MB đặt kế hoạch lợi nhuận vượt 26.000 tỷ trong năm nay, chuẩn bị cho việc nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng

05/04/2023 09:45 AM | Kinh doanh

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 25/4 tại khách sạn JW Marriott, Hà Nội.

MB đặt kế hoạch lợi nhuận vượt 26.000 tỷ trong năm nay, chuẩn bị cho việc nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng - Ảnh 1.

Trong năm 2023, ban lãnh đạo MB dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 15% so với năm 2022, đạt 26.100 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 14% lên 830.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 20%, đạt 54.363 tỷ đồng. Tín dụng dự kiến đạt 583.600 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2022 và phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Huy động vốn ước đạt 591.000 tỷ đồng và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất dưới 2% và riêng Ngân hàng mẹ dưới 1,5%.

MB đặt kế hoạch lợi nhuận vượt 26.000 tỷ trong năm nay, chuẩn bị cho việc nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng - Ảnh 2.

Nguồn: Tài liệu phục vụ ĐHĐCĐ thường niên 2023 của MB

Về định hướng hoạt động năm 2023, bên cạnh việc triển khai Chiến lược phát triển theo lộ trình, trong giai đoạn tới, ban lãnh đạo MB cho biết ưu tiên tìm kiếm những không gian tăng trưởng mới, cơ hội hợp tác mới.

HĐQT định hướng tiếp tục phát triển và kiện toàn Tập đoàn tài chính MB thông qua việc dự kiến liên doanh với đối tác có năng lực để chuyển đổi hình thức pháp lý MBCambodia (từ ngân hàng 100% vốn của MB) thành Ngân hàng liên doanh tại Campuchia, hướng đến phát triển phân khúc cho vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân và khai thác các lợi thế của MB và đối tác tại thị trường này; nghiên cứu các mô hình đầu tư/hợp tác kinh doanh tại các quốc gia khác trên thế giới và các công ty có mối quan hệ liên kết, nhằm thống nhất mục tiêu chuyển dịch số, tăng trưởng kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

MB sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng là tham gia phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng là một Ngân hàng Thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc, đồng thời có thể nắm bắt cơ hội tiếp tục tăng trưởng quy mô và mạng lưới hoạt động của Tập đoàn.

Với nguồn lực chất lượng và có kinh nghiệm triển khai thành công một số phương án tái cơ cấu, cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ và NHNN, MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành côngphương án nhận CGBB một TCTD, tận dụng hiệu quả các lợi thế hỗ trợ để tăng tốc phát triển, góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu Chiến lược.

Để thực hiện các mục tiêu và định hướng nêu trên, ban lãnh đạo MB đã đưa ra một loạt các giải pháp.

Thứ nhất, củng số sức mạnh hiệp lực tập đoàn, tăng năng lực bán chéo, mở rộng quy mô, thị phần, tăng sức cạnh tranh trong tập đoàn.

Thư hai, tăng tốc năng lực chuyển đổi số, ứng dụng triển khai các công nghệ mới cho kinh doanh số, CNTT, vận hành tại MB và các công ty thành viên. Đầu tư đảm bảo an ninh, an toàn về dữ liệu. Triển khai nhà máy số KHCN/SMEs, dự án hợp nhất dữ liệu tập đoàn, quản trị rủi ro thông minh theo tiến độ.

Thứ ba, trọng tâm tăng trưởng huy động vốn, tăng CASA phấn đấu duy trì TOP 1 CASA, tối ưu chi phí vốn, đảm bảo các chỉ số an toàn của NHNN và thanh khoản toàn tập đoàn.

Thư tư, tăng trưởng tín dụng bám sát chỉ đạo tín dụng và giới hạn tăng trưởng tín dụng của ngân hàng nhà nước, ưu tiên bán lẻ. Kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu tập đoàn ≤2%, riêng ngân hàng ≤1,5%. Tiếp tục hoàn thiện các mô hình đo lường rủi ro để hỗ trợ ra quyết định kinh doanh và quản trị điều hành.

Thứ năm, tập trung tăng trưởng khách hàng tại các phân khúc chiến lược thông qua nền tảng số (APP & BIZ MB). Xây dựng hệ sinh thái, quản trị và cải thiện hiệu quả mô hình kinh doanh phục vụ tối ưu cho từng phân khúc.

Thứ sáu, quản trị chi phí hiệu quả, linh hoạt theo tình hình kinh doanh, phấn đấu kiểm soát CIR ≤30%. Quy hoạch và tăng hiệu quả kinh doanh các kênh phân phối (chi nhánh/phòng giao dịch, Smartbank). Cải tiến chất lượng dịch vụ theo điểm chạm của khách hàng (Offline to Online);…

Để các định hướng hoạt động năm 2023 được tổ chức triển khai thành công, ban lãnh đạo MB đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai: i) Chiến lược MB giai đoạn 2022 - 2026; ii) phương án chuyển đổi hình thức pháp lý của Ngân hàng MBCambodia tại Campuchia (thành ngân hàng liên doanh hoặc các hình thức khác phù hợp), phù hợp nhu cầu kinh doanh, định hướng phát triển của MB giai đoạn 2022 - 2026 và các quy định pháp luật của nước sở tại; iii) nhận CGBB một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận CGBB. HĐQT sẽ chỉ đạo/tổ chức triển khai các nội dung cụ thể trên cơ sở ĐHĐCĐ ủy quyền/giao nhiệm vụ, phù hợp quy định pháp luật, phê duyệt của ĐHĐCĐ và báo cáo kết quả thực hiện công việc tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất (nếu có)

Theo Quang Hưng

Cùng chuyên mục
XEM