ĐỂ YÊN CHO HỌ LÀM NGƯỜI
Gửi bạn Trác Thuý Miêu,
Mình đọc được một đoạn viết của bạn về phụ nữ và bếp núc. Mình rất thích sự thẳng thắn và nét viết chả nể ai của bạn. Vì ý kiến hơi khác nhau một chút, nên ta cùng chia sẻ nha.
Miêu cho rằng:
1. Phụ nữ và bếp núc là "tấn bi kịch xưa như trái đất". Báo chí "có thể không có thống kê" và chỉ "chắp bút để thoả mãn cơn lên đồng của các chị em".
2. Bếp núc là "ĐẶC ÂN" của đàn bà. Họ "sướng khi được lăn vào bếp".
3. "Ai không hiểu được niềm vui đó, không hề có tư cách cãi bàn" Bếp là đặc ân của (Miêu), của riêng đàn bà".
4. Bản thân Miêu thích vào bếp, và "đừng ai đấu tranh giải phóng (Miêu) khỏi gian bếp của mình, đó là đặc ân của (Miêu), của riêng đàn bà".
---
Bây giờ mình xin chia sẻ một câu chuyện mới nghe không liên quan, nhưng chúng ta cùng kiên nhẫn chút xíu.
Trong suốt thời kỳ cuối của Mùa Xuân Ả Rập, mình đi khắp Trung Đông, tới những đất nước hiện đại như Tunisia, Syria hay Dubai nơi các cô gái không hề choàng chiếc khăn tôn giáo, mặc váy siêu ngắn và áo siêu mỏng có thể đi lại tung tăng ngoài đường. Mình cũng tới những vùng đất vô cùng bảo thủ như Yemen nơi hầu hết phụ nữ đều mặc áo choàng đen bịt kín mặt.
Trong suốt gần một năm phỏng vấn hàng trăm con người, hơn một nửa là phụ nữ: kết luận của mình là: "Có hai loại phụ nữ chính: một là ĐƯỢC choàng khăn; hai là BỊ choàng khăn".
Kẻ được choàng khăn thực sự gắn bó với biểu tượng tôn giáo này. Mình đã gặp những cô gái 17 tuổi mơn mởn nhất định trùm khăn kín mít, đến mức bố và anh trai doạ nạt thế nào cũng không chịu bỏ ra. Mình đã gặp những phụ nữ Tunisia vui mừng khi mùa xuân Ả Rập cho họ quyền tự do trùm khăn, vì trước đó chính quyền thế tục không cho phụ nữ đội hijab.
Tuy nhiên, mình cũng đã gặp vô số phụ nữ BỊ BẮT hoặc BỊ SỨC ÉP của gia đình và xã hội để PHẢI trùm khăn. Thậm chí có người bị đánh đập, dọa nạt, thảm sát khi từ chối mang trên mình một dấu hiệu của đức tin, bất chấp việc trái tim của họ vẫn hoàn toàn thuộc về tôn giáo ấy.
Cũng chia sẻ thêm là hijab không phải bắt buộc trong các nguyên tắc của đạo Hồi. Tôn giáo này chỉ yêu cầu tín đồ cả nam lẫn nữ ăn mặc kín đáo, chứ không hề có một đạo luật rõ ràng nào đích xác nói về việc phụ nữ phải trùm khăn.
Chúng ta có thể nhìn sang Iran. Đất nước này trước cách mạng trông hệt như một xứ sở Tây Âu với phụ nữ mặc váy và đàn ông com-lê lịch thiệp. Sau cách mạng tôn giáo, xã hội quay trở về khung văn hoá bảo thủ, tất cả các phụ nữ đều phải trùm khăn, kể cả người nước ngoài.
Rất nhiều bạn bè của mình là phóng viên hoặc nhà nghiên cứu, khi sang làm việc tại Iran, điều họ cảm thấy bất bình nhất là buộc phải trùm khăn, dù đó không phải là đức tin của mình. Đàn ông Iran nhiều lần phản đối trên mạng bằng cách trùm khăn cùng vợ và bạn gái để thể hiện sự vô lý trong việc ngăn cản quyền tự do cá nhân.
Hành trình một năm đó mình đã xuất bản trong cuốn Con Đường Hồi Giáo.
OK, giờ chúng ta quay trở lại câu chuyện phụ nữ và cái bếp.
1. Phụ nữ và bếp núc là “tấn bi kịch xưa như trái đất”. Báo chí “có thể không có thống kê” và chỉ “chắp bút để thoả mãn cơn lên đồng của các chị em”
Miêu cho rằng bếp núc là "tấn bi kịch xưa như trái đất". Đâu có, phụ nữ chỉ mới than về gánh nặng bếp núc sau thời chiến tranh. Lúc có giặc, đàn ông ra trận nên phụ nữ được khuyến khích giỏi việc nước (tức làm ra của cải nuôi quân) và đảm việc nhà (tức quán xuyến một gia đình không có đàn ông).
Sau khi giặc tan, đàn ông trở về, thấy cái tình thế này quả là tiện lợi vô cùng, bèn giữ nguyên cái khẩu hiệu thời chiến kéo dài 50 năm sang tới thời bình. Đàn ông đàn bà giờ đều cùng đi làm. Nhưng đàn bà làm gấp đôi vì cộng thêm khoản đảm việc nhà. Họ thấy mệt, thì họ mới bắt đầu kêu. Họ nhận thấy hoá ra từ vựng mỹ miều là để họ hy sinh quên mình cả trong thời bình, nên họ mới kêu. Mới mấy chục năm thôi, không xưa như Trái Đất đâu.
Miêu cũng cho rằng có thể báo chí không thống kê và thoả mãn cơn lên đồng của các chị em. Mình là nhà nghiên cứu, nên mình có thể chia sẻ hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn số liệu thống kê. Về cơ bản, phụ nữ trên khắp hành tinh này đều phải làm việc nhà không công nhiều hơn nam giới - kể cả khi họ có công việc full-time ở nhiệm sở. Tại một số nước phát triển, phụ nữ làm việc nhà nhiều hơn nam giới chừng 100-150 giờ một năm.
Tại Việt Nam, con số đó là 300 giờ một năm - xem nguồn ở comment. Hãy tưởng tượng trong 5 tuần rưỡi, bạn quần quật từ sáng tới tối chỉ có nấu nướng, lau chùi, chăm con, đi chợ. Trong 5 tuần rưỡi đó, chồng bạn đi chơi và làm việc gì anh ta thích.
Như vậy, cứ 10 năm kết hôn thì phụ nữ mất 1 năm chỉ để làm việc nhà NHIỀU hơn chồng, trong khi đó ông chồng cứ 10 năm thì có một năm rảnh rang đi chơi. Phụ nữ cứ lao động như thế cho đến khi bọn trẻ con lớn, thậm chí có thể nhiều hơn nếu con cái ở cùng vì còn chăm dâu rể cháu chắt. Với những người không tự nguyện, như vậy có công bằng không?
2. Bếp núc là “ĐẶC ÂN” của đàn bà. Họ “sướng khi được lăn vào bếp”.
Tất nhiên, giống như câu chuyện về chiếc khăn chùm đầu. Với một số phụ nữ, họ MUỐN được như vậy. Như Miêu nói, bạn muốn "những người đàn ông cứ nằm ườn ra coi sách, tập tuồng, đờn ca hát xướng. Còn tôi, tôi sẽ bất chấp chợ đông chợ vắng, sẽ lựa lựa mua mua không trả giá rồi về bày soạn". Miêu sung sướng khi được lăn vào bếp. Thật là một điều may mắn cho Miêu và những người quanh Miêu.
Vấn đề là, có những phụ nữ bị gia đinh và xã hội tạo sức ép để buộc phải chọn chiếc khăn trùm đầu. Cũng như vậy, có nhiều phụ nữ bị sức ép để phải cơm canh ba bữa, để quần quật lo toan. Họ không có tự do lựa chọn. Điều này khỏi cần chứng minh đi. Nếu phải hỏi có bao nhiêu cô gái từng bị phủ đầu rằng "không nữ công gia chánh ma nó rước", số lượng tay giơ lên phải thành một khu rừng.
Đó là chưa kể nhiều phụ nữ bị bạo hành. Miêu có biết nhiều bà vợ không kịp lo cơm cho chồng hoặc không nấu đúng ý ổng liền bị mắng mỏ hoặc thậm chí đá cho cả mâm cơm vào người không? Đó đâu còn là đặc quyền, mà là lao động cưỡng bức.
Bếp núc cũng như cái khăn choàng, nó là đặc quyền của kẻ này, nhưng cũng là xích xiềng của kẻ khác. Khi Miêu nói bếp là đặc quyền cuả phụ nữ, Miêu vô tình biến một kỹ năng mềm ai cũng cần có trở thành một kỹ năng có giới tính.
Những kẻ bảo thủ thường nói, bếp núc là TRÁCH NHIỆM của đàn bà. Ai dù không thích, nếu thực sự tin đó là trách nhiệm cũng sẽ cắn răng làm. Giờ Miêu nâng nó lên thành ĐẶC ÂN. Nó khiến những kẻ bị áp lực bếp núc bỗng nhiên há miệng mắc quai. Miêu vừa biến cái cùm kia thành cái vương miện hào quang, dù nặng ngàn cân nhưng toả sáng lung linh.
Đó chính là cách mà xã hội này bao năm qua vẫn làm với phụ nữ, đặt lên bàn thờ những thứ gông cùm có cái tên mỹ miều và lớp sơn phủ lung linh. Khen phụ nữ "ĐẢM ĐANG" để họ lao động như ô sin mà không than vãn; khen phụ nữ "GIỎI VIỆC NƯỚC ĐẢM VIỆC NHÀ" để họ làm công việc gấp hai đàn ông mà lại còn lấy thế làm tự hào; khen phụ nữ "TIẾT HẠNH" để đàn ông có thể năm thê bảy thiếp như một thứ quyền không ai nỡ phán xét; khen phụ nữ "CÔNG DUNG NGÔN HẠNH" để đàn ông có thể thoả chí vùng vẫy tang bồng, khen phụ nữ âm thầm "HY SINH" để họ muôn đời phải hiểu rằng quên mình vì đàn ông thì mới là phụ nữ....
Và cuối cùng, khi Miêu nói đó là đặc ân đặc quyền cuả phụ nữ, Miêu đã vô tình loại bỏ những người đàn ông yêu bếp, biến họ trở thành kẻ chiếm đoạt không gian giới tính của kẻ khác.
Miêu nghĩ sao khi một anh đàn ông nào đó bỗng nhiên tuyên bố rằng: Thôi Miêu đừng làm show nữa, lo về nhà vào bếp đi, vì kiếm tiền là đặc quyền cuả đàn ông?
Thậm chí nếu vào bếp là đặc quyền của phụ nữ thì đàn ông đã tiếm quyền nó từ lâu rồi.
Trên đời này, đặc quyền duy nhất thuộc về giới, là đàn bà có khả năng sinh đẻ và đàn ông có khả năng cho tinh trùng. Tương lai có thể cả những khác biệt sinh lý này cũng có thể đổi thay.
3. “Ai không hiểu được niềm vui đó, không hề có tư cách cãi bàn”. Bếp là đặc ân của (Miêu) của riêng đàn bà”
Miêu à, cũng giống như chiếc khăn choàng vừa là đặc ân, vưà là gông cùm. Đặc ân cuả Miêu chắc gì đã là đặc ân cuả kẻ khác. Bếp là niềm vui cuả Miêu, chắc gì đã là niềm vui cuả cả một nửa nhân loại?
HÃY NÓI LÊN Ý KIẾN CUẢ RIÊNG MIÊU THÔI, ĐỪNG NỐI "MIÊU" VỚI "ĐÀN BÀ". Miêu không thể, và chắc cũng không hề muốn đại diện cho tiếng nói cuả đàn bà.
Miêu thật là may mắn khi có điều kiện và tài năng để có thể yêu bếp một cách tự do, không sức ép. Nhưng để nói rằng ai không hiểu được "bếp là niềm vui" như Miêu thì không có tư cách cãi bàn thì không hợp lý. Cũng như Miêu tham gia cuộc thảo luận giới này với ý kiến của riêng Miêu, AI CŨNG CÓ QUYỀN NÓI LÊN Ý KIẾN CUẢ MÌNH.
Đưa cả thế gian vào hệ quy chiếu của bản thân mình chưa hẳn là một cách hay. Cấm họ không có "quyền bàn cãi" vì không có ý kiến giống mình cũng lại không ổn.
Những kẻ sống xa hoa có đủ thời gian đi trải nghiệm sự vất vả ở những vùng đất nghèo khổ có thể thấy "vất vả trong một giới hạn nào đó" = niềm vui. Nhưng sẽ là bất nhẫn nếu ta kết luận rằng lao động bản chất là vinh quang, kể cả đó là lao động cưỡng bức, lao động quá sức, lao động vì không có lựa chọn nào khác, hay lao động vất vả hơn kẻ khác một cách không tự nguyện.
Khi Miêu nói, "hãy để yên cho Miêu được làm đàn bà". Miêu vô tình mặc định đàn bà = vào bếp. Nhưng làm đàn bà trước hết là làm người. Nếu con người đó không có tự do lựa chọn hoặc phải lựa chọn sự vất vả hơn kẻ khác, đó là khi nhân quyền bị xâm phạm.
Khi Miêu có tự do và điều kiện để làm đàn bà theo cách định nghĩa của mình, những kẻ không có tự do và điều kiện như Miêu cũng cần được để yên cho họ được làm một con người có tiếng nói nhân quyền.
Khi Miêu nói "đàn bà không làm việc nhà thì làm gì?". Câu trả lời là: họ có thể đang bận làm một người KHÁC Miêu, nhưng không vì thế mà kém giá trị hơn.
4. Bản thân Miêu thích vào bếp, và “đừng ai đấu tranh giải phóng (Miêu) khỏi gian bếp của mình”
Miêu à, hãy cứ hạnh phúc với cuộc sống viên mãn đủ đầy và niềm vui trong căn bếp của mình. Khi Miêu nghe những tiếng nói đấu tranh, họ không đại diện cho những kẻ may mắn có tự do và điều kiện như Miêu đâu. Họ đấu tranh cho chính bản thân mình thôi. Người ta không thể "giải phóng" cho Miêu khỏi căn bếp mà Miêu yêu quý. Đơn giản vì Miêu chưa bao giờ là tù nhân thì giải phóng cái gì? Không ai có thể giải phóng một con chim mang trong mình trái tim tự do, dù nó dường như đang sống trong lồng. Bởi chiếc lồng ấy không có khoá. Con chim ấy tự do lựa chọn ở lại.
Tiếng nói đấu tranh làm cho Miêu mệt mỏi ấy, thực ra dành cho những con chim mà cả thể xác và tâm hồn đều ở trong lồng. Và cái khoá thì đôi khi chìa đã mất.
Tiếng nói đấu tranh ấy dành cho những con chim tưởng rằng sống trong lồng thì mới được gọi là chim. Cũng như phải vào bếp thì mới có quyền được coi mình là đàn bà. Họ có thể chẳng vui vẻ gì với cái phận sự ấy, nên dù cửa lồng không khoá, họ cũng chẳng dám bay đi.
Tiếng nói đấu tranh ấy cũng dành cho những con chim mà cứ mỗi lần bung ra với tự do thì bị đánh cho bầm dập và nhốt trở lại vào lồng. Riết rồi cửa lồng mở cũng không còn khả năng bay ra. Trong tâm lý học gọi là trạng thái learned helplessness. Đó là khi con chim ấy học được một bài học làm thế nào để trở thành một kẻ có tên là "vô phương cứu chữa".
Cuối cùng, mình hy vọng chúng ta sẽ có duyên gặp nhau. Tại sao? Vì mình là một đứa ham ăn, háu ăn, thậm chí gọi làm tham ăn cũng chả sai. Mình dễ dãi vô cùng trong ăn uống. Mình tôn thờ và yêu mến vô điều kiện tất cả lũ bạn bè từng nấu ăn cho mình. Mình sẽ ăn sạch uống sạch tất cả những gì chúng nó nấu. Mình biết ơn những kẻ thích nấu nướng vì bản thân mình không ưa gì cái bếp. Mình chưa bao giờ thôi cảm tạ đất trời vì bạn trai mình rất khoái nấu ăn.
Nhưng Miêu biết không, mình đặt chuông trong lịch làm việc, để cứ vài tháng lại không quên hỏi anh ấy rằng: "Can I cook any time?" - Em có thể tự nấu ăn những ngày nào?
Làm như vậy vì mình hiểu rằng, NIỀM VUI NÀO CŨNG CÓ GIỚI HẠN, TÌNH YÊU NÀO CŨNG CÓ ĐIỂM DỪNG.
Nếu niềm vui và tình yêu ấy vượt ngưỡng trở thành gánh nặng, đó là lúc kẻ kia PHẢI làm chứ không MUỐN làm, BỊ chọn chứ không ĐƯỢC chọn. Lúc ấy, ngang nhiên hoặc vô tình hưởng thụ là sai mất rồi.
Chúc Miêu luôn ở phía bên vui vẻ, tự do lựa chọn của lằn ranh mong manh ấy. Có biết bao người hẳn đang ghen tỵ với Miêu.