Miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ của 590 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19

25/12/2020 15:34 PM | Kinh doanh

Bên cạnh đó, 270 nghìn khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng.

Ngày 24/12, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2020 và định hướng nhiệm vụ năm 2021.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01 nhưng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương (NHTW) có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực); giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM