẫn bởi trình độ phát triển y học tiên tiến, chất lượng dịch vụ tốt, mà còn bởi việc điều trị ở đây hoàn toàn có thể kết hợp với chương trình du lịch, nghỉ dưỡng theo chương trình các bệnh viện hoặc các công ty lữ hành tổ chức. Bên cạnh đó, việc bay sang Thái Lan hết sức đơn giản, không cần xin visa, không cần chứng minh tài chính. Thậm chí, từ Tp.HCM bay sang Thái Lan còn tiện lợi và rẻ hơn bay ra thủ đô Hà Nội.

Thông thường các quốc gia tiên tiến sẽ là lựa chọn hàng đầu của các bệnh nhân Việt Nam, ví dụ Mỹ, Singapore… Ở đó, người bệnh tìm các giải pháp chữa bệnh đặc thù, hiện đại mà ở Việt Nam không có. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, Thái Lan là một điểm đến được ưa chuộng vì trình độ tương đối phát triển, và đặc biệt là dịch vụ tuyệt hảo.

Bà Thu Hương, một người Việt Nam thường xuyên khám sức khỏe và điều trị bệnh tại Thái Lan cho biết, cá nhân bà đã trải qua các bệnh viện hàng đầu ở Mỹ, nhưng những trải nghiệm ở Thái Lan có giá trị hơn hẳn. Không những trang thiết bị hiện đại, trình độ cao, đội ngũ y bác sĩ ở Thái Lan có thái độ phục vụ “không đâu bằng”. Không riêng gì lĩnh vực y tế, các dịch vụ khác tại Thái Lan như nhà hàng, khách sạn cũng luôn được du khách quốc tế đánh giá cao. Mức thu nhập trung bình khiến giá dịch vụ ở Thái Lan rẻ tương đối so với các quốc gia phát triển. Công việc phục vụ tại các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn Thái Lan vì vậy không phải kiêm nhiệm, kết hợp quá nhiều. Khi công việc không bị quá tải, phục vụ tận tình là điều hoàn toàn dễ hiêu.

Thái Lan với tiềm năng du lịch sẵn có, cộng với sự thúc đẩy, khuyến khích của Chính phủ, ngành Du lịch Y tế đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng với nền kinh tế quốc gia. Vẫn còn khá lâu để ngành này trở thành một mũi nhọn, một đầu tàu kinh tế, nhưng những đóng góp của ngành rõ ràng không hề nhỏ.

Theo Đan Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM